29/06/2020 12:05 GMT+7

Có nên 'đua' vào ngành công nghệ, ôtô?

T.NHÂN - V.HÀ - N.DIỆP
T.NHÂN - V.HÀ - N.DIỆP

TTO - Không hẹn mà gặp, mối quan tâm của học sinh ở hai đầu đất nước trong chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp diễn ra ngày 28-6 tại Cần Thơ và Hải Phòng đều gần như xoay quanh những ngành nghề công nghệ, kỹ thuật.

Có nên đua vào ngành công nghệ, ôtô? - Ảnh 1.

Khoảng 15.000 lượt học sinh, phụ huynh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Cần Thơ - Ảnh: DUYÊN PHAN

Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), thành đoàn, sở GD-ĐT các địa phương tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.

Ngành cung không đủ cầu

Phát biểu khai mạc ngày hội tại Cần Thơ, ông Dương Tấn Hiển - phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ - chia sẻ dù bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến thời gian chương trình bị dời lại nhiều lần, báo Tuổi Trẻ vẫn tích cực tổ chức Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2020, vừa đảm bảo thông tin cho thí sinh trước kỳ thi, vừa giữ gìn an toàn sức khỏe trước dịch bệnh.

Trong phần tư vấn chung diễn ra ngay sau lễ khai mạc, phần lớn các câu hỏi của học sinh là về các khối ngành công nghệ - kỹ thuật. Trước thắc mắc của thí sinh về ngành công nghệ ôtô, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - chia sẻ trong 3 năm nay, dường như có làn sóng "đua nhau" vào ngành công nghệ ôtô. 

Ông Dũng cho biết hiện nay hầu hết trường ĐH về kỹ thuật khu vực phía Nam đều có đào tạo về ngành ôtô, đi theo hai hướng: một thiên về kỹ thuật, máy động lực, một thiên về lắp ráp và dịch vụ. Tuy nhiên, ông lưu ý không ít trường ĐH tuyển sinh ngành này rất đông, có khi đến 1.000 em, dẫn tới không thể đảm bảo chất lượng.

Ông Đỗ Văn Giang - phó vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - cho biết theo đánh giá của ông, gần như 100% sinh viên theo học công nghệ ôtô tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có việc làm, thậm chí nguồn cung lao động ngành này không đủ nhu cầu của các doanh nghiệp. 

Ông Giang thông tin ngày 28-5 vừa qua, Công ty VinFast đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với năm trường CĐ nhằm triển khai mô hình liên kết đào tạo trình độ CĐ chuyên ngành cơ điện tử và kỹ thuật ôtô trên toàn quốc, tạo cơ hội mới cho các sinh viên theo hướng giáo dục nghề nghiệp.

Ngoài công nghệ ôtô, những lĩnh vực kỹ thuật khác cũng "hút hàng" học sinh đặt câu hỏi như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật y sinh... Bạn Nguyên Nhi - Trường THPT Châu Văn Liêm (Cần Thơ) - thắc mắc: phái nữ đi ngành kỹ thuật vật liệu có trở ngại gì không? 

PGS.TS Bùi Hoài Thắng - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM - cho biết ngành kỹ thuật vật liệu được đào tạo theo hướng rộng: sinh viên được trang bị đủ những kiến thức cơ bản các nhóm vật liệu chính như kim loại, polymer, composite... và các vật liệu tiên tiến như vật liệu bán dẫn, vật liệu siêu dẫn, vật liệu y sinh, vật liệu nano. 

Sinh viên tốt nghiệp có nhiều lựa chọn vào các công ty sản xuất, gia công vật liệu như kim loại, gốm sứ, nhựa; các công ty cơ khí sản xuất phụ tùng thay thế, vật liệu trang trí nội thất... Vì tính đa dạng của ngành, nữ sinh viên hoàn toàn không gặp bất lợi khi theo học. Hơn nữa, với tính tỉ mỉ, các sinh viên nữ còn được đánh giá cao hơn các bạn nam.

Muốn thiết kế mạch điện tử, ngành nào đào tạo?

Không mơ hồ chung chung, những câu hỏi của các bạn học sinh được đặt ra rất cụ thể ở chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Hải Phòng. "Cơ điện tử và công nghệ điện tử viễn thông giống nhau, khác nhau ở những điểm gì?" - một học sinh hỏi. 

Câu hỏi đã được PGS.TS Phạm Văn Thuần - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Hàng hải Việt Nam và PGS.TS Trần Trung Kiên - trưởng phòng tuyển sinh Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - giải thích. Nhưng bạn học sinh vẫn chưa thỏa mãn mà hỏi thêm rất kỹ. Em cho biết em muốn làm một công việc liên quan tới thiết kế mạch điện tử nhưng lại không biết ngành nào đào tạo và công việc đó có mặt ở những vị trí nghề nghiệp nào trong cuộc sống.

Nhiều học sinh khá bất ngờ khi nghe các thầy cô giải thích "thiết kế mạch điện tử" có thể làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhưng muốn thế, kiến thức, kỹ năng cần trang bị cũng đòi hỏi rất cao. Trong đó, để có cơ hội việc làm tốt, không chỉ kiến thức chuyên ngành mà còn cần cả kỹ năng mềm, tác phong, thái độ trong công việc.

Có thí sinh băn khoăn: "Em định thi ngành ngoại ngữ, nhưng giờ mọi người nói ngoại ngữ không phải là nghề, không nên thi?". TS Nguyễn Thị Cúc Phương, phó hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội, trả lời: "Nếu nói ngoại ngữ không phải nghề thì không đúng. Chừng nào các trường vẫn tuyển sinh ngành ngoại ngữ thì chứng tỏ xã hội rất cần. 

Ngành ngoại ngữ tuyển sinh tốt nhất hiện nay là Nhật, Hàn, Trung, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha... Chừng nào Việt Nam còn giao thương với thế giới thì vẫn cần ngoại ngữ. Sinh viên ngoại ngữ tỏa đi muôn phương, làm trong rất nhiều ngành nghề khác nhau".

Ngành lái tàu và đóng tàu không lo việc làm

PGS.TS Phạm Văn Thuần - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Hàng hải Việt Nam - cho biết: "Lương khởi điểm cho sinh viên ngành điều khiển tàu biển ra trường chỉ khoảng 12 triệu đồng, sau khi ra trường khoảng một năm lên sĩ quan, lương hơn 20 triệu đồng. Nếu được thăng cấp lên thuyền trưởng thì lương 4.000-5.000 USD là thường. Ngành đóng tàu đang trên đà hồi phục, sau COVID-19, có nhiều đơn hàng hơn. Riêng với hai ngành này không phải lo về việc làm". (NGỌC DIỆP)

Có nên đua vào ngành công nghệ, ôtô? - Ảnh 3.
Bất ngờ vì sinh viên nước ngoài đi tư vấn tuyển sinh Bất ngờ vì sinh viên nước ngoài đi tư vấn tuyển sinh

TTO - Sáng 28-6, tại Trường đại học Hàng Hải (Hải Phòng) diễn ra chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2020. Nhiều sinh viên nước ngoài tích cực khuấy động không khí tại gian tư vấn.

T.NHÂN - V.HÀ - N.DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên