06/01/2017 14:02 GMT+7

Con lười, con hư là tại... mẹ?

MINH ANH (tổng hợp)
MINH ANH (tổng hợp)

TTO - Sau chia sẻ của một bà mẹ có con lười biếng, rất đông ông bố bà mẹ đã tham gia tranh luận, góp ý. Nhiều người thừa nhận mình đồng cảnh ngộ, với không ít người 'đúc kết': con hư tại mẹ!

>> Cưng chiều con quá mức, giờ lớn con...làm biếng


"Quá áp lực vì dạy con không nghe"

"Chị tôi có con gái lớn 17 tuổi, ngoài giờ học lên phòng ôm máy tính, mẹ không gọi ăn, không nấu cho ăn thì nhịn. Con gái nhỏ 9 tuổi thì không nhai được các loại thịt heo, bò, gà, không biết ăn trái cây, mẹ phải đút và quát nạt mới chịu ăn cơm chan nước canh. Lễ tết chị không về quê thăm ba mẹ với lý do là bận rộn các con nhỏ, mang nó theo thì cực mà để nhà chúng nó chết đói", bạn đọc My kể.

"Tôi cũng gặp trường hợp như chị Thùy Linh. Ngoài sức tưởng tượng của tôi các bạn à. Suốt ngày tôi la mắng có, dạy dỗ có nhung tôi không hiểu vì sao bọn trẻ ngày nay như thế, nhiều lúc áp lực kinh khủng", bạn đọc Nguyễn Thị Nga tâm tư.

"Nhà mình thì mình nghiêm khắc với con, còn vợ thì toàn bắc thang cho nó leo lên đầu, hễ nói thì cứ bảo mình cổ lổ, cuối cùng chẳng đâu vào đâu, y chang như câu chuyện của tác giả", bạn đọc Lý Nghịch than.

Cùng chia sẻ, bạn đọc Công Chức viết: "Tôi không quá dễ dãi với con. Con đã lớp 9, lớp 7 rồi nên tôi đều bắt các cháu quét nhà, rửa chén. Nhưng khổ nỗi cứ con làm là mẹ lại 'để đó mẹ làm cho'. Tôi bó tay. Hét quá thì mới dọn cơm, rửa chén, quét nhà được vài ngày. Có lẽ vợ tôi rất sai lầm khi chiều con. Làm vậy chỉ khổ tụi nhỏ khi chúng ra đời".

"Các cụ có câu: con hư tại cha mẹ, giờ các phụ huynh còn kêu ca tại xã hội nữa không? Nói là tại nhà trường hay gì gì đó nữa không?", bạn đọc Ngọc Thắng gay gắt.

Con làm biếng do cách dạy sai?

Trở lại câu chuyện của chị Thùy Linh, bạn đọc Trịnh Vũ Kim Duyên phân tích: "Các cháu không chỉ lười mà còn ích kỉ. Cháu biết lấy cớ bận rộn việc học, vậy bố mẹ đã vất vả kiếm tiền lại còn thêm hầu hạ con cái nữa sao??? Lại càng không có việc chỉ dành cho con gái để né tránh.

Lao động tự phục vụ là một trong những hoạt động sinh tồn. Nếu bố mẹ không kịp thời cương quyết chấn chỉnh thì hậu quả đã thấy. Nếu phòng cháu bề bộn dơ bẩn, chị vào dọn bằng cách cho tất cả vào bịch làm như chuẩn bị vứt thùng rác. Cơm nước nấu xong gọi các con ra phụ dọn, nếu không làm bố mẹ cứ ăn sau đó dọn sạch sẽ không để dành. Cương quyết không cho tiền để các con ra ngoài ăn quà". 

"Người làm cha mẹ để con có tư cách kém trong sinh hoạt là có tội. Mong anh chị nên sớm điều chỉnh", bạn đọc này nhấn mạnh.

Bạn đọc Tài cũng thắng thắn: "Chị đã dạy con sai từ đầu là đứa lớn nên hậu quả kéo theo đứa nhỏ so bì ganh tị. Thường các con trong nhà luôn phải có một đứa lớn (con cả) làm gương. Rất tiếc trường hợp gia đình chị lại không có gương siêng.

Thà đau một hai lần còn hơn khổ suốt đời, đã đến lúc chị phải cứng rắn nghiêm túc. Biết là rất khó, thậm chí tác dụng ngược, nhưng vẫn cương quyết làm. Ví dụ món ăn cha mẹ nấu hoặc mua thứ này nhưng con đòi ăn thứ kia... chị phải cứng rắn: 'Bây giờ con có ăn không? Không ăn thì mẹ dẹp'. Thậm chí bấm bụng đổ bỏ trước mặt con, tuy hơi tiếc nhưng phải làm thể hiện sự cứng rắn của mình".

Đồng quan điểm, bạn đọc Nguyễn Thế Hùng viết: "Khi dọn ăn chị gọi mà cháu không xuống thì anh chị ăn xong dọn luôn, nhớ cất hết các loại hoa quả, hay bánh kẹo, chỉ trừ cơm thức ăn để trong nồi. Nếu đói cháu tự lấy ăn.

Đối với áo quần, chị giao nếu thay xong phải bỏ vào trong thùng hoặc máy giặt thì chị mới giặt cho con, nếu con không làm chị cứ để thế, hết áo quần không có mặc nó tự lo. Một tuần không có đồng phục đi học thì nó phải biết làm thế nào... Chị phải kiên định lên, đừng thấy tội con rồi lại làm thay nó. Tôi thấy nếu chị không cải thiện được thì sau này chị sẽ khổ rất nhiều".

Trong khi đó bạn đọc Nguyen Thanh Liem chia sẻ: "Chúng ta thương thì phải tập cho con làm được các việc. Bản thân tôi cũng có 2 con, nhưng khi bé vừa ngồi vững tôi đã cho chén, muỗng, đũa tự ăn, tự làm một số việc. Đến lúc học lớp chồi bé biết đút cơm cho em, tắm và thay quần áo cho em. Tôi dự định khi bé được 10 tuổi sẽ dạy nấu ăn (có sự giám sát của cha, mẹ)".

"Ngày nay mọi người cứ sợ con cực khổ. Thật ra chính những bạn trẻ thành công hôm nay, nhiều bạn vươn lên từ cực khổ, khó khăn, còn con của các gia đình giàu có cưng con như trứng mỏng thì lại chẳng làm nên trò trống gì. 

Lúc nhỏ tôi cũng được cưng chiều, ít làm việc nhà, đến khi lấy chồng tôi tìm hiểu cách sắp xếp công việc nhà, phân công công việc nhà sao cho phù hợp với 2 vợ chồng cùng đi làm. Và sau đó khi có con là giúp con làm những việc con có thể làm được, rất mệt, nhưng nếu không cho làm bé sẽ không làm được và rất làm biếng.

Chị hãy ngồi lại họp bàn và phân công rõ ràng. Trong lúc làm thì tất cả cùng làm: người rửa chén, người lau bàn, người quét nhà... sau đó là cùng nghỉ. Làm cùng nhau một cách vui vẻ và nếu không làm thì cắt quyền lợi. Không nên la mắng, nhẹ nhàng nhưng kiên quyết".

(Bạn đọc Nga Vo) 

MINH ANH (tổng hợp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên