12/09/2019 20:07 GMT+7

Có hay không cái gọi là ‘số phận’, 'vận may'?

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Mỗi ngày, chúng ta đưa ra hàng ngàn quyết định lặt vặt, ví dụ đặt vé máy bay vào giờ nào, có nên dừng lại mua ly cà phê trước khi đến chỗ làm không… Không ai nhận ra mỗi hành động đó đều có thể thay đổi tương lai.

Có hay không cái gọi là ‘số phận’, vận may? - Ảnh 1.

Khoảnh khắc mọi người tháo chạy khi hai tòa tháp WTC sụp đổ trong ngày 11-9-2001 - Ảnh: JOSE JIMENEZ / PRIMERA HORA

Hàng ngàn năm qua, con người gọi "vận may" và "số phận" bằng nhiều cái tên, thường thì gắn liền với bàn tay vô hình của đấng tạo hóa. 

Trong thần thoại Hy Lạp, ba nữ thần số phận Moirai dệt sẵn tương lai cho tất cả em bé mới chào đời, chúng sẽ phải sống đúng như vậy cho đến khi chết.

Đối với nhiều người, khái niệm "số phận" giải thích cho những thăng trầm, tai họa, và may mắn xảy ra tưởng như rất ngẫu nhiên trong đời. Nhưng ngẫu nhiên có thật là ngẫu nhiên?

Câu chuyện của những người sống sót sau vụ khủng bố ngày 11-9 ở Mỹ cách đây 18 năm sẽ khiến chúng ta ngẫm nghĩ.

Những quyết định nhỏ thay đổi tất cả

Đêm ngày 10-9-2001, trận đấu của đội bóng bầu dục New York Giants ở Denver (Colorado) kéo dài đến tận khuya khiến một nhóm dân New York đi làm trễ vào sáng hôm sau. Họ sống sót vì bỏ lỡ chuyến thang máy cuối cùng lên tầng cao nhất của hai tòa tháp Trung tâm thương mại thế giới (WTC).

Đầu bếp Michael Lomonaco làm việc trong khu ẩm thực Windows on the World của tòa tháp bắc WTC, ông thường có mặt ở chỗ làm vào lúc 8h30 sáng. 

Ngày 11-9, ông không đi thẳng mà dừng lại ở cửa hàng dưới chân tòa nhà để mua cặp mắt kính mới; ông sống sót, 72 đồng nghiệp của ông thì không.

Jared Kotz tham dự một hội thảo cũng trên tầng Windows on the World. Nhìn thấy một tờ thông tin chỗ quầy nhân viên bị thiếu, Kotz không nhờ họ mà tự quay về văn phòng để lấy.

"Tôi chào mọi người và nghĩ mình sẽ gặp lại họ trong 1 giờ hoặc ít hơn. Tôi bắt thang máy đi xuống… Tôi thấy đồng hồ chỉ 8h46, vẫn còn nhiều thời gian đi xuống phố trước khi hội thảo bắt đầu. Tôi đang nói chuyện với một đồng nghiệp ở London qua điện thoại thì nghe tiếng chiếc máy bay trên bầu trời" - ông nhớ lại.

David Kravette làm công việc môi giới trong Công ty tài chính Cantor Fitzgerald. Ông sống sót vì một khách hàng bỏ quên bằng lái xe và bị kiểm tra an ninh ở cửa ra vào. Thường thì ông sẽ cử trợ lý đi xuống nhưng vì cô này lúc đó đang mang thai hơn 8 tháng nên ông quyết định tự đi.

Kỳ lạ hơn nữa là trường hợp của cô Monica O’Leary, cũng một nhân viên của Cantor Fitzgerald. Cô sống sót vì công ty sa thải cô chưa đầy 24 giờ trước vụ khủng bố. 

Sau đó, O’Leary quay lại tiếp tục làm vì tất cả nhân viên phòng nhân sự - những người xử lý vụ sa thải - đều thiệt mạng, họ thậm chí chưa kịp gạch tên cô khỏi sổ nhận lương.

Có hay không cái gọi là ‘số phận’, vận may? - Ảnh 2.

Trong cảnh hỗn loạn của ngày 11-9, sự sống và cái chết đều là ngẫu nhiên - Ảnh: DW/DPA

"Phép màu" của số phận

Nicholas Reihner lẽ ra đã đáp chuyến bay American Airlines Flight 11 từ Boston đi Los Angeles sau kỳ nghỉ ở Maine, nhưng ông bị trặc cổ chân trong chuyến đi bộ đường dài ở thị trấn Bar Harbor nên trễ mất giờ bay.

Diễn viên hài Seth MacFarlane cũng cầm tấm vé khứ hồi về nhà sau khi biểu diễn ở Rhode Island, nhưng nhân viên phòng vé gõ nhầm giờ trên vé khiến ông đến trễ vài phút, không kịp lên máy bay.

Tại Lầu Năm Góc, chiếc máy bay thứ ba bị không tặc đâm trúng vào khu vực vừa được nâng cấp an ninh, tức nó được bảo vệ cẩn mật và ít người lai vãng. "Ở bất cứ chỗ nào khác của tòa nhà, luôn có khoảng 5.000 người làm việc" - ông Philip Smith, một sĩ quan quân đội Mỹ, mô tả.

Trung tá Rob Grunewald đang ngồi trong phòng họp với các đồng nghiệp khi chuyến bay American Airlines Flight 77 đâm vào tòa nhà. "Nó đâm ngay dưới chân chúng tôi, chỉ cách khoảng 1 tầng" - ông kể.

"Cách mọi người thoát ra khỏi căn phòng rất đặc biệt, vì những quyết định đó có thể cứu họ, khiến họ bị thương, thiệt mạng, hoặc gây ra sang chấn tâm lý. Một nhóm đồng nghiệp của tôi trong cuộc họp chạy về cùng một hướng và không ai sống sót. Hai người ngồi bên trái và phải của tôi chạy ra cửa, quẹo phải rồi cũng tử vong" - viên trung tá hồi tưởng lại hoàn cảnh sinh tử lúc đó.

Về phần mình, Grunewald dừng lại một phút để cứu đồng nghiệp Martha Cardin, do đó ông chậm hơn những người khác vài bước chân để thoát ra khỏi căn phòng đang sụp. Ông và bà Cardin quẹo trái thay vì phải - và quyết định đó cứu mạng sống cả hai người.

Có hay không cái gọi là ‘số phận’, vận may? - Ảnh 3.

Không ai biết được một quyết định nhỏ đưa ra vào giây phút nào đó sẽ thay đổi đời mình ra sao - Ảnh: NatGeo

Có hay không vận may?

Nhóm lính cứu hỏa do trung úy Jay Jonas chỉ huy sống sót sau cú sụp của tòa tháp WTC vì họ đưa ra quyết định chớp nhoáng lúc đang di tản là dừng lại để cứu một phụ nữ tên Josephine Harris. Nhờ vậy, cả nhóm ở đúng vào vị trí được che chắn bởi cầu thang B lúc hai tòa nhà đổ sụp xuống.

"Nhiều khoảnh khắc may mắn khiến bạn nhận ra cuộc sống ngẫu nhiên đến chừng nào. Người ta nói 'Ôi, bạn thật thông minh khi rời đi'. Ai biết được, tôi thông minh nên mới rời đi, nếu đi bằng thang máy tôi có thông minh hơn không? Có quá nhiều may rủi quyết định người nào sống, người nào chết" - bà Linda Krouner, giám đốc Hãng tài chính Fiduciary Trust ở tòa tháp nam WTC, rút ra từ trải nghiệm riêng.

Đó cũng là suy nghĩ chung của những người sống sót sau vụ 11-9.

Sĩ quan Mark DeMarco thuộc Sở Cảnh sát New York giãi bày: "Nếu tôi quẹo phải thay vì trái, nếu tôi chậm hơn vài phút, nếu tôi gia nhập một nhóm khác. Có quá nhiều khả năng, tất cả những ai có mặt ở đó đều sẽ nói: may rủi, không gì khác hơn là may rủi".

Số phận không chỉ cứu người, nó còn nguyền rủa. Chuyến bay của Jeremy Glick ngày 10-9 bị hoãn nên ông chuyển sang chuyến United Airlines Flight 93 ngày hôm sau; nữ tiếp viên Betty Ong có mặt trên chuyến bay American Airlines Flight 11 vì cô muốn gặp người chị để lên kế hoạch đi Haiwaii chơi...

Melissa Harrington Hughes có mặt ở tòa tháp bắc WTC trong chuyến đi công tác New York kéo dài chỉ 1 ngày; viên trung úy Mike Warchola của sở cứu hỏa New York leo lên được đến tầng 40 của tòa tháp bắc, ông chỉ còn phải làm việc thêm vài giờ trước khi nghỉ hưu sau 24 năm cống hiến…

Có thể nói, những lựa chọn bình thường, thời gian biểu, thay đổi trong thói quen sinh hoạt… đã quyết định ai sống, ai chết trong ngày 9-11.

Trong xã hội công nghệ ngày nay, con người cứ tưởng mình có khả năng kiểm soát cuộc sống, nhưng thật ra không ai nhìn thấy sự ngẫu nhiên của số phận, nó mới là thứ quyết định tất cả.

Nghệ sĩ Monika Bravo, người đã ghi hình đêm giông bão ở thành phố New York từ tầng 91 của tòa nhà WTC đêm trước ngày 11-9, dẫn một câu nói trong tiếng Tây Ban Nha: Uno Nunca Muere la Víspera. 

Nó có nghĩa là "Anh không thể chết lúc đang hấp hối. Anh chỉ chết khi thật sự phải chết. Anh không bao giờ ở gần cái chết. Anh chết hoặc anh sống". Nghe mơ hồ đấy nhưng cuộc sống này cũng còn quá nhiều bí ẩn khó giải thích được...

******

Bài viết của nhà báo người Mỹ Garrett M. Graff, tác giả quyển sách Chiếc máy bay duy nhất trên bầu trời: Lịch sử ngày 11-9 qua lời kể, đăng trên báo The Atlantic. Ông đã bỏ ra 3 năm để nghe hàng ngàn câu chuyện từ những người sống sót vụ khủng bố 11-9 để cho ra đời quyển sách của mình.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên