23/11/2021 17:55 GMT+7

Công nghiệp văn hóa ở các quốc gia: Những lựa chọn kinh điển

TS NGUYỄN THỊ QUÝ PHƯƠNG
TS NGUYỄN THỊ QUÝ PHƯƠNG

TTO - Nhiều cường quốc đã khai mở đường đi riêng để phát huy sức mạnh văn hóa quốc gia dân tộc ở cả 3 vai trò: phát triển con người; đóng góp trực tiếp vào GDP; kiến tạo nền kinh tế bền vững không lệ thuộc tài nguyên; quảng bá văn hóa quốc gia...

Công nghiệp văn hóa ở các quốc gia: Những lựa chọn kinh điển - Ảnh 1.

Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan đã thực sự hưởng lợi lâu dài từ công nghiệp văn hóa được xây lên bền chắc

Trong khi công nghiệp văn hóa ở nước ta vẫn là một khái niệm chưa đầy đủ còn nằm trên văn bản với những thực hành tự phát của các doanh nghiệp, các nhà sản xuất độc lập vốn luôn năng động nhìn thấy và chớp lấy cơ hội mà không cần quan tâm đến quan điểm hay sự hình thành phát triển của ngành; thì trên khắp các châu lục, trật tự thế giới đa cực mới đang được xác lập với những cường quốc "sức mạnh mềm". 

Mỗi cường quốc đó đều khai mở một đường đi riêng để phát huy sức mạnh của văn hóa quốc gia dân tộc ở cả ba vai trò: phát triển con người; đóng góp trực tiếp vào GDP và kiến tạo nền kinh tế bền vững không lệ thuộc tài nguyên; quảng bá văn hóa quốc gia, mở lối cho sản phẩm của các ngành kinh tế khác chiếm lĩnh thị trường toàn cầu. 

Trên con đường đó, mỗi chính phủ đều lựa chọn cho mình một chỗ đứng, một cách định hướng và điều tiết để vô hình, hay hữu hình, tạo nên những cú hích cho sự lớn mạnh thần kỳ của nền công nghiệp văn hóa quốc gia. 

Đó là những lựa chọn kinh điển mở ra thời đại của những đế chế văn hóa toàn cầu. Điều đó cũng đặt ra những thách thức lớn lao hơn cho các quốc gia nhỏ bé: làm sao để vượt sóng vững vàng giữa đại dương mênh mông nơi những chiến hạm khổng lồ đang lao tới?

Chúng ta sẽ cùng phân tích trường hợp của Hoa Kỳ và Thái Lan - một đại diện cho những con tàu lớn và một đại diện cho những chiếc thuyền nhỏ - để thử tìm ra câu trả lời cho Việt Nam.

Công nghiệp văn hóa ở các quốc gia: Những lựa chọn kinh điển - Ảnh 2.

Tìm một hướng đi riêng để phát triển công nghiệp văn hóa, ngay từ đầu Thái Lan đã kiên trì và đầu tư bài bản, không mệt mỏi với các sáng kiến để phát huy sức mạnh của ẩm thực Thái trên toàn cầu.

Thái Lan - Dựa vào di sản văn hóa quốc gia, bằng "trí tuệ bản địa" tự chủ trước những làn sóng lớn

Quốc gia Đông Nam Á nhỏ bé đứng ở ngã tư của những nền công nghiệp văn hóa có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới - nơi mà tiếng Anh được nói nhiều thứ hai chỉ sau tiếng Thái, quá gần Trung Quốc và nằm trong tầm phủ sóng của cả Hallyu cũng như Cool Japan - đã chọn tự chủ, nghĩ khác và làm khác để trở thành quốc gia có giá trị xuất khẩu các sản phẩm văn hóa đứng thứ hai ASEAN chỉ sau Singapore, và là quốc gia duy nhất trong khu vực duy trì được tỉ trọng xuất khẩu cao hơn nhập khẩu sản phẩm văn hóa liên tục trong hơn 10 năm.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Thaksin Shinawatra, ngay từ đầu những năm 2000, Chính phủ Thái Lan đã công bố 16 ngành kinh tế sáng tạo cần được tập trung phát triển trong thiên niên kỷ mới.

Danh sách này được so sánh với các danh sách theo định nghĩa của UNESCO, UNCTAD cùng các quốc gia đi trước về công nghiệp sáng tạo và được làm khác bởi những nội dung thêm vào mang bản sắc Thái.

Trong đó, hai ngành kinh tế sáng tạo lấy văn hóa truyền thống làm gốc được chính phủ đặc biệt coi trọng là Ẩm thực Thái và Y học cổ truyền Thái.

Các cơ quan chịu trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế sáng tạo là Bộ Văn hóa, Bộ Thông tin truyền thông và Văn phòng Quốc gia trực thuộc Thủ tướng về kinh tế và phát triển xã hội (The Office of the National Economic and Social Development Council NESDC và Văn phòng Kinh tế sáng tạo Thái Lan (Thailand Creative Economy Agency TCEA) trực thuộc Thủ tướng được thành lập năm 2005 với ngân sách 20 triệu USD/năm.

Rất nhanh sau khi thành lập, TCEA cùng NESDC đưa ra 4 trục ngành gồm Di sản văn hóa, Nghệ thuật, Truyền thông và Thiết kế, trong đó trục Di sản văn hóa với Nghề thủ công, Du lịch văn hóa lịch sử, Ẩm thực và Y học cổ truyền là các ngành tiên phong mang giá trị văn hóa Thái Lan ra thế giới. Đồng thời, năm 2009 và năm 2010 là Năm Kinh tế sáng tạo và Năm Sáng tạo ở Thái Lan.

Từ năm 2010 đến năm 2012, chính phủ đứng ra tổ chức liên tiếp ba kỳ Diễn đàn quốc tế về Kinh tế sáng tạo với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp công nghiệp văn hóa toàn cầu, tạo điều kiện kết nối đầu tư, mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp Thái Lan.

Đồng thời, với mục tiêu kinh tế sáng tạo đóng góp ít nhất 20% GDP, một chiến lược tạo dựng cơ sở hạ tầng và phát triển con người cho công nghiệp văn hóa được triển khai đồng bộ và toàn diện trên mọi phương diện. Các bậc học phổ thông đưa vào chương trình chính khóa các Giờ Sáng tạo.

Các trung tâm tự học và các trung tâm xuất sắc dành cho sinh viên các ngành sáng tạo được lập nên ở hầu hết các trường đại học. Sinh viên các ngành thiết kế, nghệ thuật có cơ hội được học bổng của Thủ tướng Chính phủ để theo học ở các quốc gia phát triển. Các trung tâm sáng tạo, các xưởng thiết kế mỹ nghệ thủ công tinh xảo được thành lập với ưu đãi về thuế.

Sáng kiến Thành phố sáng tạo và Con đường đến miền đất vàng thu hút tài năng và doanh nghiệp công nghiệp văn hóa trong cũng như ngoài nước. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong công nghiệp sáng tạo được triển khai với nhiều hình thức: đầu tư, cho vay, ưu đãi thuế, hoàn thuế, bảo lãnh chính phủ cho các khoản vay quốc tế...

Hai mươi năm phát triển kinh tế sáng tạo là 20 năm đất nước Thái Lan bị chia rẽ sâu sắc bởi những mâu thuẫn chính trị - xã hội. Dù vậy, bất chấp mọi bất đồng, các đời thủ tướng Thái nối tiếp nhau, đều kiên định duy trì Chiến lược phát triển kinh tế sáng tạo như một quốc sách - một lẽ sống còn của quốc gia dân tộc.

Đồng thời, mỗi chính phủ trong nhiệm kỳ của mình lại để lại dấu ấn trong quốc sách ấy một cách tiếp cận mới để làm sâu sắc thêm, làm mạnh thêm sức mạnh văn hóa Thái Lan. Như dấu ấn "Trí tuệ bản địa" (Local Wisdoms) được đưa ra bởi chính phủ của Thủ tướng Yingluk Shinawatra.

Tư tưởng phát huy Trí tuệ bản địa đã tạo nguồn cảm hứng mới cho công nghiệp văn hóa Thái Lan đi tìm thế mạnh cạnh tranh trong sự giàu có đầy bản sắc của văn hóa bản địa. Thành tựu của những tìm tòi này là những khu du lịch văn hóa sinh thái mới ra đời, đưa phong cách kiến trúc Phuket thành một trong những trường phái kiến trúc du lịch hấp dẫn nhất thế giới.

Năm 2017, Hãng Michelin xuất bản Cẩm nang Bangkok - Phuket và Thái Lan ghi dấu như một nền ẩm thực toàn cầu mới với 29 nhà hàng được gắn sao Michelin danh giá.

Tìm một hướng đi riêng để phát triển công nghiệp văn hóa, ngay từ đầu Thái Lan đã kiên trì và đầu tư bài bản, không mệt mỏi với các sáng kiến để phát huy sức mạnh của ẩm thực Thái trên toàn cầu.

Doanh thu từ ngành công nghiệp thực phẩm chiếm hơn 20% GDP của Thái Lan và năm 2020 giá trị xuất khẩu thực phẩm đạt 33 tỉ USD. 

Trong một thế giới lao đao vì COVID-19 với mối lo về an ninh lương thực, hơn 10.000 công ty chế biến thực phẩm của Thái Lan nổi bật là những nhà cung cấp đáng tin cậy về thực phẩm chế biến an toàn và dồi dào cho hàng tỉ người dân trên Trái đất. 

Ba người giàu nhất Thái Lan với tổng tài sản hơn 67 tỉ USD là những nhà lãnh đạo các tập đoàn thực phẩm và đồ uống.

Công nghiệp sáng tạo của Thái Lan đã tích tụ nội lực từ trí tuệ bản địa và văn hóa truyền thống để tập trung vào một ngành hẹp - là ngành ẩm thực và đi một con đường không giống bất kỳ quốc gia nào. Chính vì vậy - đó là đường đi của người thắng cuộc.

Công nghiệp văn hóa ở các quốc gia: Những lựa chọn kinh điển - Ảnh 3.

Bảo tàng Lịch sử tự nhiên New York - American Museum of Natural History đã trở thành biểu tượng văn hóa Mỹ trên toàn cầu nhờ thương hiệu điện ảnh Night at the Museum - là một ví dụ cho thấy kết quả từ sự đầu tư của chính phủ cho những thiết chế nền tảng của tri thức văn hóa quốc gia.

Hoa Kỳ - Sự hiện diện lặng lẽ trong Đệ nhất đế chế truyền thông đại chúng đa phương tiện

Chính phủ liên bang Hoa Kỳ - khác với phần lớn các chính phủ khác - chưa từng thành lập một cơ quan bộ để quản lý văn hóa. Các chính quyền qua các thời kỳ đều tuyên thệ trung thành với Hiến pháp 1871 - bản Hiến pháp tuyên bố ngay từ điều đầu tiên về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp thực hành tôn giáo và tự do tổ chức hoạt động văn hóa giải trí. 

Người Mỹ chọn tự do để biến Hợp chủng quốc Hoa Kỳ thành hợp chủng quốc đa sắc màu văn hóa, nơi mọi giấc mơ đều có thể trở thành hiện thực.

Và bởi vậy mà trong thời kỳ công nghiệp văn hóa đầu tiên, Mỹ dẫn đầu thế giới về mọi chỉ số phát triển: số lượng đài phát thanh lớn nhất, tần sóng phát thanh phủ rộng nhất, quốc gia có dân số sở hữu vô tuyến truyền hình lớn nhất suốt thập niên 1970, số lượng hãng phim và phim được sản xuất lớn nhất thế giới, nơi các nghệ sĩ tài danh đa quốc tịch tập trung nhiều nhất và hàng loạt những cái nhất khác. 

Hollywood và Broadway thống trị về tư tưởng, nội dung, tiêu chuẩn thẩm mỹ của ngành điện ảnh và ngành biểu diễn nghệ thuật thế giới trong hơn nửa thế kỷ. Đến cuối thập niên 1990, Mỹ vẫn chiếm thế độc tôn trong nền công nghiệp văn hóa toàn cầu.

Tuy nhiên, sau thời kỳ Đại suy thoái, nền kinh tế Mỹ mất gần 20 năm để phục hồi. Các ngành công nghiệp văn hóa bị tổn thất nhiều nhất không phải chỉ ở doanh thu mà còn ở những sự nghiệp lớn lao của những tài năng đã định hình nên văn hóa Mỹ. 

Văn phòng của Tổng thống Johnson do đó đã chuẩn bị cho sự ra đời của các cơ quan gián tiếp thay mặt chính phủ kết nối với cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong các ngành văn hóa nghệ thuật để đồng hành với họ bằng các chính sách phù hợp và các hỗ trợ khi cần thiết, đặc biệt trong việc thu hút, nuôi dưỡng tài năng nghệ thuật; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa Hoa Kỳ. 

Bốn cơ quan được thành lập năm 1965 là: 

- Quỹ Tài trợ nghệ thuật quốc gia (National Endowment for the Arts NEA); 

- Quỹ Quốc gia về các ngành nghệ thuật và nhân văn (National Foundation on the Arts and the Humanities NFHA); 

- Hội đồng Liên bang các ngành nghệ thuật và nhân văn (Federal Council on the Arts and the Humanities FCAH);

- Viện Thư viện và bảo tàng quốc gia (Institute of Museum and Library Services IMLS).

Trong giai đoạn từ 1965 đến 2008, các cơ quan này đã giải ngân hơn 128.000 khoản hỗ trợ với tổng giá trị hơn 5 tỉ USD cho các nghệ sĩ trẻ, các dự án thể nghiệm và các dự án bảo tồn... 

Đến nay, Quốc hội Hoa Kỳ vẫn duy trì ngân sách khoảng 150 triệu USD mỗi năm cho các cơ quan NEA để cấp học bổng, tài trợ cho các dự án nghiên cứu và các dự án văn hóa cộng đồng trong các lĩnh vực ít có doanh nghiệp hoạt động như lịch sử, triết học, tôn giáo, nhân chủng học...

Riêng Viện Thư viện và bảo tàng quốc gia IMLS nhận sự hỗ trợ trực tiếp từ chính quyền liên bang để tích cực hoạt động kết nối và củng cố hệ thống bảo tàng, thư viện quốc gia, biến bảo tàng, thư viện thành tài nguyên của nền giáo dục quốc dân đồng thời là nền tảng để phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với giữ gìn những di sản văn minh nhân loại. 

Nước Mỹ nhờ đó trở thành môi trường học thuật lý tưởng nhất thế giới, là điểm đến mơ ước của tất cả những người làm văn hóa nghệ thuật cũng như của công chúng yêu văn hóa nghệ thuật trên toàn cầu.

Sự hiện diện lặng lẽ nhưng ở phần nền tảng sâu nhất và quan trọng nhất đó của chính phủ trong một nền công nghiệp văn hóa cởi mở hoàn toàn tự do đã giúp cho Giấc mơ Mỹ trở thành biểu tượng của giấc mơ sáng tạo và tỏa sáng hấp dẫn mọi tài năng văn hóa nghệ thuật đến từ mọi thành phố, thị trấn trên khắp hành tinh. 

Nước Mỹ đến năm 2015 là nơi 4,7 triệu người đa quốc tịch làm việc trong các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 698 tỉ USD cho GDP, xuất siêu hơn 41 tỉ USD các sản phẩm văn hóa mang giá trị Mỹ, hệ tư tưởng Mỹ đến tất cả các quốc gia trên thế giới.

Công nghiệp văn hóa: Sự thành bại của các quốc gia Công nghiệp văn hóa: Sự thành bại của các quốc gia

TTO - Ngày 24-11 sẽ diễn ra Hội nghị văn hóa toàn quốc. Tuổi Trẻ Online sẽ đăng tải nhiều bài viết về các vấn đề, nhân vật, sự kiện của công nghiệp văn hóa Việt Nam trong dòng phát triển của công nghiệp văn hóa thế giới qua góc nhìn đa diện.

TS NGUYỄN THỊ QUÝ PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên