17/02/2016 10:47 GMT+7

Cột mốc biên cương giữa sân nhà

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH

TT - Chúng tôi đi dọc đường tuần tra biên giới từ cửa khẩu Ma Lù Thàng ngược về phía các bản Hùng Pèng, Ma Ly Pho, Thèn Xin (Lai Châu) để chứng kiến cuộc chiến mới không kém phần cam go nhằm bảo vệ đường biên...

Người dân chăm sóc cột mốc 67 (2) nằm trên sân nhà của dân bản Hùng Pèng (xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ, Lai Châu) - Ảnh: Việt Dũng
Người dân chăm sóc cột mốc 67 (2) nằm trên sân nhà của dân bản Hùng Pèng (xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ, Lai Châu) - Ảnh: Việt Dũng

Men theo suối Nậm Cúm, cùng với trung tá Nguyễn Đức Hùng, chính trị viên đồn biên phòng Ma Lù Thàng, chúng tôi đi dọc đường tuần tra biên giới từ cửa khẩu Ma Lù Thàng ngược về phía các bản Hùng Pèng, Ma Ly Pho, Thèn Xin (Lai Châu) để chứng kiến cuộc chiến mới không kém phần cam go nhằm bảo vệ đường biên.

Trung tá Hùng bảo: “Trước đây, dọc tuyến giáp biên dài 20km này hầu như không có dân sống. Vì vậy, trong cuộc đấu tranh giữ vững chủ quyền, dù cột mốc đã dựng lên nhưng dân lại ở sâu trong nội địa thì việc quản lý những khu vực này quá phức tạp. Người dân bên kia biên giới chỉ cần lội qua suối Nậm Cúm là sang đất ta khai thác lâm thổ sản, săn bắn, xua trâu bò từ bên kia biên giới qua đây chăn thả, kéo theo nhiều vụ việc mất an ninh.

“Mấy năm trước, trưởng bản Hùng Pèng, ông Lý A Nhị từng bị một đối tượng bên kia biên giới dùng súng kíp bắn trọng thương, may anh em ở đồn đưa đi cấp cứu kịp nên thoát chết. Dân đi nương thấy nông sản của mình bị trộm nhưng không làm gì được vì ở đây vắng quá”.

Ngày mới ở Hùng Pèng

Dừng chân ở bản Hùng Pèng, bản có 100% hộ người Dao. Kéo chiếc ghế mây đặt vội trước hiên nhà mời chúng tôi ngồi, trưởng bản Lý Pao Sài bảo: “Trước nhà mình ở sâu tít trong kia, ít người ra đây làm nương lắm, dù ở đây đất nhiều hơn, tốt hơn, trồng ngô cho quả to hơn, trồng chuối cho buồng mẩy hơn, trâu bò tha hồ ăn cỏ, nhưng ra đây làm nương, rừng vắng lắm, nếu chỉ có một vài người đi là bị bọn người bên kia nó dọa, có người còn bị chém. Thế nên muốn ra biên ở thì phải đi thật đông, thật đoàn kết, mình đông thì bọn xấu nó không dám xâm phạm”.

Và đây đã là mùa xuân thứ mười, Lý Pao Sài và 50 hộ dân của bản Hùng Pèng với 230 nhân khẩu đón tết ngay bên đường biên.

Mười năm, từ cánh rừng heo hút, nay những nương ngô, nương chuối đang lên xanh, trong bản có nhà đã sắm được ôtô tải như nhà Lý Dâu Cao. Chưa mua được ôtô như hộ Lý Dâu Cao nhưng gia đình Phàn Vần Tiến mỗi năm cũng thu được cả trăm triệu từ tiền bán chuối... Thật tình cờ, hôm chúng tôi ghé bản Hùng Pèng cũng là phiên trực cột mốc của mấy hộ dân Lý Séo Mìn, Lý Thị Xuân và Lý Tâm Lan cùng với trưởng bản Lý Pao Sài.

Thú thật đã đi qua rất nhiều cột mốc trên dặm dài biên ải Việt - Trung, nhưng chưa bao giờ chúng tôi gặp được cột mốc quốc giới nằm ngay trên sân nhà của người dân như ở bản Hùng Pèng. Đây là cột mốc 67 (2), gọi là mốc đôi bởi mốc 67 (1) nằm bên kia suối Nậm Cúm, trên đất Trung Quốc, mốc 67 (2) nằm đối diện ở bên này suối trên đất Việt Nam.

Dù mỗi sớm mai mở cửa thấy ngay cột mốc trên sân nhưng việc chăm lo dọn dẹp vệ sinh xung quanh cột mốc là nhiệm vụ được cả bản Hùng Pèng phân công nhau chăm lo săn sóc. Cột mốc biên giới quốc gia ngay trên sân nhà của những người dân ở bản Hùng Pèng này không chỉ là một hình ảnh mang tính biểu tượng, nó còn là cam kết thủy chung ấm áp của đời dân nơi đây với chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Hợp tác xã của... lính biên phòng

Vừa giẫy mấy đám cỏ dại quanh cột mốc, Lý Séo Mìn vừa trò chuyện với chúng tôi rằng dân Hùng Pèng có được ngày hôm nay là nhờ anh em biên phòng ở Hợp tác xã (HTX) Đoàn Kết. Trung tá Hùng nói: “Chốc nữa rời Hùng Pèng đi tiếp các anh sẽ thấy cái HTX đặc biệt này”. Hóa ra đó là một mô hình hoạt động rất độc đáo và hiệu quả của Bộ đội biên phòng Lai Châu ở địa bàn Ma Ly Pho này.

Khi vận động bà con người Dao ra lập bản mới trên tuyến đường biên, không chỉ bày cho dân theo kiểu cầm tay chỉ việc, anh em biên phòng còn muốn cho người dân được tham gia như một thành viên trong một mô hình sản xuất. Cái tên HTX Đoàn Kết đã phần nào nói lên điều đó.

Trước đây, cả một tuyến biên giới dài gần 20km từ cửa khẩu Ma Lù Thàng về tận Mù Sang hầu như không có dân sinh sống.

Cùng với việc đưa dân ra biên, việc hình thành một mô hình HTX mà lính biên phòng làm nòng cốt đứng chân ở trung độ của tuyến biên giới Ma Lù Thàng - Mù Sang đã khiến người dân an tâm hơn khi lên nương.

Trước đây, không ít hộ dân trồng ngô, trồng chuối lại bị kẻ xấu vượt biên qua trộm cắp nông sản hoa lợi, có khi còn bị đe dọa, nhưng từ ngày cùng tham gia HTX với anh em biên phòng, bà con an tâm sản xuất hơn. Từ trung tâm bản Hùng Pèng đi dọc theo đường tuần tra chừng 4km nữa thì chúng tôi nhìn thấy cơ ngơi của HTX Đoàn Kết.

Một chiếc cổng gắn tấm bảng màu xanh sơn dòng chữ trắng nổi bật “Xã Ma Ly Pho - Đồn BP Ma Lù Thàng: Hợp tác xã Đoàn Kết”.

Tổ biên phòng làm “trụ cột” của HTX đặc biệt này đều là những chàng lính trẻ nhưng “trình độ” chăn nuôi trồng trọt vào hàng “lão nông”. Từ trên mái đồi nhìn xuống, cả một dải núi rừng với nương ngô, nương chuối xanh biếc lá trong nắng sớm, nhưng tự hào hơn cả là đàn gia súc bò và dê của HTX nay đã lên cả trăm con.

Nhìn đàn bò múp míp và bầy dê cả trăm con đang tranh nhau lao vào chiếc máng đựng đầy muối để ăn chống rét trước khi ào lên những mái đồi mướt cỏ, chúng tôi hiểu đây chính là mô hình mà những người lính đang lập ra cho người dân ở Ma Ly Pho học và làm theo.

Không chỉ cho người dân làm theo, từ đàn bò này, anh em chiến sĩ biên phòng cắm bản sẽ tìm hiểu xem xét những hộ khó khăn cần giúp đỡ rồi tặng bà con bò giống, dê giống... để làm vốn chăn nuôi.

Từ câu chuyện của HTX Đoàn Kết, nhìn vào đời sống của những người dân nơi bản Hùng Pèng, dù chưa giàu có gì nhưng gia đình nào cũng có xe máy, tivi, máy khâu, đấy quả là một cuộc đổi đời mơ ước mà nếu chưa cận cảnh với đời sống bà con trên những rẻo cao Tây Bắc này thì sẽ khó mà cảm nhận tường tận.

Hôm rời Ma Lù Thàng, ngang qua nhà bia tưởng niệm liệt sĩ cạnh đồn biên phòng, có bóng người đang lúi húi thắp nhang cho các liệt sĩ trên đài hương. Tôi chợt nhớ lại hình ảnh cụ Bơn hiên ngang làm “cột mốc sống” ngăn kẻ xấu dùng máy móc xâm hại đường biên cùng với hàng trăm bà con dân bản. Nhớ hình ảnh cột mốc chủ quyền bằng đá hoa cương dựng ngay trước sân nhà dân ở bản Hùng Pèng.

Và tấm bia khắc tên những liệt sĩ hi sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới mùa xuân năm 1979 dọc dài theo các đồn biên phòng - những tấm bia ấy cũng có hình dáng của cột mốc được dựng bằng tuổi tên xương máu những người lính trẻ!

Tháng 2 lại về, những cột mốc vẫn vững vàng trên dặm dài biên ải! Không ai, không điều gì bị lãng quên trong tâm khảm đời dân! Để dân được sống bình an và giàu mạnh ngay trên chính đường biên Tổ quốc chính là biểu hiện cụ thể của lòng biết ơn với máu xương của những người ngã xuống hôm qua trên mỗi “thước núi tấc sông” biên ải.

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên