21/12/2023 08:16 GMT+7

Cổ vũ tinh thần khoa học phụng sự con người

"Chúng ta tin tưởng rằng mỗi công trình được xướng tên ở lễ trao Giải thưởng VinFuture lần này sẽ là niềm kỳ vọng lớn lao cho cuộc sống tốt đẹp của hàng trăm triệu và có thể là hàng tỉ con người trên hành tinh của chúng ta".

Tối 20-12 tại Hà Nội, Giải thưởng chính VinFuture trị giá 3 triệu USD được trao cho bốn nhà khoa học phát minh đột phá kiến tạo nền tảng bền vững cho năng lượng xanh thông qua việc sản xuất bằng pin mặt trời và lưu trữ bằng pin lithium-ion - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Tối 20-12 tại Hà Nội, Giải thưởng chính VinFuture trị giá 3 triệu USD được trao cho bốn nhà khoa học phát minh đột phá kiến tạo nền tảng bền vững cho năng lượng xanh thông qua việc sản xuất bằng pin mặt trời và lưu trữ bằng pin lithium-ion - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mở đầu bài phát biểu tại lễ trao Giải thưởng VinFuture năm 2023 diễn ra ở Hà Nội vào tối 20-12 với sự hiện diện của các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới.

Với chủ điểm của giải thưởng năm nay là "Chung sức toàn cầu", Giải thưởng VinFuture mùa ba đề cao tầm quan trọng của sự hợp tác toàn cầu để làm nên những công nghệ đột phá có tác động trên diện rộng.

Mục tiêu này được thể hiện rõ trong kết quả giải thưởng - bao gồm một giải thưởng chính trị giá 3 triệu USD và ba giải đặc biệt trị giá 500.000 USD đã được trao cho những công trình nghiên cứu xuất sắc trong các lĩnh vực nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách nhất của toàn cầu như năng lượng, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, sức khỏe...

Vượt lên tư duy thông thường để sáng tạo, phụng sự con người

Trong bài phát biểu, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu rõ: "Giá trị của giải thưởng là sự khuyến khích, cổ vũ tinh thần khoa học, sự khiêm tốn và lòng cầu thị, sự dũng cảm vượt qua thách thức, vượt lên những rào cản, giới hạn, tư duy thông thường để sáng tạo, phụng sự con người".

Theo Chủ tịch nước, những thách thức, nguy cơ đe dọa loài người trên thế giới hiện nay đòi hỏi con người phải dũng cảm vượt qua những giới hạn, rào cản, định kiến để cùng hợp tác với tầm nhìn rộng mở, tìm kiếm những giải pháp hữu ích mang tính toàn cầu cho một hành trình phát triển mới, bền vững và nhân văn.

"Sứ mệnh quan trọng này lại tiếp tục đặt lên vai của những nhà khoa học mang trong mình sức mạnh của tri thức và tình yêu nhân loại, những người nắm giữ chìa khóa để khai mở cách giải quyết những bài toán đang đặt ra trên con đường phát triển của mỗi quốc gia và nhân loại" - ông nói.

Chủ tịch nước nhấn mạnh Việt Nam luôn xác định khoa học công nghệ cùng với giáo dục - đào tạo được coi là quốc sách hàng đầu, là mục tiêu, động lực quan trọng cho sự phát triển nhanh và bền vững. "Vì vậy chúng tôi hoan nghênh các nhà khoa học đến từ mọi miền trên thế giới tới Việt Nam - ông khẳng định - Một đất nước Việt Nam giàu mạnh dựa trên nền tảng KHCN sẽ có đóng góp nhiều hơn cho khu vực và thế giới".

Chủ tịch nước cho rằng Giải thưởng VinFuture "với tầm nhìn mang tính toàn cầu, cách tiếp cận "chung sức toàn cầu", cổ vũ, tôn vinh những nhà khoa học có công trình nghiên cứu xuất sắc, công nghệ đột phá, mang tính ứng dụng cao, hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhiều người đã tạo ra sự kết nối rộng lớn với cộng đồng khoa học thế giới".

Theo ông, từ lần trao giải đầu tiên đến nay, với sứ mệnh "khoa học phụng sự nhân loại" theo đuổi bốn giá trị cốt lõi là Bình đẳng - Toàn cầu - Bền vững và Tiên phong, giải thưởng đã phát triển liên tục về chất lượng, số lượng và sự đa dạng, cho thấy sức hấp dẫn, ảnh hưởng, uy tín quốc tế ngày càng tăng.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao giải chính của Giải thưởng VinFuture 2023 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao giải chính của Giải thưởng VinFuture 2023 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Tôi cảm ơn quý vị tự hào vinh dự có mặt ở đây nhận giải thưởng chính. Pin lithium-ion nhỏ nhẹ sạc được là công cụ để ta thúc đẩy xã hội linh hoạt và bền vững hơn. Pin lithium-ion đang dần đóng vai trò quan trọng tạo nên xã hội tương lai bền vững. Tôi tin là vậy và đây là công cụ để dẫn dắt ta hướng tới sự phát triển ngày càng bền vững. Đây là điều tôi luôn tin tưởng.

Giáo sư Akira Yoshino (nhà khoa học Nhật Bản với công trình tiên phong trong việc sử dụng muội than ở cực âm của pin lithium-ion)

Những công trình để lại tác động trên toàn cầu

Giải thưởng VinFuture năm 2023 đã nhận được gần 1.400 đề cử từ 90 quốc gia trên toàn cầu, tăng gấp ba lần so với mùa giải đầu tiên. Giải thưởng đã được trao cho những nhà khoa học đã phát minh, phát triển những nghiên cứu khoa học và công nghệ đóng góp cho nhân loại, làm thay đổi thế giới trở nên tốt đẹp hơn, trực tiếp cải thiện cuộc sống cho con người.

Phát biểu tại lễ trao giải, GS Sir Richard Henry Friend - chủ tịch hội đồng Giải thưởng VinFuture - đã bày tỏ về kết quả của Giải thưởng VinFuture 2023: "Tất cả các phát minh được trao giải đã thực sự tạo nên những bước tiến lớn trong lĩnh vực khoa học và đổi mới, để lại tác động trên phạm vi toàn cầu".

"Giải thưởng chính tôn vinh những nhà tiên phong trong các công nghệ tối quan trọng mà nhân loại đang rất cần để đạt được năng lượng sạch và không phát thải, trong bối cảnh thế giới nỗ lực kiểm soát quá trình nóng lên toàn cầu. Các công trình ở nhóm giải đặc biệt phản ánh mức độ sâu rộng mà khoa học có thể mang lại lợi ích cho con người.

Có thể khẳng định tầm nhìn của những nhà sáng lập Giải thưởng VinFuture đặt ra - tôn vinh tiềm năng tác động của những khám phá và phát kiến khoa học để mang đến lợi ích thiết thực cho cuộc sống nhân loại - hoàn toàn được thể hiện rõ nét trong nhóm công trình đoạt giải năm nay" - ông đánh giá.

Bốn công trình đoạt giải là những công trình nghiên cứu xuất sắc vượt qua gần 1.400 đề cử ấn tượng đến từ 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo hội đồng giải thưởng, đây đều là các sáng kiến đột phá, có tác động sâu rộng tới hiện tại và tương lai nhân loại, thuộc các lĩnh vực quan trọng và có tác động ngày càng rõ rệt đến đời sống của hàng tỉ người trên thế giới. So với năm đầu tiên, số lượng đề cử công trình nghiên cứu tham dự Giải thưởng VinFuture đã tăng gấp ba lần.

"VinFuture đánh giá các nghiên cứu một cách toàn diện trong mối quan hệ đa chiều. Nhiều nghiên cứu có thể không đi đến đích hoặc ít được ứng dụng khi nằm riêng lẻ, nhưng nếu kết nối chúng lại với nhau thì đột phá có thể xảy ra - Chia sẻ từ đại diện hội đồng giải thưởng cho hay - Điểm chung nổi bật của tất cả các công trình là sự kế thừa và kết hợp xuyên biên giới giữa các quốc gia đã và đang phát triển, dựa trên những nền tảng phát minh đột phá của hàng loạt sáng kiến. Từ đó, tạo nên những công nghệ toàn diện có tầm ảnh hưởng toàn cầu, góp phần chung sức xây dựng tương lai bền vững cho nhân loại".

GS Sir Richard Henry Friend cho biết không chỉ tăng về số lượng đề cử gấp ba lần so với năm đầu tiên, chất lượng các đề cử mùa giải 2023 đều rất tốt. "Trong đó, công trình đoạt giải thưởng chính được đánh giá là một thành tựu đột phá, có tầm ảnh hưởng sâu rộng trên phạm vi toàn cầu với hàng triệu triệu người được hưởng lợi. Đồng thời, tiềm năng tác động của công trình này tới nhân loại trong thời gian tới chắc chắn sẽ rất lớn" - GS Friend nhấn mạnh.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trao giải đặc biệt VinFuture 2023 dành cho nhà khoa học nữ cho GS Susan Solomon (Mỹ) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trao giải đặc biệt VinFuture 2023 dành cho nhà khoa học nữ cho GS Susan Solomon (Mỹ) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Đây là niềm vinh hạnh to lớn với tôi. Tôi thấy thực sự may mắn khi 29 tuổi tôi bắt đầu tham gia tìm hiểu lỗ thủng tầng ozon và hiện tôi có mặt ở đây chia sẻ về dấu hiệu tầng ozon đang phục hồi. Đây là kết quả của người dân toàn thế giới cùng chung tay kiểm soát chất hóa học gây hại tầng ozon.

Trong sự nghiệp tôi may mắn khi có sinh viên, những đồng nghiệp, những GS đã sát cánh với tôi. Và tôi có chồng tôi, những người thân trong gia đình. Cảm ơn những người đồng sáng lập Quỹ VinFuture. Giải thưởng đã góp phần tạo động lực cho nhà khoa học nữ và điều đó cũng giúp đàn ông trong quá trình nghiên cứu khoa học.

Giáo sư Susan Solomon

Nhà khoa học Việt Nam được vinh danh

GS Võ Tòng Xuân trở thành nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam giành Giải thưởng VinFuture với công trình "Phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh" trong mùa thứ ba của giải thưởng này.

GS Võ Tòng Xuân cùng với nhà khoa học người Mỹ gốc Ấn, GS Gurdev Singh Khush đã giành giải đặc biệt dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển. Hai nhà khoa học được vinh danh cho đóng góp quan trọng trong việc phổ biến giống lúa kháng bệnh, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

Theo đánh giá của hội đồng giải thưởng, cuộc cách mạng trong nông nghiệp đã được thúc đẩy mạnh mẽ bởi nỗ lực của GS Gurdev Singh Khush và GS Võ Tòng Xuân trong việc phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh, góp phần củng cố an ninh lương thực toàn cầu.

Riêng GS Xuân đã đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến giống IR36 trên khắp các vùng thường xuyên bị sâu bệnh tấn công ở Đồng bằng sông Cửu Long và hợp tác với nông dân để áp dụng các kỹ thuật cấy ghép tiên tiến.

Nhờ các sáng kiến này, ông đã thúc đẩy mở rộng khả năng tiếp cận với hạt giống lúa chất lượng và tăng cường sản lượng lúa gạo với chi phí thấp hơn mà không sử dụng hóa chất độc hại.

"Việc sử dụng các giống lúa kháng bệnh năng suất cao như IR36 và IR64 không chỉ làm giảm chi phí sản xuất và gia tăng sản lượng mà còn hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu, góp phần thúc đẩy tính bền vững của nông nghiệp trên toàn cầu" - hội đồng giải thưởng đánh giá về công trình được giải mà GS Võ Tòng Xuân là đồng tác giả.

Giải thưởng 3 triệu USD của VinFuture 2023 gọi tên phát minh pin năng lượng xanhGiải thưởng 3 triệu USD của VinFuture 2023 gọi tên phát minh pin năng lượng xanh

Giải thưởng chính của VinFuture 2023 trị giá 3 triệu USD đã được trao cho 'Phát minh sản xuất năng lượng xanh bằng pin mặt trời và lưu trữ bằng pin lithium-ion'.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên