02/07/2019 10:11 GMT+7

Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh: Định hình giấc mơ

THUẬT VÂN
THUẬT VÂN

Từ đáy biển đến đỉnh trời, công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh mang đến cho các chuyên gia và du khách một không gian địa chất, văn hóa, cộng đồng tuyệt đẹp.


Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh: Định hình giấc mơ - Ảnh 1.

Các chuyên gia quốc tế và trong nước khảo sát công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh. Ảnh: NGUYỄN Á

Ở đây, có nền văn hóa cổ Sa Huỳnh, được phát lộ từ hơn trăm năm trước, Sa Huỳnh đã trở nên nổi tiếng trong giới khảo cổ trong nước và quốc tế. Đây là địa bàn được tập trung nghiên cứu trong suốt thế kỷ 20 để xác lập tính bản địa và diện mạo đa dạng của nền văn hóa Sa Huỳnh. Và mới đây nhất, các chuyên gia quốc tế mê mẩn trước nền địa chất, núi lửa của vùng biển Quảng Ngãi.

Vùng đất hội tụ

Những mốc chính trong Kế hoạch thời gian tới

Hiện tỉnh Quảng Ngãi đang gấp rút triển khai nhiều hoạt động để kịp tiến độ hoàn thiện và đệ trình hồ sơ lên UNESCO vào tháng 11/2019 đề nghị công nhận Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh là CVĐC toàn cầu UNESCO. Nếu hồ sơ đạt yêu cầu, các chuyên gia của UNESCO sẽ tiến hành thẩm định thực tế vào giữa năm 2020 và kết quả chính thức sẽ được công bố trong cuộc họp của Hội đồng Chấp hành UNESCO vào tháng 4.2021.

Trong vài thập kỷ gần đây, các chuyên gia tiến hành nghiên cứu các giá trị địa chất. Kết quả nghiên cứu cho thấy, di sản địa chất trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi rất phong phú, cấu trúc địa chất phức tạp với sự hiện diện của nhiều loại hình đá thuộc nhiều phức hệ lớn của khu vực, từ đá biến chất, trầm tích, magma có niên đại từ hàng trăm triệu năm đến vài nghìn năm hình thành từ sự vận động của vỏ trái đất, chịu sự tác động của đới đứt gãy Trà Bồng và đứt gãy Ba Tơ - Giá Vực trong đất liền đến hoạt động của núi lửa ở khu vực đảo Lý Sơn và ven biển huyện Bình Sơn. Khu vực này cũng tiêu biểu cho sự tương tác giữa đất liền với đại dương tạo nên các bãi biển và các đầm phá suốt dọc chiều dài ven biển của tỉnh.

Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh là nơi ghi dấu của các bậc tiền nhân mang gươm mở cõi như Bùi Tá Hán, Trần Cẩm đến những nhân tài trong lịch sử cận đại như Trương Đăng Quế, Võ Duy Ninh, Trương Định và là nơi nuôi dưỡng những nhân vật kiệt xuất trong lịch sử hiện đại như Phạm Văn Đồng. Vùng đất Quảng Ngãi cũng là nơi in dấu nhiều chiến tích trong giai đoạn đấu tranh giữ nước như Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi, Chiến thắng Ba Gia, Chiến thắng Vạn Tường, và đặc biệt là vụ thảm sát Sơn Mỹ đau thương làm thức tỉnh lương tâm nhân loại.

Về cảnh quan, công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh tập trung đa dạng nhất trong bốn công viên địa chất tại Việt Nam hiện tại. Địa hình đa dạng với đầy đủ đặc điểm của núi, trung du, đồng bằng ven biển và hải đảo. Từ xưa, Quảng Ngãi đã nổi tiếng với ‘Cẩm Thành thập nhị cảnh’. Sự đa dạng về địa hình ban cho Quảng Ngãi nhiều cảnh quan đẹp với nhiều núi, thác, suối trên vùng cao, đầm phá và hàng loạt bãi biển đẹp ven biển, đặc biệt là những thắng cảnh nổi tiếng ven biển và đảo Lý Sơn.

Chỉ vài nét phác thảo cũng cho thấy tiềm lực phong phú, giàu có của Quảng Ngãi về văn hóa, lịch sử, con người, cảnh quan, địa chất, địa mạo và đa dạng sinh học.

Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh: Định hình giấc mơ - Ảnh 3.

Người dân và du khách theo dõi giải bay dù lượn ở Lý Sơn. Ảnh: BÙI THANH TRUNG

Giá trị khác biệt

Với sự tư vấn, hỗ trợ của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên Môi trường), hàng loạt đợt khảo sát, đánh giá các giá trị di sản với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế đã được tiến hành không chỉ ở khu vực đảo Lý Sơn, mà còn mở rộng ra các địa bàn trong tỉnh. Trong quá trình thống kê di sản, các chuyên gia đã đề nghị tích hợp các giá trị di sản văn hóa và phi vật thể, đặc biệt là văn hóa Sa Huỳnh. Đồng thời, với tiêu chí diện tích công viên cần đủ lớn để đảm bảo mục đích đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của địa phương đã mở rộng phạm vi công viên lên 2.000km2, chiếm 40% diện tích toàn tỉnh.

So với các công viên địa chất hiện tại ở Việt Nam, CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh mang màu sắc, phong vị khác biệt. Về di sản địa chất, nếu CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) và CVĐCTC Non nước Cao Bằng nổi bật với đá vôi, CVĐC Đắk Nông với nhiều sản phẩm từ núi lửa thì CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh trưng bày món ăn "địa chất" đa dạng, thể hiện lịch sử kiến tạo địa chất phức tạp từ 2.000 triệu năm trong đất liền, các phức hệ lớn của khu vực có niên đại vài trăm triệu năm, đến hoạt động núi lửa trẻ ven biển và hải đảo.

Về văn hóa, CVĐC Hà Giang, Cao Bằng và Đắk Nông là những bộ sưu tập nhiều sắc thái rực rỡ của các tộc người bản địa thì CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh lại mang đến sự thăng trầm của dòng chảy văn hóa cổ Sa Huỳnh giao hòa với Champa.

Với những giá trị khác biệt của mình, CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh đang dần định hình là Miền đất của những chuyển động với 4 tuyến tham quan. Tuyến phía Đông ra đảo Lý Sơn là hải trình tìm hiểu Bí ẩn nơi đảo thiêng; tuyến ngược lên phía Tây hòa vào Vũ điệu xuyên thời gian của Lục địa cổ; tuyến xuôi vào phía Nam là Hành trình về những nền văn hóa cổ và tuyến ra phía Bắc để lắng nghe Tiếng vọng của biển và Ký ức chiến tranh. Những chuyển động của địa chất, của tự nhiên đan xen với những dòng chảy văn hóa mang hơi thở của cuộc sống con người tạo nên những cảm xúc, giá trị riêng.

Đánh thức tiềm năng

Mô hình Công viên địa chất (CVĐC) ra đời lần đầu tiên trên thế giới từ năm 2000 tại Châu Âu nhằm mục đích bảo tồn đa dạng địa chất, quảng bá di sản địa chất và hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững thông qua du lịch địa chất. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) cũng tích cực ủng hộ và chính thức công nhận mô hình Công viên địa chất toàn cầu UNESCO từ năm 2015.

Trên bình diện toàn cầu, mô hình phát triển bền vững của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO góp phần tích cực vào việc thực hiện 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hiệp quốc đến năm 2030. Tại Việt Nam, nhận thấy tầm quan trọng của công tác bảo tồn di sản địa chất và lợi ích của mô hình CVĐC phục vụ cho phát triển bền vững trong tương lai, từ năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt Đề án "Bảo tồn di sản địa chất, phát triển và quản lý Mạng lưới Công viên địa chất ở Việt Nam". Đề án này đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam xây dựng được 25 - 30 CVĐC cấp quốc gia hoặc toàn cầu, trong đó tỉnh Quảng Ngãi là địa phương được chú trọng.

Về phía tỉnh, nhận thấy xu hướng phát triển theo hướng bền vững phù hợp với thời đại, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định nâng tầm công viên địa chất Lý Sơn, được tỉnh công nhận cuối năm 2015, thành Đề án xây dựng công viên địa chất toàn cầu. Cuối năm 2017, Đề án được phê duyệt. Ngay đầu năm 2018, Ban chỉ đạo và Ban quản lý Công viên địa chất được kiện toàn để triển khai thực hiện Đề án này.

Những thách thức

Khác với những CVĐC của Việt Nam, CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh có nhiều lợi thế như vị trí thuận lợi, giao thông thuận tiện, có nhiều điểm du lịch đã hình thành và phát triển nên nhiều nhà đầu tư đang quan tâm với những dự án du lịch, bất động sản. Không ít dự án đầu tư trong số này chồng lấn lên các điểm di sản đồng thời là điểm dừng chân của CVĐC. Lợi thế ban đầu đồng thời cũng gây ra áp lực cho công tác khoanh vùng, bảo tồn di sản. Ngoài ra, sự đầu tư của các tập đoàn lớn chắc chắn sẽ tạo ra nhiều thách thức trong việc hài hòa, bảo đảm lợi ích của cộng đồng địa phương theo tiêu chí của UNESCO.

THUẬT VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên