09/09/2019 09:49 GMT+7

Cô giáo Trà Thị Thu: 'Tắk Pổ cho tôi những trải nghiệm đẹp nhất'

THÁI BÁ DŨNG - VĨNH HÀ - H.THANH - Q.LINH
THÁI BÁ DŨNG - VĨNH HÀ - H.THANH - Q.LINH

TTO - Trà Thị Thu - cô giáo trên núi Ngọc Linh (xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) 'gây bão mạng' những ngày qua - đã nói như vậy khi kể về 5 năm lên với học trò Ca Dong và những ngày đầy kỷ niệm ở Tắk Pổ vừa qua.

Cô giáo Trà Thị Thu: Tắk Pổ cho tôi những trải nghiệm đẹp nhất - Ảnh 1.

Hình ảnh cô trò Trà Thị Thu trong lễ khai giảng được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội những ngày qua - Ảnh: NVCC

Cô giáo Trà Thị Thu và Riah Uối - hai nữ giáo viên trẻ đều chưa lập gia đình, người 25 tuổi, người mới 23 tuổi - những ngày qua đã "đốn tim" những người yêu mến cái đẹp và giá trị thực của nghề dạy học.

Ngay cả hai cô giáo này khi tổ chức một lễ khai giảng cho học trò cũng không thể ngờ rằng những hình ảnh của mình ghi lại khoảnh khắc đó lại lan tỏa và trở thành câu chuyện đẹp trong lòng nhiều người.

Mình còn trẻ, nếu thấy ở đâu khó khăn, đủ sức và có ham muốn đi tới thì cứ đi thôi. Đừng suy nghĩ quá nhiều bởi hạnh phúc ở đâu cũng sẽ có, mình tự tạo được niềm vui thôi.

Cô Trà Thị Thu

"Tôi chỉ muốn đi dạy"

* Hãy nhìn xem lũ trẻ, động tác của chúng, cách chúng chạy theo cô giáo trong bộ ảnh mà Thu chụp gây xôn xao những ngày qua... Dường như Thu giống một cô giáo trong bài thơ Đi học?

- Tôi rất có duyên khi "chơi" với trẻ con. Ngày trước khi quyết định chọn thi vào sư phạm, tôi cũng đã mường tượng rằng sau này mình sẽ trở thành một cô giáo. Mà phải là cô giáo mầm non mới được. Để sau này chơi với trẻ con cho... thỏa thích.

* Hành trình vào nghề dạy học của Thu ra sao?

- Tôi chọn học sư phạm tại tỉnh Quảng Nam và ra trường vào năm 2014, lúc ban đầu không có việc làm. Tôi chỉ muốn đi dạy và dù có đi nơi đâu thì được làm nghề giáo với tôi là tuyệt vời nhất. Nên mấy tháng sau khi đi làm công nhân, chị gái tôi - cũng là giáo viên dạy học ở huyện Nam Trà My - gọi điện hỏi tôi rằng "có chịu lên núi không?".

Chị bảo rằng có một ngôi trường mầm non đang cần giáo viên hợp đồng. Khi nói như vậy, chị cũng không quên "cảnh báo" những khó khăn sẽ rất khó tưởng tượng.

Nghe bảo có cơ hội đi dạy, tôi trả lời luôn cho chị gái mà không cần suy nghĩ. Tôi bảo rằng "đi chứ, cỡ nào cũng đi, khổ thế nào cũng không khóc, không... đòi về". Thú thực là lúc đó chỉ nghĩ mơ mộng về nghề giáo, muốn được đi dạy, muốn thành cô giáo của những đứa trẻ, chứ không hình dung được cảnh khó khăn thật như tôi trải qua mấy năm qua.

Khi tôi đồng ý thì chị gái dẫn tôi lên, điểm trường đầu tiên tôi đứng lớp chính là Tắk Pổ bây giờ. Nhưng lúc đó tôi trong diện hợp đồng khối mầm non, chứ không phải tiểu học như hiện nay.

* Những ngày đầu tiên của cô giáo ở ngôi trường trên núi Ngọc Linh thế nào?

- Đúng là giữa tưởng tượng và đời thực "khác nhau một trời một vực". Tôi dọn đồ đạc, chào ba mẹ rồi đón xe từ quê nhà ở huyện Thăng Bình, đi mất gần một ngày mới tới được trung tâm xã Trà Tập. Hôm sau, chị gái đưa một đoạn trước khi tôi lên Tắk Pổ một mình.

Trời lạnh như cắt. Đường lên trường lại không thể đi được bằng xe máy, tôi cõng đồ vịn lưng thầy giáo phụ trách điểm trường Tắk Pổ lúc đó để lò dò bước theo. Đi mãi gần tới trưa cũng tới được điểm trường.

Tới nơi, thấy mọi thứ quá tạm bợ. Thời tiết thì mưa ngày này qua ngày khác, dầm dề triền miên. Trường lớp nơi tôi và thầy giáo phụ trách tiểu học ở thì không có tôn, lợp lá tạm bợ, thưng bằng tre, nền đất. Mưa tạt vào lạnh buốt. Tôi cố gắng can đảm để tự bảo rằng đã hứa với chị gái là đi, là không khóc thì mình phải giữ lời. Nhưng đúng là khóc thật!

Cô giáo Trà Thị Thu: Tắk Pổ cho tôi những trải nghiệm đẹp nhất - Ảnh 3.

Hai cô giáo Trà Thị Thu và Riah Uối chụp hình cùng học sinh tại điểm trường Tắk Pổ trưa 6-9 - Ảnh: NVCC

Không bỏ cuộc!

* Năm 2014 Thu là cô gái 20 tuổi, lần đầu đi dạy, lại ở một điểm trường trên núi... Cô giáo có khóc và có lúc nào nghĩ rằng sẽ bỏ cuộc không?

- Khóc thì rất nhiều, nhưng nghĩ rằng bỏ dạy để về quê thì chưa bao giờ. Con gái mà, lại lần đầu xa nhà, phải dạy nơi heo hút, điều kiện cơ cực nữa. Bình thường có thầy phụ trách ở cùng thì không sao, nhưng cuối tuần thầy thường xuống núi về thăm vợ con, tôi phải ở lại một mình thì thấy tủi thân vô cùng.

Nhưng mà khóc xong lại tự nghĩ cái gì đó cho vui vui. Rồi đi bộ vào làng chơi với bà con, với lũ nhỏ. Dần dần thì quen và sau đó không còn khóc nữa.

Khóc nhưng chưa lúc nào tôi nghĩ tới việc bỏ dạy cả. Vì chuyện khó khăn cũng là đương nhiên, nơi nào cũng thế thôi, bao nhiêu người ra trường rồi đi dạy ở nơi còn khó khăn hơn mà họ vẫn làm được thì mình sao lại không? Hơn nữa nghĩ rằng mình còn trẻ, có khó khăn thì sau này mới có trải nghiệm để làm nghề cho vững hơn.

* Ở trường, các cô ăn uống, sinh hoạt thế nào?

- Tôi và các giáo viên khi lên điểm trường phải ở lại nhiều tuần, vài tuần lại gửi người dân xuống núi hoặc tự mình xuống núi mua đồ ăn, cá khô, gạo, mắm muối, đồ dùng cá nhân cõng lên tích trữ để dùng.

Các thầy cô ăn ở trong điểm trường, tự nấu ăn, nước thì dân bắt vòi lấy nước từ suối cho, củi thì tự kiếm. Điện ở các điểm trường giờ cũng đã cơ bản đầy đủ, có năng lượng mặt trời và có sóng điện thoại nên liên lạc ra ngoài cũng dễ.

Nhưng cái bất tiện nhất là đường sá, nếu ốm đau thì rất khổ. Nhẹ thì uống thuốc cảm mang theo, còn nặng phải nhờ dân làng khiêng xuống trạm xá dưới trung tâm xã.

* Có bao giờ cô suy nghĩ lại về quyết định lên núi dạy học không? Nếu có cơ hội, cô có quay về miền xuôi làm việc?

- Tôi thấy mình đã lựa chọn đúng và không một lúc nào thấy hối hận. Dù vật chất, điều kiện thiếu thốn nhưng được sống với bà con, với học trò nghèo mỗi ngày ở trên núi như thời gian qua thì không gì hạnh phúc bằng.

Mình còn trẻ, nếu thấy ở đâu khó khăn, đủ sức và có ham muốn đi tới thì cứ đi thôi. Đừng suy nghĩ quá nhiều bởi hạnh phúc ở đâu cũng sẽ có, mình tự tạo được niềm vui thôi.

Giờ tôi thấy mọi thứ mình đang có, đang hằng ngày ở đây là quá đủ rồi. Sau này, tôi cũng chưa từng nghĩ rằng mình có về dưới xuôi để được ở gần cha mẹ, gia đình hay không.

Làm con ai cũng muốn được ở gần cha mẹ, nhưng giờ có lẽ là lúc chưa nghĩ tới việc đó. Nhưng dù ở đâu, những ngày ở Tắk Pổ, ở Ngọc Linh này vẫn là những ngày tháng đẹp nhất, vui nhất, hạnh phúc nhất của nghề dạy học đối với tôi.

Tiến sĩ Phạm Tuấn Anh (phó cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục - Bộ GD-ĐT):

Cải thiện chính sách với nhà giáo ở vùng khó khăn

- Đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục công tác tại miền núi, vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng thêm một số chính sách ưu đãi như phụ cấp ưu đãi với mức cao hơn so với các nhà giáo công tác ở vùng thuận lợi.

Ngoài ra, họ được hưởng thêm một số chế độ phụ cấp, trợ cấp khác như phụ cấp thu hút, trợ cấp lần đầu, phụ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt, nước sạch, phụ cấp lưu động, trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, phụ cấp công tác lâu năm.

* Nhiều nhà giáo đã làm việc ở vùng khó khăn nhiều hơn thời gian 5 năm, trong khi phụ cấp thu hút chỉ có thời hạn 5 năm đầu tiên. Việc này Bộ GD-ĐT đã tham mưu để điều chỉnh chính sách này như thế nào nhằm khích lệ những nhà giáo tình nguyện dạy học lâu hơn ở vùng khó khăn?

- Trên thực tế có nhiều nhà giáo làm việc ở vùng khó khăn nhiều hơn 5 năm. Với tham mưu của Bộ GD-ĐT, từ năm 2013, những nhà giáo có thời gian công tác ở vùng khó khăn 5 năm và vẫn tiếp tục ở lại làm việc thì tiếp tục được hưởng phụ cấp thu hút theo nghị định số 19/2013/NĐ-CP ngày 23-2-2013 về sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 61/2006/NĐ-CP và thôi hưởng phụ cấp công tác lâu năm.

Đây là những nỗ lực nhằm cải thiện chính sách đối với nhà giáo công tác ở vùng khó khăn.

Ông Hà Thanh Quốc (giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam):

Các cô đã làm đẹp thêm nghề dạy học

Khi thấy hình ảnh ngày khai giảng của hai cô giáo ở điểm trường Tắk Pổ, tôi thực sự rất xúc động. Hình ảnh chụp cũng đẹp mà thấy sự yêu thương, tình cảm dung dị của cô trò lại càng đẹp hơn.

Bây giờ cuộc sống nhiều bon chen, ai cũng cố gắng tìm cho mình sự an toàn, đủ đầy, thuận lợi nhất, đặc biệt là nơi làm việc. Nhưng có những thầy cô giáo trẻ như Thu, Uối đã tình nguyện về điểm trường heo hút trên núi dạy học thì thực sự rất đáng khâm phục, các cô cũng đã làm đẹp thêm hình ảnh thánh thiện của nghề dạy trẻ.

Tôi cũng không hình dung được các cô trên đó đang ăn ở thế nào, rồi khi ốm đau làm sao có thể xuống được trạm xá trong khi đường thì phải đi bộ 2-3 tiếng, lại là phụ nữ nữa! Thương và xúc động lắm.

Tôi gọi cho hai cô rồi, tôi cũng sẽ lên thăm các cô, rồi sẽ có thư khen và gửi quà của tôi cho hai cô như để bày tỏ lòng trân trọng giữa những đồng nghiệp với nhau.

* Anh Bùi Quang Huy (bí thư Trung ương Đoàn, chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam):

Phát huy tinh thần tình nguyện, xung kích của người trẻ

Hình ảnh cô giáo Trà Thị Thu cắm bản ở điểm trường Tắk Pổ là một trong nhiều hình ảnh đẹp cho sự dấn thân, tinh thần xung kích, trách nhiệm của tuổi trẻ. Họ là những người trẻ tình nguyện đi vào địa bàn khó khăn, nơi biên giới, hải đảo xa xôi, trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuổi trẻ càng dấn thân, sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước sẽ càng có nhiều khởi sắc. Chúng ta cần ghi nhận và trân quý sự cống hiến đó của các bạn trẻ.

Thời gian qua, tổ chức Đoàn luôn xây dựng và thiết kế những chương trình, hoạt động vừa tạo lập được môi trường cho thanh niên rèn luyện và phát huy sở trường của mình, vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương, đơn vị. Trong đó tập trung các nội dung quan trọng như: học tập, nghiên cứu khoa học; lao động, sản xuất kinh doanh; bảo vệ Tổ quốc; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm an toàn giao thông, an sinh xã hội... Các giải pháp đó giúp thanh niên có cơ hội khẳng định bản thân, rèn luyện bản thân thông qua việc xung kích vào những việc khó, việc mới.

Đoàn có các dự án Làng thanh niên lập nghiệp, Đảo thanh niên thu hút thanh niên lên vùng biên giới lập nghiệp, kết hợp phát triển kinh tế với an ninh quốc phòng. Trước đó có chương trình đưa trí thức trẻ về công tác ở vùng sâu vùng xa hay phối hợp với Bộ Nội vụ triển khai dự án đưa trí thức trẻ tình nguyện về công tác, về làm phó chủ tịch xã ở những địa bàn miền núi, khó khăn, vùng sâu vùng xa nhằm phát huy tinh thần tình nguyện, dấn thân của người trẻ.

Tôi mong rằng không chỉ tổ chức Đoàn mà các cơ quan, ban ngành, các đơn vị luôn tạo điều kiện cho người trẻ khẳng định, dấn thân, để họ phát huy tốt hơn khả năng của mình ở những địa bàn còn gặp khó khăn.

* Anh Nguyễn Vũ Bảo Duy (Q.9, TP.HCM):

Dám hi sinh và chấp nhận gian khó

Câu chuyện hai cô giáo với 34 học sinh Ca Dong ở Nam Trà My (Quảng Nam) không chỉ đẹp, ý nghĩa, mà chính là ví dụ trực quan, sinh động cho bản chất của người trẻ: dám dấn thân, dám hi sinh và chấp nhận gian khó.

Giá trị của tuổi trẻ không nằm ở chức vụ, lương bổng bạn đang có, mà tôi cho rằng đó phải là bạn đang đóng góp được gì cho xã hội. Người trẻ hôm nay có quá nhiều mối quan tâm nên đôi khi quên mất rằng bản chất của tuổi trẻ vẫn còn đó, là dấn thân, là sẵn sàng chia sẻ cùng cộng đồng.

Tổ chức Đoàn có trách nhiệm trong việc tạo ra không gian, định hướng và gợi đúng lúc, đúng chỗ, các bạn trẻ sẽ thể hiện. Mà dấn thân ở đây phải là tiếp nối những gì cha ông đi trước đã làm, là quá trình lâu dài chứ không phải ngày một ngày hai.

* Chị Nguyễn Ngọc Bảo Quyên (Q.10, TP.HCM):

Cần chính sách động viên người trẻ dấn thân

Chắc không riêng tôi, mà bất cứ ai khi đọc được câu chuyện của hai cô giáo trẻ này đều sẽ rất khâm phục ý chí, nghị lực của các cô.

Có hàng chục, hàng trăm ngàn người trẻ vẫn hi sinh cả mùa hè để tham gia hoạt động tình nguyện ở những nơi còn nhiều khó khăn. Nên nếu đặt mình trong vị trí các cô giáo ấy, tôi tin sẽ vẫn có những bạn trẻ sẵn sàng lên đường, làm những việc mà các cô đã làm.

Tôi mong có những chính sách động viên người trẻ sẵn sàng dấn thân, chấp nhận hi sinh bởi lúc nào người trẻ cũng đầy năng lượng, khát khao được làm những điều hữu ích, đóng góp cho đời, mang lại giá trị cho cộng đồng.

Sẽ có Sẽ có 'ngôi trường cổ tích' ở Tắk Pổ

TTO - Câu chuyện đẹp về hai cô giáo trẻ cùng các học trò Ca Dong trên đỉnh Ngọc Linh gây xúc động mạnh những ngày qua đã có một kết cục 'đẹp như mơ': một ngôi trường mới với kiến trúc đặc biệt sẽ được xây dựng.

THÁI BÁ DŨNG - VĨNH HÀ - H.THANH - Q.LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên