24/07/2019 09:12 GMT+7

Có thể tăng giá vé xe buýt?

NGỌC HẠNH - NGHĨA ĐỊNH
NGỌC HẠNH - NGHĨA ĐỊNH

TTO - Giá vé xe buýt tại TP.HCM rẻ ở mức không thể rẻ hơn, nhưng thực tế cho thấy việc trợ giá để giảm giá vé không phải là giải pháp hiệu quả lâu dài để phát triển xe buýt.

Có thể tăng giá vé xe buýt? - Ảnh 1.

Hành khách đi xe buýt số 8 (bến xe ĐHQG - bến xe Q.8, TP.HCM) chiều 23-7 - Ảnh: NGUYỆT NHI

Nhiều ý kiến bạn đọc phản hồi về "Nỗi niềm xe buýt" (Tuổi Trẻ từ ngày 21-7-2019). Số báo này, Tuổi Trẻ giới thiệu hai ý kiến bạn đọc là hành khách thường xuyên đi xe buýt.

Sao chỉ nghĩ đến trợ giá?

Tôi ở TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Mỗi khi có việc đến TP.HCM tôi thường chọn xe buýt. Từ Bình Dương đi TP.HCM hiện có hai tuyến xe buýt.

Tuyến 616 đến chợ Bến Thành, xe có máy lạnh, giá vé suốt tuyến là 25.000 đồng/người. Tuyến 04 đến bến xe Miền Đông, không có máy lạnh, giá vé suốt tuyến 15.000 đồng/người. Vé dành cho hành khách đi nửa lộ trình giảm phân nửa. 

Cả hai tuyến xe buýt đang vận hành đều là xe đời cũ, giá vé cao gấp 3, gấp 5 lần giá vé xe buýt có trợ giá tại TP.HCM, thế nhưng nhiều người dân vẫn sử dụng vì nếu so sánh với các loại phương tiện di chuyển khác đến TP.HCM thì vẫn còn rẻ hơn.

Đến TP.HCM, tôi thường đi xe số 54 (bến xe Miền Đông - bến xe Chợ Lớn), xe ngang qua hầu hết các bệnh viện lớn trong TP.HCM hoặc tuyến số 64 đến Đầm Sen. Lộ trình các tuyến xe đều dài tương tự quãng đường từ Bình Dương đến TP.HCM, nhưng giá vé chỉ 6.000 đồng/người (gần đây tăng thêm 1.000 đồng/vé).

Còn nếu "tính toán" giữa hai phương tiện di chuyển là xe buýt và xe ôm công nghệ, với lộ trình trên thì giá tiền đi xe ôm công nghệ cao hơn 10 lần. Chưa kể đi xe buýt tránh được mưa, nắng, khói, bụi. Các tuyến xe buýt nội ô TP.HCM đa phần đều sạch sẽ, có hệ thống điều hòa mát mẻ cho hành khách.

Buổi trưa trên những chuyến xe buýt, tôi thường thấy các tài xế và nhân viên tranh thủ vội vàng phần cơm hộp trong những phút nghỉ chuyến. Những người đi xe buýt nhiều cũng sẽ hiểu áp lực công việc của họ, đường sá tắc nghẽn cũng phải cố gắng đúng giờ. 

Ai đã chọn buýt lâu nay sẽ phải nghĩ nhiều về những khó khăn của các hợp tác xã và xã viên xe buýt thời gian gần đây. Để nâng cao chất lượng xe buýt, thu hút hành khách, trước tiên hoạt động của xe buýt được ổn định. Nâng trợ giá là một giải pháp nhưng điều này xem ra ngày càng khó khăn hơn và tiền trợ giá khó có thể cứu xe buýt khỏi khó khăn khi số lượng hành khách đang giảm.

Vậy tại sao không tính giải pháp tăng giá vé đối với một số tuyến hoạt động ổn định, đang có đông khách hoặc có cách tính khác trong từng chuyến (tùy theo khách đi đoạn đường xa hay gần).

Để làm gì? Để nhà xe có thể thu được nhiều tiền hơn nhằm tháo gỡ những khó khăn của họ. Giá vé xe buýt tại TP.HCM hiện nay theo tôi thấy chỉ bằng giá một gói bánh snack, bằng một nửa ly cà phê vỉa hè, hành khách thuộc các đối tượng được miễn, giảm giá vé chỉ 2.000 đồng! Thực tế cho thấy việc bù giá để giảm giá vé ở mức hiện nay đã không có hiệu quả đủ mạnh để xe buýt thu hút khách. Chi trả thêm cho mỗi vé xe buýt để được phục vụ tốt hơn, hành khách sẽ không chối từ.

Tôi nghĩ, không chỉ lãnh đạo TP.HCM mà người dân sử dụng xe buýt cần có cái nhìn thoáng hơn, chia sẻ hơn với xe buýt.Doanh nghiệp kinh doanh nào cũng cần phải có lợi nhuận mới có thể tồn tại. Thu không đủ bù chi mà đòi hỏi chất lượng, phục vụ? Mỗi người góp một phần, được như vậy mới mong hệ thống giao thông công cộng TP.HCM phát triển.

Đâu là cản ngại của buýt?

Tôi có hàng chục năm đi xe buýt. Nhưng năm gần đây tôi có chọn lựa linh động hơn. Nếu đi cự ly rất gần (khoảng 3km), tôi có thể chọn xe công nghệ vì chỉ mất khoảng 5 phút với giá khoảng 10.000 đồng so với 7.000 đồng đi xe buýt. Đoạn đường xa hơn và có thời gian thong thả, tôi chọn xe buýt.

Có một thực tế không thể phủ nhận: xe buýt đang chịu nhiều áp lực từ phía xe ôm và taxi công nghệ. Tuy nhiên, đối thủ lớn nhất của xe buýt lại chính là... xe buýt và những vấn đề liên quan. Xe bỏ trạm, bỏ khách, thái độ nhân viên chưa thân thiện... đó là những điều hành khách dễ thấy. Và còn những điều khác phía sau những chuyến xe: món nợ khi đầu tư nâng cấp xe buýt đến những lùm xùm chuyện bù giá.

Những thông tin trên báo chí gần đây cho thấy chuyện người đầu tư mua xe buýt lâm cảnh nợ nần. Khó khăn có thật. Giải pháp nào cho thực tế này? Chính sách bù giá hiệu quả đến đâu? Đây là điều cần nhìn lại. Ngân sách gánh khoản tiền quá lớn trong khi những người đầu tư xe buýt vẫn than phiền tiền đến tay họ vừa chậm vừa thiếu và có cả sự không công bằng nơi này, nơi khác.

Xe buýt xin ngưng chạy, xe buýt bỏ chuyến, xe buýt đầu tư bạc trăm triệu để phơi nắng mưa vì càng chạy càng lỗ... Mỗi lần đọc những thông tin này tôi lại thấy xót tiền ngân sách trợ giá và đầu tư nâng cấp xe buýt để giờ đối diện thực tế không như ý, nói thẳng ra là ngày càng bết bát.

Đây không phải là chuyện làm ăn thất bát của các hợp tác xã vận tải hay chuyện riêng chủ xe nào. Phải nhìn thẳng thực tế đầy khó khăn và nguy cơ thất bại việc phát triển xe buýt đô thị, để có chính sách tốt hơn cho giao thông ở TP.HCM.

Xe buýt Sài Gòn nơi xin ngừng nơi trả tuyến, vì sao? Xe buýt Sài Gòn nơi xin ngừng nơi trả tuyến, vì sao?

TTO - Rất nhiều hợp tác xã (HTX) xe buýt phản ảnh với Tuổi Trẻ đang gặp khó khăn và xin trả lại luồng tuyến, ngừng hoạt động. Tại sao có tình trạng này?

NGỌC HẠNH - NGHĨA ĐỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên