12/10/2014 11:02 GMT+7

​Công dân già ưu tú của thủ đô

VŨ ĐỒNG
VŨ ĐỒNG

TT - Lớp học đặc biệt này đã có 17 năm nay. Cô giáo là bà Hồ Hương Nam, 82 tuổi, trú ở P.Yên Phụ, Q.Tây Hồ (Hà Nội).

Bà Hồ Hương Nam ân cần động viên, chỉ dạy từng em trong lớp - Ảnh: V.Đồng
Bà Hồ Hương Nam ân cần động viên, chỉ dạy từng em trong lớp - Ảnh: V.Đồng

Học sinh của bà là những đứa trẻ khuyết tật, hội chứng Down, thiểu năng trí tuệ, tự kỷ, câm điếc.

Sau hơn 30 năm giảng dạy tại Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám (Q.Ba Đình, Hà Nội), năm 1989 bà Nam nghỉ hưu. Năm 1993 bà xin làm công tác dân số gia đình trong khu phố. Bà nói: “Mỗi lần đi như thế, tôi thấy nhiều cháu khuyết tật cứ lủi thủi, quanh quẩn ở góc nhà. Nhìn xót lắm”. Ý định tập hợp những em này để mở lớp học của bà Nam bắt đầu từ đây.

Thành công đầu tiên là gia đình của hai em Nguyễn Thùy Trang (bị thiểu năng trí tuệ) và Nguyễn Kim Thoa (hội chứng Down) nhiều lần từ chối cuối cùng đã đồng ý cho con theo lớp học của bà. Sau một tháng bố mẹ của Trang, Thoa bất ngờ khi thấy các em biết lễ phép chào hỏi, viết được một số chữ cái ngay ngắn, tròn trịa. Cứ thế, tin đồn lan ra, lớp học ngày một đông hơn, từ hai em rồi sáu em, tám em...

Từ phòng học mượn của khu dân cư số 6 ở P.Yên Phụ, nhiều người lại thấy mấy bà cháu lếch thếch qua nhà trẻ trong phường. Năm 2002 cô trò được Trường THCS An Dương (P.Yên Phụ) dành một phòng học khang trang. “Thật tốt khi lớp học lại được ở trong ngôi trường này. Đây cũng là môi trường phù hợp để các em hòa nhập với cộng đồng, thế giới bên ngoài” - bà Nam nói.

Để duy trì lớp học, bà Nam gom góp từ 2,3 triệu đồng tiền lương hưu cộng với 1 triệu đồng tiền người con trai chu cấp mỗi tháng để lo từng cây bút, cuốn sách, cuốn vở đến những món quà vặt như bánh kẹo, hoa trái khích lệ các em.

Bà nói: “Dạy các em thật khó. Khó vì các em chưa thể tập trung, đứa thì ngủ, đứa thì chạy lung tung, đứa ngồi trong lớp cứ ngổ ngáo, đứa thì hét lên...”. Bà Nam chia các em thành các nhóm nhỏ để kèm cặp. Các em bị hội chứng Down, thiểu năng trí tuệ, tự kỷ một nhóm.

Nhóm của các em bị liệt, rồi nhóm của những em câm điếc. Ngày nào bà cũng ân cần đến cầm tay từng em uốn nắn từng con chữ. Nhận thức của các em rất chậm nên cách dạy của bà luôn đa dạng kiểu “tùy cơ ứng biến” và phải luôn có hình minh họa. Điều này đã khiến các em dần tiếp thu được bài.

Lớp học giờ đây đã tiến bộ rõ rệt. Các em từ chỗ không biết đọc, viết thì giờ hầu hết viết chữ rất đẹp, biết làm các phép tính trình độ lớp 2 đến lớp 5. Những em trước đây cứ ngơ ngẩn, không có ý thức thì giờ đã biết lễ phép chào hỏi.

Ông Đặng Quang Phụng (phụ huynh em Đặng Viết Thắng, học trò của cô Nam) kể: “Gia đình tôi buồn lắm khi con sinh ra đã không được bình thường. Khi được một số người giới thiệu đến lớp học của bà Nam, một thời gian tôi thấy cháu khác hẳn. Biết lễ phép chào hỏi rồi viết đọc được, tôi mừng chảy cả nước mắt. Từ đó tôi luôn kiên trì chở cháu đến lớp và thỉnh thoảng ngồi học luôn cùng cháu. Bà Nam đã thay đổi cả cuộc sống gia đình tôi”.

Nhiều lần các phụ huynh có ý định quyên góp để hỗ trợ cho lớp học nhưng bà Nam kiên quyết không nhận mà chỉ nói: “Các anh, các chị cố gắng duy trì chở các cháu đến lớp mỗi ngày là tốt lắm rồi”. Bà Nam rất bất ngờ khi biết mình là một trong mười “Công dân thủ đô ưu tú” vừa được UBND TP Hà Nội tuyên dương. Bà nói: “Phần thưởng 10 triệu đồng này tôi dành hết cho lớp. Các em sẽ có thêm những dụng cụ học tập mới”.

VŨ ĐỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên