04/09/2018 14:21 GMT+7

Con lật đật của bác Cư

ĐINH THỊ PHƯƠNG NHUNG (Thái Bình)
ĐINH THỊ PHƯƠNG NHUNG (Thái Bình)

TTO - Nếu không có sự che chắn, nâng đỡ kỳ diệu thuở ấu thơ đó của một người đàn ông “dữ dằn”, hẳn tác giả - một cô bé có tật ở chân - sẽ lớn lên với một tâm hồn trầy xước bởi bị trêu chọc, ức hiếp. Một câu chuyện đẹp.

Con lật đật của bác Cư - Ảnh 1.

Tôi sẽ luôn nỗ lực, cố gắng và nhất định sẽ không bao giờ bỏ cuộc, sẽ không bao giờ phụ sự tin tưởng của bác đối với tôi.

Ngày chủ nhật không có gì làm, lại thêm đang buồn vì công việc không như ý muốn, tôi dọn nhà để giết thời gian. 

Lúc lau dọn, tôi bỗng tìm thấy con lật đật đã bám bụi nằm yên ở một góc tủ. Nó đã trầy xước và lớp sơn bên ngoài cũng đã bong tróc những mảng lớn, nhưng ký ức về nó và người đã tặng nó cho tôi vẫn còn nguyên vẹn như mới xảy ra ngày hôm qua.

Thần hộ mệnh của tôi

Hồi đó, tôi mới học lớp 1. Ở lớp cũng như trên đường đi học về tôi thường bị đám con trai cùng lớp chặn đường trêu chọc vì đôi chân tôi không thể đi lại bình thường giống mọi người mà chỉ có thể đi cà nhắc từng bước. Bị chế nhạo, tôi chỉ biết ôm mặt khóc.

Nhưng một hôm, trên đường đi học về, bọn nó đang xúm lại cười đùa và giật hai bím tóc của tôi thì bỗng nghe thấy một giọng nói đầy uy lực vang lên:

- Mấy đứa hư đốn này, tan học không về nhà mà lại đi trêu chọc bạn nữ thế hả? Có phải muốn ăn đòn không?

Cả đám con trai co giò chạy thục mạng. Người vừa giải vây cho tôi là bác Cư hàng xóm - người mà chỉ cần nhắc đến tên thì đứa trẻ nào trong xóm cũng sợ. 

Bác cao lớn, nước da đen sạm. Nhưng điều làm cho chúng tôi sợ nhất là vết sẹo lồi xấu xí trên má phải của bác càng làm tăng thêm vẻ dữ tợn. Thế nên chẳng có gì lạ khi những đứa có tiếng là lì lợm cũng chạy mất dạng.

Bác đỡ tôi dậy, phủi sạch đất cát trên quần áo rồi tiến lại gần bãi cỏ lấy lại cho tôi chiếc cặp sách đã bị quăng đi từ lúc nào. Đầu gối tôi đã bị trầy chảy máu không thể tự đi về nhà được, thế là bác cõng tôi về. 

Trên đường đi, bác còn kể cho tôi nghe những câu chuyện rất thú vị nữa. Tất cả những điều đó khiến tôi nhận ra người đàn ông ấy không hề đáng sợ như mình nghĩ.

Con lật đật không bao giờ ngã

Hôm sau, bố mẹ bảo tôi sang nhà bác để cảm ơn. Bác sống trong căn nhà tình nghĩa được người dân trong xã góp tiền xây tặng ở cách nhà tôi không xa. 

Lúc đến, thấy bác đang ngồi ngoài sân vót nan làm diều, tôi liền ngồi xuống bên cạnh chăm chú quan sát. 

Bác khéo tay lắm, chẳng mấy chốc con diều đã hoàn thành. Bác còn dạy tôi gấp các con vật từ bướm, thiên nga đến ếch bằng giấy. Khỏi phải nói tôi vui thế nào. Nhưng trong lòng vẫn có một thắc mắc mà lâu nay chưa được giải đáp, tôi đánh bạo hỏi:

- Tại sao trên mặt bác lại có vết sẹo này ạ?

Bác trầm ngâm một lát rồi ngồi xuống ghế kể cho tôi nghe:

- Trong một lần hành quân cùng tiểu đội, đang đi thì có một người vướng mìn. Ta chỉ kịp nhìn thấy ánh chớp lóe sáng. Tỉnh lại, ta thấy mình đang nằm trong trạm xá, khuôn mặt được băng kín. Sau khi vết thương lành, trên mặt ta có thêm cái sẹo này. 

Nhưng ta không hề thấy buồn hay cảm thấy tự ti, trái lại, đối với ta, nó là minh chứng của hạnh phúc. Ta vui vì mình đã góp chút công sức để mọi người có cuộc sống bình yên như bây giờ. À, ta có cái này tặng cho cháu...

Dứt lời, bác lấy từ trong tủ kính ra một con lật đật màu đỏ rất đẹp rồi đặt trên mặt bàn, ôn tồn nói:

- Cháu thấy không, con lật đật dù không có chân nhưng nó không bao giờ ngã. Ít nhất cháu vẫn còn có thể tự đứng trên đôi chân của mình. Vậy nên cho dù có khó khăn gì đi nữa cũng không bao giờ được ngã lòng mà phải mạnh mẽ tiến về phía trước.

Kể từ khoảnh khắc nghe được những lời đó, cuộc đời tôi đã thay đổi. Tôi không còn ủ rũ nữa mà cố gắng để mỗi ngày đều trôi qua trong tiếng cười. 

Chiều chiều sau khi tan học, bác còn dẫn tôi đi thả diều. Những nỗi buồn trong tôi dường như cũng được thả bay theo cánh diều kia tan biến vào không gian rộng lớn. 

Bác giống như người cha thứ hai của tôi vậy, có đồ chơi đẹp hay những cuốn sách tôi thích bác đều mua cho tôi. Đó là một trong những khoảng thời gian hạnh phúc nhất đời tôi.

Tôi sẽ không bao giờ ngã lòng

Một buổi chiều đi học về, tôi chạy sang nhà định khoe với bác bài kiểm tra toán cô giáo mới trả thì thấy cửa đã khóa. Hỏi mọi người xung quanh thì mới biết bác bị bệnh nặng nên được đưa đi cấp cứu. 

Tôi đi về nhà, giam mình trong phòng. Mẹ thấy vậy nên vào an ủi tôi rằng bác sẽ sớm khỏi bệnh thôi. Tôi chợt nhớ rằng mình đã đọc một câu chuyện nói chỉ cần gấp đủ một ngàn con hạc giấy thì điều ước sẽ trở thành hiện thực.

Vậy là trừ những lúc đi học và làm bài tập, tôi đều ngồi trong phòng gấp hạc giấy, tin rằng khi tôi gấp đủ một ngàn con thì bác sẽ khỏi bệnh và khỏe mạnh như xưa. 

Không ngờ, tôi chưa kịp gấp xong thì nhận được tin bác đã ra đi. Chẳng từ ngữ nào có thể diễn tả cảm xúc của tôi lúc đó, nhưng tôi không khóc, có lẽ vì bác đã nói rằng phải luôn mạnh mẽ nên tôi đã học được cách giấu nỗi đau vào tận sâu trong lòng.

Vậy thì tại sao bây giờ khi mới chỉ gặp một chút biến cố trong công việc tôi đã ngã lòng? Tôi sẽ luôn nỗ lực, cố gắng và nhất định sẽ không bao giờ bỏ cuộc, sẽ không bao giờ phụ sự tin tưởng của bác đối với tôi. 

Có phải ở nơi rất xa đó, bác đang mỉm cười nhìn cháu không?

Khoảnh khắc thay đổi đời tôi: Đi qua tuổi ẩm ương Khoảnh khắc thay đổi đời tôi: Đi qua tuổi ẩm ương

TTO - Trong cái nắng kỷ lục của miền Trung, ba tôi miệt mài khiêng từng khúc gỗ nặng trĩu trên vai. Nhìn vai áo ba ướt đẫm mồ hôi, giây phút ấy tôi đã khóc, không biết vì quá thương ba hay vì giận bản thân.

ĐINH THỊ PHƯƠNG NHUNG (Thái Bình)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên