15/07/2021 09:58 GMT+7

COVID-19: TP.HCM và các tỉnh phía Nam diễn biến phức tạp, số ca mắc liên tục tăng

Theo Báo Chính Phủ
Theo Báo Chính Phủ

TTO - Sáng 15-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với 27 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, từ Phú Yên đến Cà Mau, về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.

COVID-19: TP.HCM và các tỉnh phía Nam diễn biến phức tạp, số ca mắc liên tục tăng - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị - Ảnh: VGP

Cùng dự hội nghị tại đầu cầu trụ sở Chính phủ có các Phó thủ tướng: Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành và lãnh đạo các bộ, cơ quan. Lãnh đạo các tỉnh, thành phố dự hội nghị tại các điểm cầu địa phương.

"Tinh thần là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân là trên hết, trước hết, các tỉnh đang có dịch phải ưu tiên số 1 cho việc kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh; những nơi an toàn, điều kiện cho phép thì phải tổ chức sản xuất thật tốt để thực hiện mục tiêu kép", Thủ tướng nêu rõ. 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đợt dịch COVID-19 thứ 4 đã ghi nhận 34.582 ca, trong đó có 33.909 ca trong nước (98%), 7.547 người đã khỏi bệnh (22%), 100 ca tử vong. Có 11 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 7 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát.

Trong tuần, cả nước ghi nhận thêm 8.187 ca mắc mới tại 34 tỉnh, thành phố. Các tỉnh thành có số mắc tăng cao so với tuần trước: TP.HCM (tăng 6.338 ca), Bình Dương (458), Tiền Giang (280), Đồng Nai (222), Đồng Tháp (161), Long An (129), Khánh Hòa (117), Vĩnh Long (114).

COVID-19: TP.HCM và các tỉnh phía Nam diễn biến phức tạp, số ca mắc liên tục tăng - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tình hình dịch bệnh - Ảnh: VGP

Nhận định tình hình, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết TP.HCM và một số tỉnh miền Nam đang có diễn biến phức tạp với số ca mắc liên tục gia tăng. Do dịch bệnh đã lây lan rộng trên địa bàn, nhiều ổ dịch xảy ra tại các khu chợ đầu mối, khu công nghiệp, khu dân cư đông người nên trong vài ngày tới, tại TP.HCM sẽ tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao, trước khi ổn định và từng bước kiểm soát tình hình khi hết thời gian thực hiện chỉ thị 16.

Các tỉnh, thành phố khác tiếp giáp với TP.HCM và các địa phương thuộc khu vực phía Nam (Bình Dương, Long An, Đồng Nai…) cũng tiếp tục ghi nhận nhiều ca mắc mới.

Các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung, miền Bắc (từ tỉnh Phú Yên trở ra) có số ca mắc mới trong tuần hầu hết giảm so với tuần trước đó. Tuy nhiên nguy cơ dịch bệnh bùng phát là hiện hữu do người trở về địa phương có lịch sử đi lại, trở về từ các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, cần thực hiện nghiêm các biện pháp giám sát, theo dõi và khai báo y tế.

COVID-19: TP.HCM và các tỉnh phía Nam diễn biến phức tạp, số ca mắc liên tục tăng - Ảnh 3.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đại biểu phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, tập trung thảo luận, làm rõ một số nội dung trong công tác phòng chống dịch bệnh - Ảnh: VGP

Bộ Y tế đã điều động lực lượng cán bộ y tế, tình nguyện viên (khoảng 10.000 người), với 24 đoàn hỗ trợ các quận huyện tại TP.HCM để khẩn trương triển khai các biện pháp chống dịch.

Nhằm giảm tình trạng quá tải cho các cơ sở y tế đang điều trị người bệnh COVID-19 tại một số địa phương có số lượng người bệnh và nhu cầu điều trị tăng cao (TP.HCM, Bình Dương...), Bộ Y tế ban hành hướng dẫn mới về quản lý điều trị ca bệnh (F0), trong đó rút ngắn thời gian điều trị tại cơ sở y tế đối với người bệnh không có triệu chứng, ca bệnh phát hiện tại cộng đồng không có triệu chứng lâm sàng, người bệnh đã đủ tiêu chuẩn xuất viện; khi đảm bảo các chỉ số về lây nhiễm và đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly, theo dõi tại nơi lưu trú. Hiện đang điều trị 26.935 người bệnh.

Các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp đảm bảo lưu thông hàng hóa cho các tỉnh khu vực phía Nam. Triển khai các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội tại những tỉnh đang có dịch.

Thủ tướng: Chiến dịch tiêm chủng vắc xin thể hiện đoàn kết, không để ai bị bỏ lại phía sau Thủ tướng: Chiến dịch tiêm chủng vắc xin thể hiện đoàn kết, không để ai bị bỏ lại phía sau

TTO - Chiến dịch tiêm chủng vắc xin có quy mô toàn quốc là để hiện thực hóa chiến lược vắc xin nhằm đạt miễn dịch cộng đồng và thể hiện sự đoàn kết, nhân ái để "không ai bị bỏ lại phía sau trong đại dịch".

Theo Báo Chính Phủ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên