12/12/2018 16:56 GMT+7

Cuộc thi của trò, 'cuộc chiến' của thầy thì đã sao?

NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG

TTO - Cùng học trò 'đi thi', thầy cô được bổ sung kiến thức, song song tình thầy trò thêm sâu sắc. Điều này tốt quá đi chứ!

Cuộc thi của trò, cuộc chiến của thầy thì đã sao? - Ảnh 1.

Sản phẩm Cánh tay robot hỗ trợ hoạt động cho người bị đoạn chi của Trường THPT Marie Curie, TP.HCM đoạt giải nhất tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học (năm học 2017- 2018) khu vực phía Nam - Ảnh: NHƯ HÙNG

Tổ chức dạy học dự án, bồi dưỡng học sinh giỏi, tham gia các cuộc thi như Khoa học kỹ thuật, Tự hào sử Việt... học sinh luôn cần sự hướng dẫn của thầy cô. 

Không những thế, đây là sân chơi kịch tính, đòi hỏi sự say mê, miệt mài, cùng những kịch bản sáng tạo. Vì thế, tuy là cuộc thi của trò nhưng đậm tính chất... "cuộc chiến" của thầy.

1. Chẳng hạn, ở cuộc thi Khoa học kỹ thuật, học sinh có ý tưởng nhưng thầy cô cần giúp các em tài liệu nghiên cứu, cách làm phiếu khảo sát, điều tra; cách tổ chức thực nghiệm, viết báo cáo, trưng bày sản phẩm. 

Có sự phối hợp giữa thầy trò, học sinh mới đủ kiến thức, kỹ năng, sự hưng phấn, niềm tin để thực hiện đề tài mà các em ấp ủ (cũng có khi là thầy ấp ủ và tổ chức cho trò tập nghiên cứu khoa học). 

Ngay cả người lớn khi làm luận văn, luận án thì thầy cô hướng dẫn có vai trò rất quan trọng. Cuộc thi của trò, thầy hăng say vào cuộc, các em vui lắm, phong trào dần phát triển, những năm học sau, cuộc thi càng chất lượng.

2. Trò thi, thầy vào cuộc, thầy cô bổ sung thêm kiến thức, những ý tưởng mới lạ, những tình huống thực tế, chính là thầy cô tự mình phát triển năng lực nghề nghiệp. 

Có câu "dạy là học hai lần". Bồi dưỡng học sinh giỏi, ai qua rồi mới hay. Để lên lớp được một tiết (chuẩn bị cho học sinh đi thi học sinh giỏi), thầy cô phải mày mò tài liệu trong thời gian dài, có tài liệu rồi lại tiếp tục nghiền ngẫm mới có thể giúp học sinh hiểu vấn đề sâu sắc. 

"Cuộc chiến" bồi dưỡng học sinh giỏi giúp thầy cô mở rộng, đào sâu kiến thức. Lẽ tất nhiên, thầy cô nào bồi dưỡng thì cũng mong muốn học sinh mình có giải. Học sinh vui mừng, thầy cô tự hào, nhà trường có thành tích, xây dựng thương hiệu, "cuộc chiến" bồi dưỡng học sinh giỏi của thầy - tốt chứ sao?

3. Để tham gia các cuộc thi, nhà trường sớm có kế hoạch (có khi phải chuẩn bị từ hè của năm học trước hoặc ngay từ khi học sinh ngồi ở lớp đầu cấp). Chia sẻ học sinh thông tin về kỳ thi, hướng dẫn các em có ý tưởng, ước mơ, nguyện vọng; nhà trường sơ tuyển, phân công giáo viên bồi dưỡng, hướng dẫn... "cuộc chiến" của thầy bắt đầu. 

Những vấn đề phát sinh đòi hỏi giáo viên trợ giúp học sinh kịp thời, sự tích cực của trò là động lực để thầy tìm tòi. Quá trình này còn đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa các giáo viên trong cùng nhóm, tổ chuyên môn và sự hỗ trợ của ban giám hiệu (chưa nói đến là sự hỗ trợ của các chuyên gia khi đề tài học sinh liên quan đến những vấn đề ngoài tầm tay với của thầy). 

Thông qua hoạt động, giáo viên gắn bó với nhau hơn, vậy là trui rèn không chỉ chuyên môn mà còn vấn đề đoàn kết.

4. Thầy trò cùng làm việc trong các cuộc thi, buổi trưa thầy mày mò giải bài tập, xem lại một vấn đề khó, cùng trò đục đẽo để có mô hình, chuẩn bị poster báo cáo kết quả; những buổi tối thầy say sưa nêu vấn đề, trò cặm cụi làm, tình thầy trò thêm sâu sắc. Cuộc thi của trò, "cuộc chiến" của thầy, có mặt nhân văn đấy chứ!

5. Những cuộc thi, nhà trường tổ chức, thầy cô tận tình hướng dẫn, phụ huynh biết được ai mà chẳng yên lòng? Thầy cô giỏi, tận tâm, nhiệt tình tham gia "cuộc chiến" giúp các em vững vàng trong các cuộc thi cũng chính là giúp các em thêm vững vàng trong cuộc sống sau này. 

Có mũi nhọn, các em học sinh đó là những điểm sáng, tấm gương để các bạn khác noi theo. Không chỉ cuộc thi văn hóa mà còn những cuộc thi khác như: văn nghệ, thể dục thể thao, hội họa, sáng tác, thầy trò đồng hành, nhà trường thân thiện là thế.

Thi thì có giải, để xét trao giải thì cần ban giám khảo, mỗi cuộc thi đều có quy định tiêu chuẩn cho các thành viên tham gia ban giám khảo. Chỉ là do đâu đó chưa chủ động phối hợp hoặc có địa phương không đủ điều kiện nên giám khảo... "cơm chấm cơm". Nếu ban giám khảo công tâm, đọc kỹ báo cáo, chịu khó tìm hiểu thì việc chấm điểm, những nhận xét sẽ khách quan.

Vẫn biết, cuộc thi nào rồi cũng có góc khuất, cả những cuộc thi ở tầm cao hơn cấp huyện, cấp tỉnh, âu cũng là lẽ thường. 

Trở lại cuộc thi trong học đường, nhà trường vì thành tích, tạo áp lực lên học sinh, giáo viên phải suy xét vấn đề này toàn diện. 

Có áp lực tiêu cực nhưng cũng có áp lực tích cực, nếu chỉ một góc nhìn tiêu cực, thầy cô tham gia hờ hững, đối phó, "cuộc chiến" của thầy... một màu xám xịt. Thầy cô chán nản, chỉ khi ban giám hiệu nhắc nhở mới bắt đầu... chạy trong tâm thế bức bối, góp thêm gam màu tối cho "cuộc chiến".

Có cuộc thi nào của trò mà dễ đạt kết quả đâu, thầy tham gia "cuộc chiến" là trách nhiệm và yêu thương học sinh. Nếu đạt giải, đó là sự ghi nhận quá trình làm việc hiệu quả của thầy trò. Lúc đó, lan tỏa cảm xúc sung sướng, những mệt mỏi cùng vất vả tan biến. 

Cuộc thi của trò, "cuộc chiến" của thầy lúc này có tốt không?

Cuộc thi của trò hay Cuộc thi của trò hay 'cuộc chiến' của thầy?

TTO - Mấy hôm trước, địa phương tôi tổ chức cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho các em học sinh trung học cơ sở.

NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên