20/10/2012 09:24 GMT+7

Co rúm bởi hận thù

QUỲNH ANH
QUỲNH ANH

TT - Chồng nhiều lần đánh đập vợ. Một lần vợ không chịu nổi, cầm dao chặt bàn tay chồng gần đứt lìa. Chỉ khổ thân cho hai đứa trẻ phải sống co rúm trong sợ hãi.

9bye1mGR.jpgPhóng to
Minh họa: NGUYỄN TÀI

Sợ tội, người vợ bỏ trốn, gần sáu năm sau mới ra đầu thú. Ngày 8-8-2012, TAND thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên - Huế) mở phiên tòa xét xử vụ án “cố ý gây thương tích”. Chồng - bị hại, đến trước, nhấp nhổm vẻ thù hận. Một lát sau, vợ cúi mặt đi qua chồng và hai con để đến vị trí dành cho bị cáo. Hai đứa trẻ, anh 16 tuổi, em gái 11 tuổi ngồi lặng lẽ cạnh cha. Khi mẹ đi qua, dường như chúng muốn nhổm dậy, muốn gọi, muốn khóc... nhưng cuối cùng chúng bị “đóng đinh” xuống chiếc ghế bởi ánh mắt của cha.

Bạo hành gia đình

Bị hại, anh T.C.M. không nhìn qua phía vợ, nhưng giọng anh gằn gằn như cố ý để vợ nghe: “Tui một mình nuôi hai đứa con. Tay bị chặt đứt, dù được nối lại rồi cũng mô làm được việc nặng, coi như tàn phế. Chừ tui suốt ngày dãi nắng dầm mưa đi bán vé số, mà kiếm được cũng không bao nhiêu. Khổ lắm. Tui thù hận! Thù suốt đời!”.

Khai nhận hành vi chém gần đứt tay chồng, bị cáo T.T.L.H. lí nhí thuật lại quá trình đứng chờ sau cánh cửa, cầm dao chém như thế nào khi chồng thò tay mở cửa. Hội đồng xét xử hỏi: “Vì sao bị cáo làm vậy?”, H. tỏ vẻ khổ sở: “Bị cáo đang thái chuối cho lợn nhưng chồng gây gổ, nói đến giờ đó sao vẫn chưa nấu cơm rồi đánh bị cáo. Bị cáo cũng đi làm cả ngày về còn bị đánh. Quá tức giận vì thường xuyên bị chồng đánh có khi thâm tím mặt mày, nên...”.

Anh M. nói trổng: “Thứ chém chồng! Dữ tợn! Rồi còn đành đoạn bỏ con mà đi. Đó, thử hỏi hai đứa ni xem, năm, sáu năm trời có lần mô ngó lại tụi hắn? Con bé chừ chắc cũng quên luôn mặt mẹ”. Bị cáo nhẫn nhục im lặng.

Tòa tuyên án H. 2 năm 6 tháng tù, chị vội vã ra khỏi phòng xét xử. Lúc ngang qua hàng ghế ba cha con anh M. đang ngồi, chị lại cúi mặt như chạy trốn những ánh mắt thảng thốt của hai đứa trẻ.

Ngày 11-10, để tìm được nhà vợ chồng H., tôi phải nhiều lần dừng lại hỏi đường, qua nhiều ngã rẽ, men theo một con đường hẹp, nhà cửa thưa thớt. Người chỉ đường nào cũng sốt sắng nói thêm: “Cô H. bỏ đi mấy năm rồi. Anh M. bán vé số trưa trật mới về. Mấy đứa nhỏ đi học, có khi về luôn bên nhà nội ăn cơm, đến giờ này chắc không có ai”. Đúng như vậy thật, ngôi nhà tuềnh toàng xây bằng bờ lô (*), không tô trét, cửa đóng im ỉm. Lối vào um tùm cỏ dại.

Khắc nghiệt

Cách nhà hai vợ chồng M., H. không xa là nhà cha mẹ H.. Trong nhà, hai cán bộ cơ quan thi hành án dân sự đang giao một số giấy tờ liên quan việc H. phải thi hành khoản tiền gần 73 triệu đồng tòa tuyên bồi thường cho chồng. Cha mẹ cùng mấy người dì và chị dâu của H. ai nấy đều rất tâm trạng. Cha H. cho hay con gái đi làm ăn trong Nam. Ông rầu rầu: “Đành rằng con tui cầm dao chặt trúng chồng, nhưng đằng sau sự việc đáng tiếc đó là chuỗi ngày đau khổ hắn từng phải chịu đựng...”.

Ông Nguyễn Văn Phô, trưởng Công an xã Hương Vân, cũng cho hay việc anh M. đánh vợ từng bị công an xã lập biên bản, gọi lên làm việc.

“Nhưng bây giờ đau khổ nhất là thằng M. tìm mọi cách dọa nạt hai đứa cháu ngoại tui để chia rẽ tình cảm mẹ con, ông bà cháu” - cha H. bức xúc nói. Mẹ H. buồn bã tiếp lời chồng: “Mẹ hai đứa nhỏ sợ tội mà bỏ đi nhưng nhớ con đến khổ sở. Vậy nên lần trước về nó mua cho con cái điện thoại trong đó lưu sẵn số máy của mẹ, ông bà ngoại... Thằng M. biết hắn tịch thu máy, không cho liên lạc. Vợ chồng tui thương cháu, muốn cho hai đứa cái chi cũng không được. Thằng M. cấm tiệt. Con nhận quà của ông bà, hắn biết là đánh. Vì vậy mua cho cháu cái áo cái quần, hay trái bắp, củ sắn, vợ chồng tui phải nhờ chị trong xóm giả vờ nói của chị mua cho. Một lần, vợ chồng tui mua cho hai đứa bàn cờ ngựa. Thằng M. bắt con đưa qua trả lại, mà dặn con chỉ được đứng ngoài hàng rào chứ không được vào nhà. Không biết bị đập đánh hay dọa nạt cách răng mà gặp ông bà ngoại ngoài đường, chừ cả hai đứa cháu không đứa mô chào nữa. Như rứa có đau khổ không? Lần H. về nhà để ra đầu thú, nó phải nhắn mấy đứa con đến nhà người cậu. Mấy mẹ con ôm nhau khóc. Nát cả ruột”.

Lần mãi tôi mới xin được số điện thoại để hẹn gặp anh M.. Hai đứa con anh M. chào khách xong tiếp tục dán mắt lên chiếc tivi cũ kỹ đặt nơi góc nhà. Tôi hỏi anh: “Điện thoại mẹ mấy đứa nhỏ mua cho con để mẹ con nói chuyện với nhau, sao anh lại không cho chúng dùng?”. Sau một hồi sửng sốt vì bất ngờ, anh M. lý giải: “Sắm điện thoại ra để làm hư con tui à. Tui cất, khi mô ra tòa ly hôn tui trả”. “Vậy chiếc bàn cờ ngựa sao anh lại bắt con trả lại ông bà ngoại?”. Anh M. có vẻ sừng sộ: “Có bàn cờ ngựa mô? Cả đời có cho tụi hắn cái chi mô! Đó, bây (anh M. nói với con) nói thử coi, ông bà ngoại có cho cái chi không? Mẹ bây có ngó lại không?”. Hai đứa trẻ im lặng.

M. lục tìm tờ giấy triệu tập của tòa án, cau có nói: “Tui làm đơn ly hôn lâu rồi mà chừ tòa mới kêu!”. Và cũng như hôm tại phiên tòa xét xử vợ, giọng M. gằn gằn: “Tui thù hận! Thù suốt đời” mà chẳng ngó ngàng đến ánh mắt thảng thốt của hai đứa con, cũng chẳng đếm xỉa rằng tâm hồn non nớt của lũ trẻ có thể đang rúm ró lại bởi hận thù giữa cha với mẹ.

(*) Một loại gạch xây dựng rẻ tiền làm bằng cát và ximăng

QUỲNH ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên