16/09/2019 10:09 GMT+7

'Cuộc sống thật kỳ lạ khi cho Hồng sức chiến đấu hơn người'

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Phụ quán trà sữa, bóc vỏ hạt sen... bất kỳ công việc nào kiếm tiền được Hồng đều lao vào làm để có bữa ăn hằng ngày và đến trường.

Cuộc sống thật kỳ lạ khi cho Hồng sức chiến đấu hơn người - Ảnh 1.

Sau khi sức khỏe cha ổn định, Hồng tươi vui và nở nụ cười động viên cha Ảnh: TRẦN MAI

Cuộc sống thật kỳ lạ khi cho Hồng sức chiến đấu hơn người. Tôi gửi hồ sơ cho Hồng để tạo bước đệm và mong có thêm nhiều sự trợ giúp để Hồng vơi bớt gánh nặng trong những ngày phía trước của cháu.

Anh TRẦN ANH VŨ (43 tuổi, TP Quảng Ngãi, người nộp hồ sơ học bổng "Tiếp sức đến trường" cho Hồng)

Tám năm cha chạy thận, chừng ấy thời gian mẹ bỏ đi vào Nam, hiếm hoi lắm mới về nhà một lần. Bao vất vả dồn lên đôi vai tân sinh viên Phân hiệu Đại học Giao thông vận tải tại TP.HCM Đào Thị Ngọc Hồng (xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi).

Hành trang cha đưa cho con vào đại học

Hồng thay mẹ chăm cha, em gái và gánh luôn việc kiếm tiền trang trải cuộc sống hằng ngày của ba cha con. Phụ quán trà sữa, bóc vỏ hạt sen..., bất kỳ công việc nào kiếm tiền được Hồng đều lao vào làm để có bữa ăn hằng ngày và đến trường.

Ánh nắng buổi trưa len qua mái ngói tạo thành những luồng sáng yếu ớt rọi thẳng xuống căn nhà nồng nặc mùi thuốc tây. Bước vào căn phòng u tối cạnh nhà bếp hơi nóng phả hầm hập càng khiến mùi thuốc nồng nặc hơn. Ở đó, ông Đào Ngọc Thưởng (43 tuổi) cố vịn người vào thanh giường đứng dậy bước ra ngoài.

Nước da nhợt nhạt, hơi thở nặng nề là di chứng của căn bệnh suy thận. Tám năm qua, mỗi tuần ông Thưởng chạy thận ba lần, chậm trễ dù chỉ một ngày cũng khiến ông chẳng thể đứng vững. Và hôm nay là ngày ông Thưởng phải ra Bệnh viện Quảng Ngãi chạy thận.

Lấy cánh tay nổi từng u cục lớn mà ông Thưởng bảo do chạy thận quá nhiều nên hỏng ven đẩy bốn chiếc thau vào gầm giường nhường chỗ cho khách ngồi, ông Thưởng phân bua: "Trước khi đi học, con Hồng đã sửa lại những chỗ dột trên mái nhà. Nhưng mấy hôm nay mưa lớn, nhiều chỗ lúc trước mưa nhỏ không dột giờ dột mãi. Tôi chuẩn bị thau để hứng".

Kể về con, ông Thưởng giọng đầy chua chát. Làm cha, ông muốn gánh vác cho con, muốn con hồn nhiên sống như bao bạn bè. Nhưng ông chẳng thể làm được, trái lại còn là gánh nặng cho con.

"Nó phải chạy ăn từng bữa, đêm nào cũng thức khuya bóc hạt sen, sáng dậy sớm nấu ăn, lo thuốc thang xong rồi mới đi học. Trưa về nấu ăn rồi đi làm thêm kiếm tiền..." - ông Thưởng thở dài.

Tình thương dành cho con đạt đến đỉnh điểm của sự bất lực khi ông Thưởng kể Hồng phải tự vay mượn chi phí để vào TP.HCM nhập học. Thứ duy nhất ông Thưởng đưa cho con làm hành trang là giấy chứng nhận hộ nghèo mà UBND xã Hành Thịnh ký xác nhận. Ông Thưởng đặt trọn kỳ vọng vào tờ giấy A4 ấy có thể giúp con đỡ vất vả.

"Mong cái giấy đó sẽ giúp con được miễn học phí, hoặc cho vào ký túc xá ở. Bao nhiêu năm nay, nhờ có tờ giấy này mà tôi được chạy thận miễn phí, nếu không, con bé đã nghỉ học rồi" - ông Thưởng nói và nhớ lại lúc phát bệnh một năm, tiền chạy thận lôi của cải tích góp đi hết.

Hồng học hết lớp 5 rồi nghỉ học nuôi cha. May sao địa phương xét hoàn cảnh bi thương đã xác nhận cho gia đình ông sổ hộ nghèo, Hồng mới bước vào được lớp 6. Cũng nhờ vào nghị lực của Hồng mà địa phương hỗ trợ 40 triệu đồng và Hồng cắm nhà vay thêm 50 triệu để làm căn nhà hiện giờ.

Kiên cường đối diện

Lý do hôm nay ông Thưởng đi chạy thận muộn hơn mọi ngày là để chờ Hồng từ TP.HCM trở về chở đi. Đứa con kiên cường của ông Thưởng mới vào nhập học được mấy ngày đã tìm được cho mình công việc phụ quán cơm, mỗi ngày được trả 50.000 đồng và người chủ thương tình cho ở nhờ.

Hồng trở về nhà bởi nghe cha trở mệt và bổ sung hồ sơ xin nhận học bổng Tiếp sức đến trường mà một người tốt vừa giúp nộp đơn, chỉ thiếu thư đề đạt và giấy báo nhập học.

Đôi tay thoăn thoắt, trò chuyện với chúng tôi nhưng Hồng vẫn bóc được nhiều vỏ hạt sen. Gần như cô gái tranh thủ thời gian tối đa để kiếm tiền. Cuộc trò chuyện ngắn ngủi kết thúc, Hồng vội thu xếp giấy tờ và qua hàng xóm mượn chiếc xe máy chở cha ra TP Quảng Ngãi chạy thận.

Trên con đường hơn 20km từ xã Hành Thịnh ra Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, rất nhiều người dân thấy Hồng đã chặn lại hỏi sao Hồng lại về nhà. Ai cũng lo Hồng nghỉ học. Còn Hồng phải giải thích: "Con không nghỉ học đâu, về có chút chuyện, mai con vào lại".

Khoa thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi chỉ còn duy nhất một chiếc giường trống, đó là chỗ được mặc định thứ ba, năm, bảy ông Thưởng nằm. Hôm nay thấy Hồng xuất hiện, nhiều người nhà cũng bất ngờ: "Ủa, sao con không đi học. Nghỉ là khổ cả đời nghe con" - ông Hùng, người nhà bệnh nhân chạy thận, hỏi. Rồi một đám đông tụ lại giọng lo lắng.

Cuộc sống thật kỳ lạ khi cho Hồng sức chiến đấu hơn người - Ảnh 3.

Hồng (giữa) vừa về nhà đã bóc hạt sen để kiếm tiền trong lúc trò chuyện với PV Tuổi Trẻ - Ảnh: TRẦN MAI

Hồng cũng phải giải thích để xua đi sự ái ngại mọi người dành cho mình. Ở nơi chẳng ai muốn đến này, Hồng có thâm niên dẫn cha chạy chữa và ai cũng yêu thương đứa con hiếu thảo. Họ quý hơn cả là sức chiến đấu bền bỉ của Hồng.

"Tôi mà rơi vào cảnh nó, học hết lớp 12 còn khó nói chi đậu đại học, thiệt phục con bé" - bà Thỏa, người nhà bệnh nhân, tâm sự.

Bác sĩ Trần Thị Thu Hảo tâm sự: "Hồng đậu đại học, tôi mừng còn hơn con cháu trong nhà. Kiếm tiền đi học với Hồng không quá khó. Nếu con bé có được sự trợ giúp của cộng đồng để vơi bớt gánh nặng, sẽ còn tiến rất xa. Kiên cường và nghị lực là điều tôi thấy rõ nhất ở Hồng".

Nghị lực của Hồng xuất phát từ trái tim của một đứa con hiếu thảo và ý thức được trọng trách của mình khi được sinh ra trên cõi đời này. "Chẳng ai muốn khổ cả. Mình nghĩ số phận chọn mình và mình dù muốn hay không cũng phải đối chọi" - Hồng nói.

Mục tiêu có tấm bằng loại giỏi

Tờ giấy hộ nghèo, công việc vừa xin được và mọi dự tính cũng được sắp xếp, kể cả học bổng "Tiếp sức đến trường" cũng nằm trong phương án tính toán dù chỉ mới gửi đi có bốn ngày.

"Mình phải thay đổi tính toán khi biết có học bổng. Mình dành ra 7 triệu đồng trả nợ mượn nhập học. Còn lại mình để cho ba và em gái. Trong TP.HCM chỗ ăn ngủ đã có, nếu chăm chỉ làm việc mỗi tháng sẽ được 1,5 triệu đồng. 1 triệu gửi về cho ba, còn lại làm sinh hoạt phí và tìm thêm việc làm để gửi về nhà nhiều hơn. Mình không muốn tính quá xa, cứ vượt qua mỗi ngày trước đã" - Hồng nói.

Cô gái kiên cường chỉ đặt duy nhất mục tiêu lâu dài là lấy được tấm bằng loại giỏi, có được kinh nghiệm làm việc ngay từ khi ngồi trên giảng đường.

Học vì tương lai, trả ân tình hôm nay Học vì tương lai, trả ân tình hôm nay

TTO - Sáng 14-9, 167 tân sinh viên vượt khó học giỏi của 11 tỉnh, thành ĐBSCL đã nhận học bổng “Tiếp sức đến trường”.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên