11/05/2020 08:28 GMT+7

Cơ hội cải cách sau đại dịch

TS LÊ ĐĂNG DOANH
TS LÊ ĐĂNG DOANH

TTO - Trong nguy có cơ, trong họa có phúc, tình hình khó khăn này là cơ hội để đẩy mạnh cải cách, cắt giảm nhiều loại chi tiêu kém hiệu quả hay không thật cần thiết.

Cơ hội cải cách sau đại dịch - Ảnh 1.

Phải cắt giảm chi tiêu lãng phí. Trong ảnh: xe công chở cán bộ đi họp tại một thành phố - Ảnh: TỰ TRUNG

Đại dịch COVID-19 đã gây ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu nghiêm trọng nhất từ 1945 đến nay. Tăng trưởng GDP của kinh tế Mỹ quý 1 là -4,8%, của kinh tế Trung Quốc là -6,8%. Kinh tế Việt Nam cũng bị thiệt hại năng nề, nhưng GDP quý 1 vẫn tăng trưởng 3,82%, mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây.

Báo cáo Chính phủ ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến thu ngân sách năm 2020 sẽ giảm khoảng 130.000 - 150.000 tỉ đồng. Bộ Tài chính đã cắt giảm chi ngân sách cho đi công tác trong nước và ngoài nước.

Ngân sách bội chi từ nhiều năm, tỉ lệ chi thường xuyên tuy có giảm từ 70% tổng chi xuống còn 64% nhưng số chi tuyệt đối tăng lên không ngừng. Vấn đề mấu chốt là thiếu kỷ luật ngân sách, không loại trừ có tâm lý coi ngân sách là "tiền chùa". Khoản chi cao bất thường là "chiêu đãi", "lễ tân", đến mức có huyện nợ dân 50 tỉ đồng không trả được.

Để cắt giảm chi tiêu lãng phí, cần có quy định nghiêm về chi tiêu ngân sách nhà nước sử dụng để chiêu đãi, loại bỏ những chi phí không nằm trong dự toán. Bộ Tài chính và UBND các cấp cần có quy định chặt chẽ, cắt giảm tối đa các khoản chi này.

Nên xem xét cắt giảm chi phí trang hoàng, cổng chào, khẩu hiệu đường phố, cột đèn, gốc cây... Cần có nghiên cứu nghiêm túc về hiệu quả của các biện pháp này. Trên thế giới gần như chỉ Việt Nam có các khẩu hiệu đường phố như vậy, đường phố ở nhiều thành phố lớn Trung Quốc đã không thấy còn.

Tương tự, trang hoàng phòng họp, hội nghị cũng còn lãng phí, hình thức như đoàn chủ tịch tràn ngập hoa, bục phát biểu cũng có hoa, hàng ghế khách mời danh dự cũng có hoa, kết thúc phát biểu được tặng hoa...

Trước đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh và thế hệ kế tiếp không có những hình thức này mà người dân vẫn kính trọng.

Chế độ chuyên cơ cũng cần xem xét thay đổi theo hướng tiết kiệm hơn. Thực ra, chuyên cơ ở Việt Nam là máy bay của Vietnam Airlines được huy động, sắp xếp lại thành "chuyên cơ".

Nhưng vua Thụy Điển sang thăm Việt Nam cũng đi máy bay thương mại, quá cảnh ở Bangkok, được nhà vua Thái Lan mời ăn tại sân bay rồi lên máy bay của Vietnam Airlines sang thăm Việt Nam, không hề làm giảm vị thế của Thụy Điển.

Chế độ cấp thứ trưởng cứ đi máy bay là phải hạng thương gia, kể cả bay từ Hà Nội về Vinh là không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Các nước cơ bản đều quy định bay quá 8 giờ thì bay hạng thương gia để đến nơi có thể làm việc ngay, trong khi bay Hà Nội vào Tân Sơn Nhất mất 1 giờ 40 phút. Thường thấy nhân viên ra làm thủ tục trước tại quầy, chờ sẵn tại sân bay đưa vé, giấy mời vào phòng thương gia cho thủ trưởng, tốn kém cho văn phòng tiền xe cộ, nhân viên...

Bộ Tài chính từng thúc đẩy sửa đổi chế độ xe đưa đón tại nhà, chuyển sang trả phụ cấp vì việc duy trì số xe công đưa đón và đội ngũ lái xe gây chi phí lớn. Thực tế có không ít hiện tượng lạm dụng xe công đi ăn giỗ, đánh golf, tập gym... như báo chí đã đưa tin, cần sớm được khắc phục.

Với trình độ phát triển của các dịch vụ và công nghệ thông tin, không cần thiết để duy trì đội ngũ xe biển xanh với lái xe đồ sộ.

Cần đổi mới tư duy, thực sự học tập, noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh gần dân, tránh hình thức, phô trương, lãng phí, nhất là trong tình hình ngân sách rất khó khăn hiện nay. Rất mong các cấp lãnh đạo nêu gương, đi đầu trong tiết kiệm chi tiêu, khôi phục lại truyền thống tốt đẹp của Bác Hồ.

Ông Hà Đức Hùng (chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng):

Kiểm soát độ trễ chính sách

ong ha duc hung

Ông Hà Đức Hùng

Theo các DN, dẫu các chính sách hỗ trợ của Chính phủ có độ trễ nhưng trễ quá thì DN không được thụ hưởng bao nhiêu. Chẳng hạn việc gia hạn nộp thuế thì chính sách đi sau thời hạn cuối cùng nộp thuế của cơ quan thuế nên DN buộc phải nộp nếu không muốn bị phạt, giờ ra chính sách này thì một số DN không được hưởng.

Nếu các chính sách hỗ trợ nhà nước trễ quá thì DN sẽ kiệt quệ không gượng dậy nổi. Một số chính sách đến giờ này cũng chưa xuống được các DN.

Để hỗ trợ hội viên, hội chúng tôi đã tổ chức "Nhóm chia sẻ" gồm các DN thuộc các ngành bị ảnh hưởng trực tiếp để cùng nhau trao đổi thông tin, sáng kiến, cách làm hay, động viên nhau vượt khó. Chúng tôi kêu gọi các DN hội viên ưu tiên ủng hộ, sử dụng sản phẩm của nhau.

Tuy nhiên, các DN đề nghị Nhà nước nên xem xét miễn hoặc giảm thuế VAT cho DN từ 6 tháng đến 1 năm hoặc đến khi hết dịch để hỗ trợ sức tiêu thụ của thị trường chứ việc hoãn, giãn thì trước sau gì DN cũng phải nộp. Còn lãi suất ngân hàng phải giảm nhiều hơn nữa để khuyến khích đầu tư, tăng sức mua của toàn xã hội.

Tăng đầu tư công gắn với việc kiểm soát hiệu quả đầu tư công, biện pháp này là tạo thêm việc làm cho DN, người lao động, gián tiếp góp phần làm tăng sức mua của xã hội.

VIỆT HÙNG ghi

'Gỡ' tận gốc các khó khăn để 'cứu' doanh nghiệp sau đại dịch

TTO - Tập trung mọi nguồn lực, giải pháp để khôi phục và phát triển kinh tế TP không chỉ là “mệnh lệnh”, mà còn là yêu cầu cấp bách để vực dậy kinh tế TP, sớm đưa mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại quỹ đạo bình thường.

TS LÊ ĐĂNG DOANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên