19/09/2021 09:57 GMT+7

COVID-19 đẩy giá cà phê năm tới tăng cao?

TRẦN LÂM
TRẦN LÂM

TTO - Hãng xếp hạng tín dụng Fitch Solutions dự báo giá cà phê sẽ "tương đối cao" trong cả năm 2022 do nguồn cung từ các nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới là Brazil, Việt Nam và Colombia bị ảnh hưởng vì COVID-19.

COVID-19 đẩy giá cà phê năm tới tăng cao? - Ảnh 1.

Cửa hàng cà phê với các dãy lọ đựng xếp thành chồng tại một con phố ở Hà Nội - Ảnh (tư liệu): AFP

Trong báo cáo đánh giá thị trường mới nhất, Fitch Solutions - một trong ba "ông lớn" xếp hạng tín dụng của Mỹ bên cạnh Moody's và Standard & Poor's - nhấn mạnh tác động đáng kể từ dịch COVID-19 ở Việt Nam tới thị trường cà phê thế giới. 

Cụ thể, tổ chức này cho rằng các biện pháp phong tỏa, giãn cách phòng dịch bệnh tại Việt Nam sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu. Theo đó, giá cà phê có thể duy trì ở mức "tương đối cao" trong cả năm sau.

Cung giảm, cầu tăng

Fitch Solutions lưu ý Việt Nam - quốc gia đứng thứ 2 thế giới về lượng cà phê xuất khẩu - đang phải ứng phó với đợt bùng dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất kể từ đầu đại dịch, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam.

Các biện pháp phong tỏa, giãn cách kéo dài thời gian qua tại TP.HCM - trung tâm xuất khẩu lớn - đã tác động mạnh tới hoạt động vận chuyển cà phê và hàng hóa đi các nước.

Trong tháng 8, theo Hãng tin Reuters, xuất khẩu cà phê của Việt Nam giảm 8,7% so với tháng 7, còn 111.697 tấn. Trong giai đoạn từ tháng 1 đến ngày 15-8 năm nay, Việt Nam xuất khẩu 1,1 triệu tấn cà phê, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên doanh thu từ xuất khẩu cà phê tăng 2%, đạt khoảng 2 tỉ USD.

Xuất khẩu giảm ở Việt Nam, cộng thêm mức giảm mạnh khác từ các nhà sản xuất cà phê hàng đầu thế giới đã đẩy giá cà phê tăng cao. Các hợp đồng cà phê arabica giao sau đã tăng khoảng 45,8% trong năm nay, trong khi hợp đồng giao sau của cà phê robusta tăng 52,2% theo dữ liệu của Refinitiv.

Trao đổi với báo Wall Street Journal (WSJ), đại diện Công ty J.M. Smucker - chủ thương hiệu cà phê Folgers - cho biết việc tăng giá nguyên liệu thô đã dồn sức ép lên chi phí sản xuất của họ. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp ngành đồ uống thừa nhận đã phải tăng giá bán thời gian qua.

Ông Michael Orr, người phát ngôn của "gã khổng lồ" đồ uống (đặc biệt là cà phê và ca cao) JDE Peet của Hà Lan, cho biết trong năm qua đã ghi nhận mức tăng cao của giá cả nguyên liệu, phí vận chuyển cũng như các chi phí khác, và họ phải áp dụng nhiều biện pháp điều chỉnh phù hợp.

Cũng chia sẻ với tờ WSJ, bà Lê Hoàng Diệp Thảo - CEO Công ty TNI King Coffee - cho biết "các thương nhân buôn bán cà phê ở trong và ngoài nước lúc này đều đang rất lo lắng". 

Hiệp hội ngành nghề cà phê và ca cao Việt Nam, nơi bà Thảo là phó chủ tịch, đang nỗ lực thuyết phục Chính phủ sớm tháo gỡ các khó khăn cho hoạt động xuất khẩu cà phê của doanh nghiệp.

Cùng với Việt Nam, nhà sản xuất cà phê lớn nhất thế giới là Brazil vừa trải qua các đợt khí hậu cực đoan làm ảnh hưởng đáng kể tới sản lượng của họ. Thời tiết xấu cũng gây thất thu trong mùa vụ cà phê ở Colombia, một nhà sản xuất cà phê lớn khác của thế giới.

Việc xuất hiện biến thể Mu của virus SARS-CoV-2 tại Colombia, theo đánh giá của Fitch Solutions, có thể khiến quốc gia Nam Mỹ này phải kéo dài thêm các quy định hạn chế phòng dịch. Theo đó làm sụt giảm nhân lực lao động cần thiết khiến sản xuất cà phê tiếp tục gặp khó.

Tầm nhìn với cà phê

Trong khi nguồn cung cà phê còn giảm tiếp vì ảnh hưởng dịch bệnh, nhu cầu với mặt hàng này sẽ tăng trong những tháng tới. Đây sẽ là viễn cảnh ít nhất tại châu Âu và Mỹ khi các lệnh hạn chế phòng dịch COVID-19 nới lỏng, nhiều cửa hàng, chuỗi bán cà phê mở lại.

Bất chấp thực tế còn nhiều khó khăn trước mắt, các chuyên gia phân tích thị trường vẫn tin tưởng những biện pháp hạn chế phòng dịch bệnh sẽ sớm được gỡ bỏ từng bước. Do đó, theo đánh giá của Fitch Solutions, những gián đoạn, đứt gãy tạm thời về xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ chỉ là ngắn hạn.

Cũng tương tự, hoạt động sản xuất cà phê của Brazil cũng sẽ bật trở lại "khá nhanh", miễn là các điều kiện thời tiết cực đoan không tái diễn. Điều này có nghĩa chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu có thể bắt đầu lấy lại đà phát triển trong giai đoạn 2022/2023. Mức giá trung bình theo năm của cà phê arabica sẽ giảm khoảng 1,20 USD/pound trong năm 2023, theo Fitch Solutions.

"Chính sách hỗ trợ đang được triển khai của các nước sẽ hỗ trợ sản xuất tại nhiều quốc gia sản xuất (cà phê) ở châu Mỹ Latin và châu Á, trong đó có Colombia và Việt Nam" - Fitch Solutions nhận định. Tổ chức này tin tưởng mức tiêu thụ cà phê sẽ tăng cao tại nhiều thị trường chính yếu như EU và Nhật Bản.

Fitch Solutions nâng mức dự báo trong năm 2021 về giá trung bình của cà phê arabica từ 1,35 USD/pound (1 pound = 0,45kg) lên 1,60 USD/pound, đồng thời điều chỉnh tăng mức dự báo của năm 2022 từ 1,25 USD/pound lên 1,50 USD/pound.

Sau 2 tháng rưỡi mở cửa Phuket, Thái Lan thu về gần 50 triệu USD Sau 2 tháng rưỡi mở cửa Phuket, Thái Lan thu về gần 50 triệu USD

TTO - Các khách sạn tại đảo Phuket đã được hưởng lợi từ hơn 524.000 đêm đặt phòng của du khách kể từ khi hòn đảo này ở miền nam Thái Lan mở cửa đón khách quốc tế vào đầu tháng 7. Nhiều nơi ở Thái Lan cũng sắp mở lại.

TRẦN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên