13/09/2011 02:25 GMT+7

Cơm muối, mì tôm đến trường

BÌNH THANH - BÁ DŨNG
BÌNH THANH - BÁ DŨNG

TT - Cuộc trò chuyện với hai chị em Nguyễn Thị Thao, Nguyễn Thị Thúy phải ngưng nhiều lần vì những tiếng nấc nghẹn. Hai cô gái trẻ nhớ những tháng ngày lam lũ cùng mẹ cha bươn chải chạy miếng ăn...

sAZlTFwR.jpgPhóng to

Thời gian đầu học quân sự cả ngày, tối về hai chị em Thao (phải) và Thúy vẫn miệt mài tự học tiếng Anh. Mới nhập học, chưa tìm được việc làm thêm, những ngày này hai chị em chỉ dám ăn mỗi ngày một bữa cơm đạm bạc, còn lại là hai bữa mì tôm hoặc bánh mì qua cơn đói.

Thao (chị) và Thúy giờ là tân sinh viên Trường đại học Công nghiệp TP.HCM, đều được nhận học bổng “Tiếp sức đến trường” đợt này.

Tuổi thơ nghèo khó

Từ miền quê nghèo Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, cha mẹ Thao và Thúy đi về phía cao nguyên miền Trung trong cuộc mưu sinh. Cả nhà dắt díu nhau qua nhiều vùng đất Kon Tum, Lâm Đồng, Gia Lai..., cuối cùng đậu lại huyện Đắk Song (Đắk Nông). Cả gia đình sáu người lặn ngụp trong nghèo khó, quần quật hai năm trời mới cất được căn nhà tạm bợ che nắng che mưa. Mọi chi tiêu chỉ trông chờ vào những đồng tiền làm mướn của người bố hay đau ốm.

Rồi người chị gái đi làm công nhân và lấy chồng xa, anh trai học trong quân đội, hai chị em Thao - Thúy thay nhau quán xuyến việc nhà và đi làm thêm để phụ giúp cha mẹ. Tuổi thơ của hai chị em gắn liền với những trưa nắng đi làm rẫy, cào bồn cà phê rồi phụ mẹ tráng bánh, giao hàng. Từ ngày mổ ruột thừa, lại mang trong người bệnh thận và gai đốt sống, bà Thái Thị Mận - mẹ Thao và Thúy, chỉ làm được những việc nhẹ. Công sức bỏ ra thì nhiều mà thu nhập chẳng đáng là bao. Cật lực làm ngày làm đêm mà trung bình một ngày bà chỉ kiếm được hơn 30.000 đồng.

Thương mẹ cha bệnh tật mà vẫn phải vất vả sớm hôm, Thao và Thúy càng học giỏi. “Suốt ba năm học Thao và Thúy rất chăm ngoan, học đều các môn, đặc biệt là các môn tự nhiên. Hai chị em luôn có ý chí vươn lên trong học tập, liên tục nằm trong nhóm ba học sinh giỏi nhất lớp” - cô chủ nhiệm Kiều Thị Thúy Diễm (giáo viên Trường THPT Đắk Song, Đắk Nông) nói.

Những bàn tay chìa ra

“Hai con đậu đại học cũng vui nhưng vợ chồng tôi lo nhất là cách nào để có tiền cho con học tiếp” - bà Mận nói. Năm sào rẫy nhà bà trồng cà phê mấy năm qua không thu được chút lợi nhuận nào vì không có tiền mua vật tư chăm bón.

Đã vậy, khi bà Mận cầm sổ hộ nghèo đi vay tiền đầu tư nuôi đàn thỏ hơn 80 con suốt nửa năm trời, đợi bán kiếm chút lời cho con đi học nhưng rồi cũng đổ sông đổ biển vì đàn thỏ chết hết do dịch bệnh. Sau mấy năm lặn lội kiếm sống, thu nhập bấp bênh, gia đình bà Mận vẫn tay trắng. Cuối tháng 8 qua, ông bà vay nóng 5 triệu đồng và 1 chỉ vàng cho con có tiền nhập học.

Lựa chọn thi cùng Trường đại học Công nghiệp TP.HCM để có điều kiện gần gũi, đỡ đần nhau giữa một thành phố xa lạ, không họ hàng. Nhưng vì hoàn cảnh quá khó khăn nên Thúy định bảo lưu một năm đi làm phụ bố mẹ nuôi chị. Ông Dân, bà Mận gạt nước mắt gật đầu vì không thể nuôi hai con ăn học cùng lúc. Cảm phục trước tấm lòng của cô học trò nghèo hiếu thảo, thầy cô và bạn bè cùng lớp đã quyên góp một khoản tiền để Thúy tiếp tục đến trường.

Giờ đây, khi được nhận học bổng “Tiếp sức đến trường”, chị em Thao - Thúy đỡ lo tiền học trong năm đầu. “Ngoài việc phải học tốt, tụi em sẽ đi làm thêm để tự nuôi mình, dành dụm mua chiếc máy tính cũ để phục vụ việc học” - Thao nói về những dự định trước mắt.

Những bữa cơm chan nước muối

Việc đầu tiên sau khi đến TP.HCM nhập học của tân sinh viên Trường cao đẳng Kinh tế đối ngoại TP.HCM Nguyễn Thị Mến (Chư Sê, Gia Lai) là đi tìm chỗ dạy kèm kiếm tiền trang trải cuộc sống. Vừa tan buổi dạy kèm cô đã vội chạy đến trường. Cô cười khi mồ hôi chưa ráo trên khuôn mặt: “Ở quê lên rẫy mới cực chứ nhiêu đây thì nhằm nhò gì!”.

Năm Mến lên 3 tuổi thì mẹ mất. Hai năm sau đến lượt bố mất vì xơ gan. Trong ký ức của một cô bé 5 tuổi thì đó là những ngày tháng kinh hoàng nhất. Sau buổi đưa tang bố, năm chị em ôm lấy nhau mà khóc trong căn nhà vách đất xiêu vẹo. Năm đó hai chị đầu (Loan và Thủy) vừa xong lớp 9 thì nghỉ học để đi làm lo cho các em tiếp tục đến trường.

Mến kể: “Mỗi khi mùa mưa đến là cả nhà lại lo cái ăn, một tuần hết ba bữa các chị em chia nhau phần cơm chan nước muối”. Hai người chị lớn tủi thân ra sau nhà ngồi ôm nhau khóc, Mến và các chị kế kéo nhau đi tìm rồi năm chị em ôm nhau sau nhà. Chị Loan vỗ về các em trong nước mắt: “Có đói mấy tụi em cũng ráng học để thoát ra cảnh đói khát này. Hai chị sẽ ráng, còn các em cũng phải ráng nhé!”.

Cứ 4g sáng, khi các chị loay hoay nấu cơm và gói ghém đi làm rẫy thì Mến cũng thức dậy, mở sách bên bếp lửa học bài cùng các chị. Sự hi sinh của hai người chị, ánh lửa bập bùng mỗi sáng khi ngoài trời còn mờ sương đã nâng bước Mến và hai chị kế đến giảng đường.

Hai chị kế giờ một người đi dạy ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Tân Phú, TP.HCM và một người đang học Đại học Sư phạm TP.HCM. Mến nói: “Con đường của năm chị em nhà mình giờ đã sáng hơn rồi, cũng nhờ hai chị lớn thay cha thay mẹ lo lắng cho các em”...

MAI VINH

________________________

Hôm nay, trao học bổng cho 162 tân sinh viên Tây nguyên

Tối nay 13-9, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tỉnh đoàn và sở giáo dục - đào tạo năm tỉnh Tây nguyên cùng Đài phát thanh truyền hình Lâm Đồng trao học bổng “Tiếp sức đến trường” cho 162 tân sinh viên Tây nguyên vừa trúng tuyển vào đại học năm 2011. Toàn bộ học bổng là 810 triệu đồng, do Giải golf gây quỹ “Tiếp sức đến trường” (Công ty Phân bón Bình Điền) tài trợ.

Học bổng này nằm trong chuỗi chương trình “Tiếp sức đến trường” 2011 cho tân sinh viên ở 49 tỉnh thành trong cả nước, bắt đầu trao từ ngày 24-8 tại Quảng Trị và tiếp sau đó là Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định.

Sau đợt trao này, ngày 18 và 19-9, chương trình tiếp tục trao cho tân sinh viên bảy tỉnh biên giới phía Bắc và mười tỉnh thành đồng bằng sông Hồng; từ ngày 23 đến 29-9 trao cho tân sinh viên ở 13 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long và từ 26-9 đến 1-10 trao cho tân sinh viên các tỉnh thành miền Đông Nam bộ, tỉnh Khánh Hòa và một số tỉnh thành khác. Toàn bộ có 1.320 suất học bổng được trao (5 triệu đồng/suất).

Tổng số tiền học bổng được trao trong năm 2011 hơn 6,5 tỉ đồng, do Giải golf gây quỹ “Tiếp sức đến trường”; các CLB Tiếp sức đến trường: “Nghĩa tình Quảng Trị”, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi; Công ty cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt; nhãn hàng nước cốt gà Brand’s; Công ty cổ phần Tập đoàn Khang Thông, Ủy ban Tương trợ người Việt Nam tại Đức, giáo sư Phan Lương Cầm - phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - và bạn đọc báo Tuổi Trẻ hỗ trợ.

Đ.Đ.

BÌNH THANH - BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên