Cuộc chiến Ukraine: Trên thị trường vũ khí lậu

DANH ĐỨC 15/11/2022 05:33 GMT+7

TTCT - Tin tức về vũ khí viện trợ cho Ukraine bị tuồn ra ngoài không xa lạ gì ở một khu vực địa lý đã đi vào điện ảnh với hẳn một dòng phim truyện về những ông trùm mafia Nga tham vọng vượt quá chuyện buôn lậu vũ khí, tỉ như âm mưu bắt cóc tổng thống Nga để cướp

Cuộc chiến Ukraine: Trên thị trường vũ khí lậu - Ảnh 1.

Đủ loại vũ khí hiện đại và tiện dụng đang được các bên triển khai ở Ukraine. Ảnh: Getty Images

Xi nê tất nhiên chỉ là xi nê, song dẫu sao cũng phản ánh một vài thực tế ở khu vực từng trở thành chiến trường sau khi Liên Xô, rồi Nam Tư tan rã...

Không đợi đến lượt Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần rồi "la làng" rằng vũ khí viện trợ cho Ukraine bị tuồn ra chợ đen, những ấn phẩm như Zaborona Media ở Ukraine cũng đã tự độc lập điều tra. Cụ thể là bài "Những con đường bí mật vũ khí Ukraine buôn lậu", công bố hôm 27-8-2021, khi chiến tranh chưa bùng nổ.

Băng đảng vũ khí Ukraine

Zaborona Media là một ấn phẩm độc lập về xã hội và văn hóa ở Ukraine. Mở đầu bài điều tra, tác giả Oleksandr Humeniu đưa ra một mô tả khách quan: "Từ khi giành được độc lập vào năm 1991, Ukraine là một trong 10 nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới... Tuy nhiên, nhiều thương vụ là không hợp pháp".

Theo tác giả, có hai nhóm chính thống trị thị trường vũ khí này, lợi dụng tình trạng hỗn loạn và tham nhũng: (1) các ông trùm vũ khí độc lập đã vét sạch các kho chứa đầy trang thiết bị từ thời Liên Xô; và (2) lực lượng an ninh và các quan chức sẵn sàng vi phạm lệnh cấm vận quốc tế để góp phần thanh lý kho vũ khí thừa hưởng của Liên Xô.

"Kết quả" của sự thông đồng giữa hai nhóm này là việc buôn bán vũ khí thông qua các công ty nước ngoài, rồi rửa tiền và giữ tiền đã rửa trong các tài khoản ở Thụy Sĩ và Tây Ban Nha, còn những tay buôn vũ khí lậu thì mua bất động sản sang trọng và sống xa hoa ở Tây Ban Nha. 

Theo Evhen Shevchenko, một đặc vụ người Ukraine mà Zaborona dẫn lại, buôn lậu vũ khí ở Ukraine có thể chia thành ba thời kỳ: "thập niên 90 hoang dã", rồi đến thời kỳ trước khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, và sau đó. 

Andriy, một cựu nhân viên giấu tên của Cơ quan An ninh Ukraine, nói buôn bán vũ khí Liên Xô có lẽ đã trở thành lĩnh vực buôn bán bất hợp pháp nhiều lợi lộc nhất ở Ukraine những năm 1990: "Họ đã bán mọi thứ: máy bay trực thăng, máy bay chiến đấu, xe tăng, súng máy và đạn. Cả công chức và tội phạm đều buôn lậu".

Tác giả còn dẫn bộ phim Lord of War của Mỹ, trong đó tay trùm Vitaly Orlov (do Jared Leto thủ vai) đưa ra một bản đồ Ukraine làm từ cocaine. 

Tay trùm giải thích với anh trai mình và nhân vật chính của phim Yuri, một tay buôn vũ khí đầy tham vọng (Nicolas Cage), rằng cuộc chinh phục tương lai của họ sẽ bắt đầu từ Odessa. 

Yuri trong phim là hình ảnh hư cấu từ một nhân vật có thật: Leonid Minin, người mà những năm 1990 từng kiểm soát cảng Odessa và đường dây vận chuyển vũ khí qua cảng này sang Liberia, nơi nhà độc tài khét tiếng Charles Taylor đang khai thác đường dây buôn kim cương từ châu Phi sang châu Âu, đổi lấy vũ khí. 

Tất nhiên, Minin có quan hệ với các quan chức Ukraine tham nhũng.

Cũng có người cho rằng Yuri là hình ảnh của tay trùm vũ khí Nga Viktor Bout. Bout, bị bắt từ năm 2008 ở Thái Lan, dẫn độ qua Mỹ thọ án, năm nay "lên báo" lại do được ông Biden đem ra trao đổi với ngôi sao bóng rổ nữ người Mỹ Brittney Griner, bị bắt vì khám thấy có ma túy ở sân bay Sheremetyevo (Matxcơva). 

Là ai đi nữa thì những năm 1990 đó, chuyện những đường dây buôn lậu vũ khí cả của người Ukraine và người Nga là có thật.

Cuối những năm 1990, chính quyền Mỹ quyết định hạn chế hoạt động buôn lậu vũ khí từ Ukraine. Người Mỹ bắt đầu xây dựng hệ thống kiểm soát xuất khẩu thời hậu Xô viết bao gồm các cơ quan phân cấp quyền lực theo chiều dọc để kiểm soát mọi sự chuyển động của vũ khí. 

Mỹ cũng đưa ra các khái niệm về "hàng hóa quân sự" và "hàng hóa lưỡng dụng". Kết quả là toàn bộ hoạt động kinh doanh vũ khí của Ukraine dần minh bạch hóa và ít nhiều lành mạnh từ nửa đầu những năm 2000. 

Tổng thống nước này kiểm soát trực tiếp mọi chuyện trong ngành buôn bán vũ khí, tất nhiên bao gồm không ít thương vụ tai tiếng. Do lẽ buôn bán vũ khí không chỉ là công việc kinh doanh, mà còn là chính trị.

Đáng lưu ý là bài điều tra nói trên được công bố hôm 27-8-2021, tức trong nhiệm kỳ của đương kim Tổng thống Volodymyr Zelensky, vốn bắt đầu từ 20-5-2019. Chi tiết "tổng thống kiểm soát trực tiếp mọi thứ diễn ra trong quá trình chuyển giao vũ khí" không thể không can hệ tới ông Zelensky.

Nội dung điều tra của Zabonora là về một kho vũ khí lậu bị lực lượng an ninh Tây Ban Nha, với sự hỗ trợ của Europol, phanh phui. 

Trong số những người bị bắt có người Ukraine, người Latvia và người Tây Ban Nha. Theo Europol, băng tội phạm này đã vận chuyển trái phép vũ khí Nga - gồm cả xe tăng và chất nổ - trên các tàu thương mại từ Ukraine qua Địa Trung Hải. 

Địa điểm giao hàng chủ yếu là các khu vực xung đột ở Bắc Phi và Trung Đông, những nơi bị cấm vận quốc tế. Thông cáo của Europol mô tả: "Nhóm tội phạm này được tổ chức tốt và thực hiện các hoạt động tội phạm phức tạp trên quy mô quốc tế".

Chiến tranh và buôn lậu vũ khí

Dễ hiểu là một khi chiến tranh nổ ra thì tình trạng buôn lậu vũ khí sẽ càng trở nên phức tạp. 

Từ cuối tháng 5-2022, tình hình buôn lậu vũ khí Nga và Ukraine đã nghiêm trọng đến mức khiến Europol phải thành lập tổ công tác quốc tế nhằm ngăn chặn các băng tội phạm thủ đắc vũ khí cung cấp cho Ukraine.

Giám đốc điều hành Europol, bà Catherine De Bolle, nhấn mạnh rằng nhiều vũ khí trong cuộc chiến Nga - Ukraine thực ra đã rơi vào tay các băng đảng này rồi (Republic World 29-5). 

Hai tháng sau, hôm 22-7, Europol loan báo "đang hợp tác chặt chẽ với các quan chức Ukraine để giảm thiểu nguy cơ buôn bán vũ khí vào Liên minh châu Âu".

Cơ quan đầu não cảnh sát châu Âu mô tả rất rõ nguy cơ: "Mối đe dọa tiềm tàng ở các vùng chiến sự trong quá khứ là súng ống có thể rơi vào tay kẻ xấu. Liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine, Europol đã cảnh báo rằng việc phổ biến vũ khí và chất nổ ở Ukraine có thể dẫn đến sự gia tăng vũ khí và đạn dược được buôn bán vào EU thông qua các tuyến đường buôn lậu đã biết hoặc các nền tảng trực tuyến. Mối đe dọa này thậm chí có thể cao hơn khi xung đột kết thúc".

Thông cáo kết thúc bằng đôi lời khích lệ với Ukraine: "Europol đã có được nhiều lợi ích từ mối quan hệ tuyệt vời với Ukraine từ khi thỏa thuận chung của hai bên được ký kết vào năm 2017". 

Sẵn dịp, Europol biểu dương phía an ninh Ukraine: "Họ tiếp tục theo sát các chỉ đạo và hợp tác trong các trường hợp có lợi cho an ninh nội bộ của EU, bất chấp việc Nga tiếp tục gây hấn quân sự". 

Các dẫn chứng trên cho thấy: (1) buôn lậu vũ khí ở Ukraine là có thiệt, và nhà chức trách châu Âu lẫn Ukraine không chỉ biết mà còn đang hợp tác ngăn chặn; (2) phía Ukraine tuân thủ các chỉ đạo của Europol và tỏ ra hợp tác, bất chấp chiến tranh.

Muốn hay không, ở một khu vực mà khái niệm quốc gia, dân tộc đã phần nào tan tác từ sau khi Đông Âu tan rã, rồi Liên Xô sụp đổ, các băng đảng quốc tế từ Đông Âu đến Ukraine, Nga càng "vô tổ quốc" hơn, chiến tranh luôn là "lẽ sống" của họ, chớ không chỉ là kế sinh nhai. ■

Phản ứng của Mỹ

Tất nhiên, Hoa Kỳ đang là nước viện trợ quân sự nhiều nhất cho Ukraine, tự thấy có trách nhiệm trước những cáo giác này, dù từ phía Nga hay phía nào khác. Hôm 27-10, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra thông báo về việc bảo vệ vũ khí ở Ukraine.

Thông báo bắt đầu bằng những lời lẽ hết sức ngoại giao: "Các lực lượng vũ trang Ukraine đã truyền cảm hứng cho thế giới bằng kỹ năng tuyệt vời, tính chuyên nghiệp và lòng dũng cảm sâu sắc để bảo vệ đất nước họ".

Do đó, "Hoa Kỳ cùng các đồng minh và đối tác đã xúc tiến hỗ trợ cho Ukraine với tốc độ "lịch sử" để đảm bảo Ukraine có thể tự vệ".

Thông báo cũng nói rõ: "Chính phủ Ukraine đã cam kết bảo vệ và hạch toán một cách hợp lý các thiết bị quốc phòng được chuyển giao".

Sau khi rào đón, Bộ Ngoại giao Mỹ mới "vào đề": "Như trong bất kỳ cuộc xung đột nào, chúng tôi vẫn cảnh giác với khả năng các thành phần tội phạm và phi nhà nước có thể tìm cách thu mua trái phép vũ khí từ các nguồn ở Ukraine, bao gồm cả các thành viên của quân đội Nga, trong hoặc sau xung đột".

Cụ thể, Bộ Ngoại giao Mỹ đã có kế hoạch nhằm "ngăn ngừa sự phát tán bất hợp pháp các loại vũ khí thông thường tiên tiến nhất định ở Đông Âu".

Đây sẽ là nỗ lực toàn diện nhằm tiếp tục bảo vệ và quy trách nhiệm với vũ khí ở Ukraine khi chuyển giao, lưu trữ và triển khai; tăng cường quản lý và an ninh biên giới, nâng cao năng lực của các lực lượng an ninh, thực thi pháp luật và cơ quan kiểm soát biên giới.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận