05/02/2021 09:42 GMT+7

Công ty giấy Rạng Đông xả thải vào... ruộng mía, đu đủ

MINH CHIẾN
MINH CHIẾN

TTO - Mặc dù đang trong thời gian vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý nước thải nhưng Công ty cổ phần giấy Rạng Đông (thôn Phước Tuy, xã Diên phước, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) xả nước thải trực tiếp ra ruộng vườn người dân.

Công ty cổ phần giấy Rạng Đông xả thải ngày 28-1 - Video: THANH VÂN

Công ty giấy Rạng Đông xả thải vào... ruộng mía, đu đủ - Ảnh 2.

Đoạn dây nối bơm nước thải từ nhà máy ra ruộng mía - Ảnh: MINH CHIẾN

Dân kiến nghị nhưng chưa xử lý

Anh N.A.T. (thôn Phước Tuy, xã Diên Phước) cho biết nhiều lần anh và các hộ dân ở đây chứng kiến nhà máy giấy xả nước thải trực tiếp ra môi trường; có quay video, chụp ảnh để làm bằng chứng.

Sau đó người dân có kiến nghị với chính quyền tại các buổi tiếp xúc cử tri nhưng không có gì thay đổi.

Công ty giấy Rạng Đông xả thải vào... ruộng mía, đu đủ - Ảnh 3.

Dòng nước đen ngòm bốc mùi được bơm vào ruộng mía - Ảnh:MINH CHIẾN

"Mấy năm nay, công ty ngang nhiên dùng vòi dẫn nước thải vào ruộng mía, đu đủ của dân. Mỗi lần họ xả thải nước bốc mùi hôi, rất khó chịu, nhất là vào mùa hè. Họ xả cả nước và bùn đen. Người dân biết nhưng không dám lên tiếng vì sợ. Ai mà lội vào nước này thì bị ngứa, dị ứng. Bà con mong chính quyền sớm giải quyết, yêu cầu công ty xả thải đúng quy định để hóa chất độc hại không phát tán ra môi trường" - anh T bức xúc.

Còn chị L.N.A., một người dân sống cạnh nhà máy, cho biết nước thải đổ vào ruộng khiến cây trồng khô héo, thậm chí là chết, không tiêu thụ được.

"Cách đây mấy năm, chúng tôi vẫn dùng giếng. Sau này nước giếng nặng mùi, có nổi váng dầu nên người dân phải mua nước máy về dùng, nhưng không phải nhà nào cũng có tiền lắp hệ thống cấp nước nên một số nhà vẫn phải dùng nguồn nước này", chị A nói.

Không riêng gì thôn Phước Tuy, các hộ dân ở các thôn, xã khác như xã Diên Lạc, Diên Lâm cũng bị ảnh hưởng.

Trong các ngày 27 và 28-1, phóng viên có mặt tại khu vực nhà máy của Công ty cổ phần Giấy Rạng Đông và ghi lại được hình ảnh nhà máy này xả nước thải vào diện tích trồng mía, cam, đu đủ... của người dân bên cạnh nhà máy và khu đất trống phía sau nhà máy xử lý nước thải, cạnh sông Cái.

Tại hiện trường, đơn vị đã dùng hệ thống dây dẫn có đường kính khoảng 20cm, chiều dài hàng trăm mét, chắp nối từ khu vực xử lý nước thải của nhà máy ra các thửa ruộng của người dân.

Công ty giấy Rạng Đông xả thải vào... ruộng mía, đu đủ - Ảnh 4.

Một cống xả thải của Công ty cổ phần giấy Rạng Đông - Nguồn: Người dân cung cấp

Còn khu vực phía sau nhà máy (giáp sông Cái) có một cống thoát nước từ trong nhà máy ra khu đất trống. Khu vực này ẩm ướt với lớp đất bùn dày, màu đen bốc mùi tanh hôi theo nhiều người dân đây là cặn và xác giấy sau khi được tẩy trắng, xử lý.

Ông Nguyễn Đức Phú, chủ tịch UBND xã Diên Phước, cho hay tháng 12-2020, trong cuộc họp cử tri, người dân xã Diên Phước đã có phản ánh việc sản xuất, chế biến giấy của Công ty cổ phần Giấy Rạng Đông gây ảnh hưởng đến môi trường, sau khi tiếp nhận phản ánh, xã cùng với các ban ngành có đi kiểm tra.

Nhà máy nói "bơm nước tưới cho ruộng vườn người dân"

Công ty giấy Rạng Đông xả thải vào... ruộng mía, đu đủ - Ảnh 5.

Dòng nước thải mang theo bùn đất, cặn chất thải qua một thời gian bị kết lại dày từ 7-10 phân - Ảnh:MINH CHIẾN

Công ty cổ phần Giấy Rạng Đông được thành lập từ năm 1995, tuy nhiên do dây chuyền sản xuất nhà máy đã cũ, năm 2017 Công ty cổ phần Giấy Rạng Đông đầu tư xây dựng "Dự án đầu tư thay thế dây chuyền sản xuất giấy các tông từ phế liệu hoặc bột giấy" công suất 100 tấn/ ngày.

Theo quy trình được phê duyệt trong báo cáo đánh giá tác động môi trường do UBND tỉnh Khánh Hòa cấp vào 31-11-2017, nước thải sau khi được xử lý qua hệ thống và đưa vào hồ điều hòa mới được thải ra hệ thống kênh mương thủy lợi.

Cụ thể nước thải trong nhà máy phải theo đúng quy trình sau: hố ga đến bể thu gom, đến bể điều hòa, bể tuyến nổi, bể trung gian 1, bể kỵ khí, bể Aerotank, bể lắng hiếu khí, bể trung gian 2 đến hồ sinh học sau đó mới đưa ra mương thủy lợi do UBND xã Diên Phước quản lý.

Ông Bùi Minh Sơn, phó chi cục trưởng Chi cục môi trường, Sở Tài nguyên và môi trường, khẳng định: "Theo quy trình xử lý nước thải, tất cả rác thải phải được thu gom và xử lý theo đúng quy trình, quy chuẩn đã được phê duyệt trong hồ sơ đánh giá tác động môi trường; phải dẫn nước thải về hồ chứa sinh học rồi mới được xả ra môi trường theo quy định trong giấy phép xả thải đã được UBND tỉnh phê duyệt. Dù nước thải có được xử lý nhưng khi xả thải trực tiếp ra môi trường mà không qua hồ sinh học vẫn là vi phạm."

Cũng theo ông Sơn, Công ty cổ phần Giấy Rạng Đông trước đây đã vi phạm về ô nhiễm môi trường nên UBND tỉnh liệt vào danh sách cơ sở phải xử lý môi trường.

Đến năm 2017, công ty đầu tư hệ thống xử lý rác thải và được công nhận. Tuy vậy, công ty này nằm cạnh sông Cái nên dễ ảnh hưởng và tác động đến môi trường. Do đó, tỉnh yêu cầu công ty đầu tư dây chuyền hiện đại và nâng cao năng suất, vừa đảm bảo môi trường và lợi ích kinh doanh. Đến năm 2020 công ty phải hoàn thành hệ thống quan trắc môi trường tự động nhưng vì dịch COVID-19 nên vẫn chưa thực hiện được.

Ngày 2-2, Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Khánh Hòa đã làm việc với Công ty cổ phần Giấy Rạng Đông về việc xuất hiện đường ống dài 1.000m dẫn từ trong công ty ra ruộng mía, đu đủ của người dân.

Trong biên bản làm việc công ty cổ phần Rạng Đông giải thích "vì xung quanh công ty là các vùng trồng hoa màu vào những mùa khô xung quanh thiếu nước tưới. Người dân xung quanh đề nghị công ty hỗ trợ bơm nước từ sông Cái dùng để tưới tiêu".

Trước giải trình trên Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Khánh Hòa yêu cầu công ty di dời hệ thống ống dẫn nước ra khỏi hệ thống xử lý nước thải, nghiêm cấm việc bơm nước thải chưa qua xử lý trực tiếp ra môi trường, xả thải đúng quy định, vị trí và báo cáo về sở trước ngày 28-2.

MINH CHIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên