16/02/2020 08:39 GMT+7

Con nghỉ vì lo corona, nghỉ rồi lại sợ con... mất bài

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TTO - 'Học sinh nghỉ vì dịch bệnh, tôi thấy rất nhiều trường tổ chức dạy trực tuyến nhưng trường của con tôi thì không. Cháu bị hổng kiến thức so với học sinh các trường khác thì làm sao thi cuối năm?', nhiều phụ huynh lo lắng.

Con nghỉ vì lo corona, nghỉ rồi lại sợ con... mất bài - Ảnh 1.

Thầy Hoàng Thế Dương (Trường THPT Gia Định, quận Bình Thạnh, TP.HCM) đang giảng bài môn hóa và quay video để tải lên nhóm cho học sinh học trong thời gian nghỉ do dịch COVID-19, sáng 12-2 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Lo nhất là những phụ huynh có con đang học lớp 9 và lớp 12, bởi con em họ sắp bước vào kỳ thi quan trọng: thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi THPT quốc gia.

Được nghỉ, khi đi học lại phải dạy bù

Ông Phạm Phương Bình - phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, quận Thủ Đức - thừa nhận: Trong thời gian học sinh nghỉ học dài ngày như hiện tại, tình trạng phụ huynh sợ con em mình "mất bài" là có thật. Ngoài những bài thầy cô gửi, một số phụ huynh còn bắt con ở nhà phải chép lại bài học vô tập và giao rất nhiều bài cho con tự học. 

"Thật ra chép bài cũng là một cách học, nhưng học mà không hiểu thì không ghi nhớ được. Và rồi những gì chúng ta bắt các em làm cũng sẽ bị các em quên đi nhanh chóng" - ông Bình nói.

Thông tin thêm về vấn đề trên, ông Lê Duy Tân - trưởng phòng giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP.HCM - cho biết sở khuyến khích các giáo viên ứng dụng CNTT giảng dạy từ xa trong giai đoạn học sinh nghỉ ở nhà như hiện nay. Tuy nhiên, tất cả chỉ dừng ở mức ôn tập kiến thức đã học mà thôi. 

Khi học sinh đi học lại, bắt buộc các trường phải lên kế hoạch giảng dạy cho học sinh đầy đủ các bài trong chương trình. "Các tiết dạy học từ xa không thể thay thế các tiết dạy trực tiếp có sự tương tác giữa thầy và trò..." - ông Tân nói.

Tương tự, thầy M. - giáo viên môn toán ở quận 5 - chia sẻ: "Rất nhiều phụ huynh, học sinh gọi cho tôi thắc mắc rằng sao thầy không dạy bài mới mà cứ cho ôn tập kiến thức cũ. Như vậy làm sao học sinh đủ kiến thức để đi thi THPT quốc gia. Mà điểm thi THPT quốc gia lại dùng để xét tuyển vào ĐH, học sinh trường mình thiếu kiến thức so với trường khác coi như rớt ĐH...".

Trả lời những thắc mắc trên, thầy M. phân tích: "Tôi rất thông cảm với sự sốt ruột của phụ huynh, học sinh các lớp cuối cấp. Nhưng chúng ta phải bình tĩnh hiểu rằng học sinh được nghỉ học để phòng tránh dịch bệnh thì sẽ có thời gian để học bù, chứ không phải nghỉ là mất bài".

Bộ GD-ĐT đã công bố sẽ lùi thời gian kết thúc năm học thì phụ huynh cũng không nên quá lo lắng về việc con em mình bị "mất bài". Các nhà trường sẽ điều chỉnh thời gian năm học theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT và lên kế hoạch giảng dạy chương trình học kỳ 2 theo tinh thần năm học sẽ kết thúc trễ hơn mọi năm.

Ông Lê Duy Tân (trưởng phòng giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP.HCM)

Đừng lo sợ "mất bài"

Được biết, khi có thông báo học sinh nghỉ học kéo dài do dịch bệnh, rất nhiều phụ huynh sợ con mình bị mất bài nếu không học trực tuyến, như trường hợp của chị Nguyễn Tâm Giao có con học lớp 9 ở quận 3 (TP.HCM). 

Chị nói: "Sau kỳ nghỉ tết 16 ngày, học sinh lại được nghỉ thêm để phòng tránh dịch bệnh nhưng nhà trường và các thầy cô giáo của cháu không đả động gì đến bài vở. Nay học sinh lại được nghỉ đến cuối tháng 2-2020, lúc này các thầy cô bộ môn mới cho bài để học sinh tự làm ở nhà. 

Nhưng những bài này chỉ dừng ở mức ôn tập, củng cố kiến thức. Tôi thực sự sốt ruột. Sao các trường công lập không tổ chức dạy trực tuyến cho học sinh trong những ngày nghỉ để học sinh đỡ mất bài như các trường tư?".

Ngược lại, chị Bùi Minh Huệ - phụ huynh có con học lớp 12 ở quận Bình Thạnh - lại bức xúc: "Trường của con tôi giao quá nhiều bài, gây áp lực cho học sinh. Chỉ riêng môn toán, thầy giáo cho lớp của con tôi 121 bài tập để học sinh tự làm trong tuần vừa rồi, chưa kể các môn khác. Con tôi than thở: những môn như sử, địa toàn câu hỏi, yêu cầu học sinh nhìn sách giáo khoa rồi chép vào tập. Như thế này đi học còn sướng hơn và vui hơn".

Nói thêm về việc học khi học sinh trở lại trường, ông Bình cho rằng việc dạy và học phải có sự tương tác giữa thầy và trò. Vì vậy, những biện pháp mà giáo viên thực hiện trong thời điểm hiện nay như: dạy học qua mạng, giao bài tập... chỉ là một hình thức giúp học sinh đừng quên kiến thức, đồng thời rèn cho học sinh thói quen tự học ở nhà. 

"Ở Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, khi học sinh đi học lại, nhà trường sẽ có kế hoạch để các thầy cô giáo dạy đầy đủ kiến thức theo phân phối chương trình, không bỏ qua mà cũng không dạy lướt bài nào cả" - ông Bình trấn an.

Tất cả 63 tỉnh, thành phố tiếp tục cho học sinh nghỉ học Tất cả 63 tỉnh, thành phố tiếp tục cho học sinh nghỉ học

TTO - Đến tối 15-2, tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã thông báo cho học sinh nghỉ phòng chống dịch COVID-19, trong đó 56 tỉnh thành cho học sinh nghỉ đến hết tháng 2.

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên