25/05/2018 15:08 GMT+7

Cuộc sống của bộ tộc chăn tuần lộc cuối cùng ở Mông Cổ

MINH HẢI (Theo Reuters)
MINH HẢI (Theo Reuters)

TTO - Nhịp sống hiện đại phát triển nhưng cuộc sống du mục bên đàn gia súc, ăn bánh mì khô, uống sữa tuần lộc, ngủ lều dựng tạm trên tuyết mới là điều những người bộ tộc Dukha ở Mông Cổ mong muốn.

Ẩn sâu trong những cánh rừng taiga rộng lớn dọc theo biên giới với Nga là nơi sinh sống của những người Dukha, bộ tộc du mục chăn tuần lộc cuối cùng của Mông Cổ.

Bộ tộc du mục Dukha còn có tên gọi khác là Tsaatan, sống cuộc đời du mục qua nhiều thế hệ. Họ chăn nuôi tuần lộc và sống trong những chiếc lều dựng tạm trên tuyết. 

Cuộc sống của bộ tộc chăn tuần lộc cuối cùng ở Mông Cổ - Ảnh 1.

Trong ảnh là một phụ nữ bộ tộc Dukha bên những con tuần lộc của gia đình cô trong một khu rừng gần làng Tsagaannuur, Khovsgol Aimag, Mông Cổ. Những bức ảnh tuyệt đẹp này được nhiếp ảnh gia Thomas Peter của hãng Reuters ghi lại sau khi dành một khoảng thời gian khá dài để sống cùng người dân của bộ lạc.

Hiện nay,  cuộc sống và sự tồn tại của bộ lạc Dukha đang bị đe dọa nghiêm trọng. 

Vào năm 2012, chính phủ Mông Cổ quyết định bổ sung một phần lớn diện tích đất ở phía Bắc đất nước vào khu vực được bảo tồn nhằm bảo vệ hệ sinh thái bị tàn phá nặng nề trong nhiều năm trước. 

Điều đó đồng nghĩa với việc cấm săn bắn, chăn nuôi. Trong khi đó, nguồn thực phẩm chính của người Dukha lại đến từ việc săn thú rừng và uống sữa tuần lộc.

Cuộc sống của bộ tộc chăn tuần lộc cuối cùng ở Mông Cổ - Ảnh 2.

Một em bé Dukha cưỡi trêm lưng tuần lộc.

Chính phủ đã trích một khoản tiền để trả cho các gia đình bị ảnh hưởng. Các gia đình này sử dụng số tiền đó để chuyển đến các ngôi làng, nơi con em họ được đi học, có bệnh viện, đường xá và chấm dứt cuộc sống du mục với đàn tuần lộc và những túp lều trong rừng.

Hiện nay, bộ lạc Dukha chỉ còn khoảng gần 300 người. Họ đang phải đối mặt với nguy cơ mất đi bản sắc văn hóa truyền thống của mình.

Cuộc sống của bộ tộc chăn tuần lộc cuối cùng ở Mông Cổ - Ảnh 3.

Thông thường, các hộ gia đình dựng lều tạm ở địa điểm có nhiều cỏ trong một vài tháng để chăn nuôi đàn tuần lộc. 

Mỗi ngày, người Dukha lùa đàn tuần lộc ra bãi cỏ gần khu lều vào lúc bình minh và về nhà vào tối muộn. 

Cuộc sống của bộ tộc chăn tuần lộc cuối cùng ở Mông Cổ - Ảnh 4.

Trong ảnh là cô bé Tsetse, 6 tuổi, đang cố gắng kéo chú tuần lộc con về chuồng. Mỗi ngày bé Tsetse dành vài tiếng đồng hồ để chăm tuần lộc trong rừng.

Những đứa trẻ được sinh ra ở rừng, sống cuộc sống du mục cũng thích nghi và sớm được cha mẹ dạy cho các kỹ năng chăn thả gia súc cần thiết. 

Chúng thường được giao cho chăm sóc những con tuần lộc nhỏ. 

Cuộc sống của bộ tộc chăn tuần lộc cuối cùng ở Mông Cổ - Ảnh 5.

Thức ăn chủ yếu của người Dukha là sữa, thịt tuần lộc và các món bánh từ bột mì. 

Cuộc sống du mục luôn di chuyển cùng khí hậu lạnh giá khiến họ khó có thể trồng trọt hay kiếm được nguồn thực phẩm nào khác. 

Cuộc sống của bộ tộc chăn tuần lộc cuối cùng ở Mông Cổ - Ảnh 6.

Thông thường, để tiện chăn thả và trông giữ, những gia đình Dukha sẽ kết thành một nhóm nhỏ. Họ di chuyển qua các cánh rừng và dựng lều sát cạnh nhau. 

Trong ảnh là một người đàn ông đang lùa tuần lộc về nhà. Đàn tuần lộc khoảng 300 con là của 4 gia đình cộng lại.  

Cuộc sống của bộ tộc chăn tuần lộc cuối cùng ở Mông Cổ - Ảnh 7.

Một bức ảnh chụp làng Tsagaannuur bên cạnh hồ Dod Nuur, phía bắc Mông Cổ từ trên cao. Đây là ngôi làng gần nhất với những người chăn tuần lộc sống trong rừng. 

Làng Tsagaannuur được xây dựng trong thời Xô Viết để hỗ trợ một đội ngư dân và bị bỏ lại sau sự sụp đổ của nền kinh tế Xô Viết vào những năm 1990.

Cuộc sống của bộ tộc chăn tuần lộc cuối cùng ở Mông Cổ - Ảnh 8.

Những đứa trẻ vui đùa trong một trường học ở làng Tsagaannuur. Những em nhỏ này được học chữ và nói ngôn ngữ phổ thông. Khi lớn hơn sẽ đi học đại học ở thành phố lớn.

Chỉ còn số ít người cao tuổi của bộ tộc nói được ngôn ngữ tộc Dukha.

Hiện nay, một giáo viên và một nhà ngôn ngữ học đang phối hợp với những người này để tìm cách ghi chép, lưu giữ lại ngôn ngữ truyền thống.

Cuộc sống của bộ tộc chăn tuần lộc cuối cùng ở Mông Cổ - Ảnh 9.

Bà Jargal Gombosed vui vẻ trò chuyện cùng con và cháu gái trong lều của họ.

Sự phát triển kinh tế đất nước nói chung cũng góp phần thay đổi diện mạo cuộc sống của người Dukha. Họ nắm bắt được các thông tin bên ngoài, mua được nhiều vật dụng tốt, nhiều quần áo đẹp. 

Jargal Gombosed, một phụ nữ cao tuổi của bộ tộc cho biết rằng vào thời của bà rất khó khăn để mua được bột mì hay cơm. Mọi thứ khi đó đều rất hiếm, nhưng hiện nay thì chỉ cần có tiền là người dân có thể mua được bất cứ thứ gì mình thích.

"Thời đó chúng tôi muốn nghe được tin tức bên ngoài phải về trung tâm của làng ở rất xa. Bây giờ thì chỉ cần có chiếc điện thoại di động và ti vi là đủ", bà Gombosed cho biết.

Cuộc sống của bộ tộc chăn tuần lộc cuối cùng ở Mông Cổ - Ảnh 10.

Trong ảnh là bác sĩ địa phương, ông Davaajav Nyamaa đang dùng điện thoại để gọi cho bệnh nhân của mình. Người Dukha dùng một chiếc ăng ten lớn gắn trên cây cao để thu tín hiệu 3G.

Cuộc sống của bộ tộc chăn tuần lộc cuối cùng ở Mông Cổ - Ảnh 11.

Một con tuần lộc đứng trên nền tuyết trắng xóa. Loài tuần lộc thích nghi tốt với địa hình vùng núi lạnh giá. Mỗi năm chúng rụng sừng một lần và mọc lên một cái mới vào cuối mùa xuân đến đầu mùa hè. Sừng của những con tuần lộc cái thường dài và có phần to hơn con đực.

Cuộc sống của bộ tộc chăn tuần lộc cuối cùng ở Mông Cổ - Ảnh 12.

Khói bốc lên từ ống khói trong lều của gia đình ông Erdenebat Chuluu, thành viên bộ tộc Dukha sống gần làng Tsagaannuur, vùng Khovsgol Aimag, Mông Cổ.

Tuy cuộc sống hiện đại có nhiều điều thuận tiện hơn trong sinh hoạt, nhưng phần nhiều người dân Dukha yêu thích cuộc sống du mục của mình.  

"Chúng tôi thức giấc lúc bình minh vừa hé. Sau khi ăn bánh mì và uống sữa chúng tôi lùa tuần lộc ra cánh đồng cỏ. Khoảng giữa trưa  sẽ buộc chúng vào gốc cây và nghỉ ngơi chừng một giờ. Sau đó sẽ lùa đàn ra ăn cỏ thêm một lượt vào buổi chiều và cho chúng về nhà vào khoảng 19 giờ. Khi đó mẹ và vợ chúng tôi đã chuẩn bị đồ ăn. Cả nhà cùng ăn và hát ca. Cuộc sống an nhiên và tự tại đó mới là của chúng tôi", ông Erdenebat Chuluu chia sẻ.

MINH HẢI (Theo Reuters)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên