07/12/2023 17:49 GMT+7

Cố nhạc sĩ Đức Phú pha trộn tài tình bolero trong tuồng cổ

Nhân chuyện nghệ thuật bolero được tôn vinh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại ở châu Mỹ, nhiều người mộ điệu cải lương nhắc về câu chuyện khai thác bolero sáng tạo ra bài bản tuồng cổ của cố nhạc sĩ Đức Phú.

Nghệ sĩ Võ Minh Lâm (bìa trái, vai Lương Sơn Bá) và nghệ sĩ Tú Sương (vai Chúc Anh Đài) trong vở cải lương Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài - Ảnh: LINH ĐOAN

Nghệ sĩ Võ Minh Lâm (bìa trái, vai Lương Sơn Bá) và nghệ sĩ Tú Sương (vai Chúc Anh Đài) trong vở cải lương Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài - Ảnh: LINH ĐOAN

Nhạc sĩ Đức Phú là soạn giả, nhạc sĩ cải lương tuồng cổ kỳ cựu. Ông là em ruột của nghệ sĩ Minh Tơ, là chú, là cậu của các nghệ sĩ Thanh Tòng, Xuân Yến, Thanh Loan, Công Minh, Thanh Sơn, Bạch Long, Thành Lộc...

Có thể nói nhắc đến gia tộc có đến 100 năm ăn cơm tổ nghiệp này thì không thể không nhắc đến nhạc sĩ Đức Phú. Ông có công lớn tạo ra những bài bản cải lương tuồng cổ, Việt hóa và làm mới âm nhạc tuồng cổ mà nhiều thế hệ sau này vẫn còn sử dụng.

Nhạc sĩ Đức Phú có trăm bài khai thác từ bolero

Trong các câu chuyện nghề của dân cải lương, người ta thường nghe nhắc đến tên của cố nhạc sĩ Đức Phú.

Nghệ sĩ Minh Phụng và Lệ Thủy thâu đĩa vở Kiếp nào có yêu nhau - Ảnh tư liệu

Nghệ sĩ Minh Phụng và Lệ Thủy thâu đĩa vở Kiếp nào có yêu nhau - Ảnh tư liệu

Một trong những câu chuyện thú vị là ông thường khai thác những bài hát thuộc dòng nhạc bolero để biến tấu, sáng tạo đưa vào âm nhạc cải lương tuồng cổ.

Nghệ sĩ Bạch Long bày tỏ sự thán phục với người cậu của mình. Anh nói: "Cậu Đức Phú của tôi, trong sự nghiệp âm nhạc của mình, ông khai thác rất nhiều bài hát thuộc dòng nhạc bolero, đôi khi có cả những bài… của nước Mỹ".

Anh cười cho biết tính sơ sơ có cả trăm bài nhạc tuồng cổ mà nhạc sĩ Đức Phú khai thác từ âm nhạc bolero. Khi đó, vị nhạc sĩ tài năng này lại không đặt tên bài, mà cứ ghi là Đức Phú 1, 2, 3...

Vì vậy sau này các nghệ sĩ gọi bài cũng dựa theo thói quen. Ông từng sáng tạo một bài bản từ bolero đưa vào tuồng Kiếp nào có yêu nhau để nghệ sĩ Minh Phụng, Lệ Thủy hát.

Một bài rất nổi tiếng khác mà các nghệ sĩ sau này quen gọi là Quân hành khúc trong tuồng Xa phu đi sứ mà khán giả chết mê chết mệt với cặp đôi Vũ Linh - Tài Linh.

Vở Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài bản tuồng cổ là do Đức Phú sáng tác.

Vì vậy ông đưa rất nhiều bài mới mà người ta gọi đại là bài Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài chia tay, Lương Sơn Bá lúc thổ huyết

Khán giả nghe riết tưởng là... bài bản cải lương

Nghệ sĩ Bạch Long cho biết thêm: "Trong Vương Thúy Kiều có một bài bản cải lương mới mang âm hưởng của bolero là bài Cây đàn bỏ quên.

Thật sự, khán giả nghe riết mà tưởng là bài bản cải lương vì cậu tôi vận dụng rất linh hoạt và sáng tạo. Thời cải lương bị hạn chế diễn tuồng Tàu, cậu Đức Phú đã hệ thống và sáng tạo ra rất nhiều bài bản mới trong vở cải lương tuồng cổ Câu thơ yên ngựa".

Vở Câu thơ yên ngựa mà Bạch Long nói đến được người trong giới xem là dấu mốc vượt bậc mà người ta vẫn nhắc như điển hình về việc xây dựng âm nhạc mới trong cải lương tuồng cổ.

Với vở này, nhạc sĩ Đức Phú đã được trao giải thưởng sáng tạo về âm nhạc.

Đây cũng là vở cải lương tuồng cổ sử Việt tiêu biểu của sân khấu cải lương mà nghệ sĩ Thanh Tòng mất nhiều tâm sức dàn dựng, là niềm tự hào của gia tộc tuồng cổ Minh Tơ - Thanh Tòng.

Đoàn tuồng cổ Minh Tơ mong khơi lại cảm hứng về sử ViệtĐoàn tuồng cổ Minh Tơ mong khơi lại cảm hứng về sử Việt

Tết này, trong khi các đoàn tuồng cổ chọn tuồng từ tích Tàu để đảm bảo an toàn phòng vé, duy nhất sân khấu Sen Việt và đoàn tuồng cổ Minh Tơ dám ra mắt vở sử Việt - Tô Hiến Thành xử án.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên