18/04/2022 20:25 GMT+7

Công bố kế hoạch phát triển du lịch chung ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Các tỉnh thuộc khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam sẽ cùng liên kết phát triển du lịch, khai thác tối đa tiềm năng lớn của từng địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế và hợp tác quốc tế.

Công bố kế hoạch phát triển du lịch chung ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia - Ảnh 1.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu chia sẻ thông tin tại buổi gặp gỡ báo chí - Ảnh: T.ĐIỂU

Thông tin từ buổi gặp gỡ báo chí chiều 18-4 tại Hà Nội cho biết, trong khuôn khổ diễn đàn "Du lịch Kon Tum - Tiềm năng và triển vọng" do Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch phối hợp với địa phương tổ chức vào ngày 24-4 tới tại tỉnh Kon Tum, ban tổ chức cũng sẽ công bố kế hoạch phát triển du lịch khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Các tỉnh tham gia kế hoạch này gồm: Ratanakiri, Stung Treng, Mondulkiri, Kraté (Campuchia); Attapu, Salavan, Sekong, Champasak (Lào); Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước (Việt Nam).

Ông Hà Văn Siêu - phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - cho biết kế hoạch này đã được 3 nước thông qua tại hội nghị thượng đỉnh 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia diễn ra vào tháng 11-2020.

Theo ông Siêu, tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam là khu vực có tài nguyên đa dạng, phong phú, tính đặc thù cao, có nhiều tài nguyên tương đồng nhưng vẫn khác biệt, vừa có khả năng hình thành tính đặc trưng cho khu vực vừa có khả năng bổ trợ lẫn nhau để tăng cường tính hấp dẫn.

Cả 3 quốc gia đều là những điểm đến mới nổi, được nhiều thị trường khách du lịch quan tâm, là những điểm đến còn nhiều tiềm năng chưa khai phá.

Hầu hết các tài nguyên du lịch ở các tỉnh khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam đều còn ở dạng nguyên sơ, cả về tự nhiên lẫn văn hóa bản địa của các dân tộc thiểu số sinh sống.

Tài nguyên du lịch nguyên sơ của khu vực rất phù hợp với nhu cầu và xu thế của thị trường du lịch quốc tế.

Riêng tỉnh Kon Tum được thiên nhiên ưu đãi với nhiều thắng cảnh đẹp, văn hóa đặc sắc, có tiềm năng phát triển du lịch như núi Ngọc Linh thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, nơi lưu giữ nhiều hệ động thực vật quý hiếm, trong đó có sâm Ngọc Linh; cột mốc ba biên Việt Nam - Lào - Campuchia; khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen - Kon Plông - được mệnh danh thiên đường sinh thái với không khí trong lành, quanh năm mát mẻ...

Đây cũng là vùng đất có lịch sử lâu đời với truyền thống cách mạng hào hùng, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên, tạo nên bức tranh sinh hoạt cộng đồng đa dạng, phong phú...

Ông Nguyễn Văn Bình - giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Kon Tum - cho biết ngành du lịch tỉnh này đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để khởi động lại hoạt động du lịch và mở cửa đón du khách trong và ngoài nước.

Sau diễn đàn "Du lịch Kon Tum - Tiềm năng và triển vọng", sẽ có hàng loạt dự án đầu tư vào du lịch Kon Tum cũng như các sự kiện kích hoạt du lịch.

Bay khinh khí cầu lớn nhất cả nước từ trước tới nay

Dịp này tỉnh Kon Tum sẽ tổ chức lễ đón nhận bằng di tích Chiến thắng Đăk Tô năm 1967 và điểm cao 875 lịch sử tại xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi; hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh; tổ chức chương trình Famtrip khảo sát với 250 doanh nghiệp lữ hành của các khu vực trên cả nước nhằm giới thiệu đầu tư, xây dựng tour, tuyến du lịch…

Ngoài ra, Kon Tum còn tổ chức bay khinh khí cầu lớn nhất cả nước từ trước tới nay từ ngày 23 và 24-4 tại Khu hành chính tỉnh, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum.

Kon Tum: Cửa ngõ du lịch đường bộ ba nước Đông Dương Kon Tum: Cửa ngõ du lịch đường bộ ba nước Đông Dương

Cuối năm, cửa khẩu quốc tế cùng với Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y dường như nhộn nhịp hẳn lên.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên