16/11/2020 13:00 GMT+7

Cô giáo 31 năm gắn bó với học sinh khiếm thị

HOÀI NHI
HOÀI NHI

TTO - Biết tin cô xin chuyển công tác về trường khiếm thị, đồng nghiệp ai cũng ngăn cản, chỉ có chồng ủng hộ cô...

Cô giáo 31 năm gắn bó với học sinh khiếm thị - Ảnh 1.

Cô Trần Hồng Điệp chơi cùng các học sinh khiếm thị Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (Q.10, TP.HCM) - Ảnh: NHƯ HÙNG

Tận tụy, nhiệt huyết, có trách nhiệm, sống hết mình với nghề dạy học - đó là nhận xét của đồng nghiệp về cô giáo Trần Hồng Điệp, người đã mang tri thức và tình thương ấm áp đến với học sinh khiếm thị Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (Q.10, TP.HCM) suốt 31 năm qua.

Sau khi tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm ngành toán - lý, cô Hồng Điệp tham gia giảng dạy ở Trường THCS Thị trấn Củ Chi được 2 năm. Năm 1989, khi mới 24 tuổi, cô Điệp đến làm công tác từ thiện tại Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu và bén duyên với ngôi trường này từ đó.

Không chỉ là công việc

Ngày biết tin cô xin chuyển công tác về trường khiếm thị, đồng nghiệp ai cũng ngăn cản, chỉ có duy nhất người chồng ủng hộ quyết định của cô. Tuy nhiên, tính cô Điệp đã kiên quyết làm gì sẽ làm cho bằng được. 

Cô bộc bạch: "Tôi nghĩ mình phải làm những gì tốt nhất cho các học trò, mang tri thức quý giá để truyền thụ đến các em, những đứa trẻ vốn không có cơ hội học tập bình thường như các bạn khác. Chính nụ cười lạc quan của các em càng khiến tôi có thêm động lực gắn bó lâu dài, vượt lên trên cả công việc, đó là tình thương".

Lúc mới về trường, cô Điệp đã tự mày mò học chữ Braille (hệ thống chữ nổi dành cho người khiếm thị) suốt hơn một tháng. Những ngày đầu dạy học ở ngôi trường chuyên biệt chẳng dễ dàng với cô khi các em ở đây không đồng trang lứa. Đặc biệt có cậu học trò 15 tuổi mới được vào lớp 1.

"Em bị mù bẩm sinh nhưng lại không được can thiệp điều trị từ sớm dẫn đến xúc giác thiếu nhạy bén, gặp nhiều khó khăn để làm quen và tiếp thu chữ Braille. Tuy nhiên với sự kiên trì và quyết tâm của cô trò suốt 3 tháng, em đã tiến bộ rõ rệt, cảm nhận về xúc giác cũng dần được cải thiện. Thật vui vì cậu học trò đã được lên lớp 2" - cô Điệp nhớ lại.

Với năng lực chuyên môn cao, cô Điệp được tin tưởng phân công dạy môn vật lý bậc THCS. Vật lý là môn khoa học gắn liền với thực nghiệm, việc chỉ học lý thuyết suông mà không tiếp cận được thực tế sẽ rất khó để học tốt, nhất là với các em khiếm thị. Vì vậy, cô Điệp luôn suy nghĩ tìm tòi phương pháp hoặc cách dạy phù hợp, dễ dàng truyền đạt, trau dồi kỹ năng thực hành và củng cố kiến thức cho các em.

Cô Điệp cho biết học sinh khiếm thị rất vui khi được tự tay làm thí nghiệm. Cô vẽ sơ đồ nổi, các em quan sát và tự lắp mạch điện. Đặc biệt, cô Điệp đã áp dụng có hiệu quả phần mềm Quicktac - ứng dụng vẽ hình nổi trên máy tính - để vẽ sơ đồ mạch điện giúp các em khiếm thị học tốt môn vật lý.

Suốt 31 năm gắn bó với Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, với sự tâm huyết của mình, ngoài dạy học ở trường cô Điệp còn nhận chuyển tài liệu, đề cương, đề thi tiếng Anh từ chữ in sang chữ Braille và hỗ trợ công tác hòa nhập để các em khiếm thị học tập thuận lợi hơn.

Cô giáo 31 năm gắn bó với học sinh khiếm thị - Ảnh 2.

Cô Trần Hồng Điệp trò chuyện cùng các học sinh khiếm thị Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu đã hòa nhập - Ảnh: NH.H.

Hạnh phúc của người gieo hạt

Dường như sự khiếm khuyết của đôi mắt chưa bao giờ cản bước được các em trên con đường chinh phục tri thức. Điều này thôi thúc cô Điệp luôn muốn dành trọn tình yêu của mình cho nghề giáo. "Mỗi lần thấy các trò phải rất nhọc nhằn mới có thể hoàn thành các bài tập và học kỹ năng thực hành, tôi vừa thương vừa xót. Vậy mà những gương mặt ấy lúc nào cũng lạc quan, rạng rỡ, đầy hi vọng", cô Điệp xúc động.

Là đồng nghiệp với cô Hồng Điệp gần 10 năm, cô Tuyết Loan - giáo viên Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu - chia sẻ: "Cô Điệp hòa nhã, ân cần và dạy giỏi ở nhiều mảng. Năm ngoái trường thiếu giáo viên dạy trẻ đa tật, cô cũng theo sát và chỉ tận tình cho từng em. Bây giờ cô đã nghỉ hưu nhưng hễ khi trường có việc gì cần giúp, cô luôn nhiệt tình giúp đỡ. Tất cả các phong trào tổ chức trong trường cô đều tích cực kêu gọi mọi người tham gia".

Hiện tại, niềm hạnh phúc lớn nhất với cô Hồng Điệp là nhìn thấy các trò trưởng thành và thành đạt trong cuộc sống. Học sinh khiếm thị của cô đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng và thạc sĩ, có việc làm ổn định. Giờ đây, các em đã trở thành chuyên gia tâm lý, giáo viên dạy toán, tiếng Anh, tin học.

Ngoài thành tích học tập, các em còn tham gia hoạt động thể dục thể thao và giành nhiều giải thưởng ở các môn như thi đấu judo, bóng đá, cờ vua. Hạnh phúc của người "gieo hạt" không chỉ ở kết quả là "trái ngọt" mà còn ở toàn bộ quá trình, là khi chứng kiến các em lớn lên, phát triển tiến bộ từng ngày để có được thành công hôm nay.

Cô Hồng Điệp đã vinh dự được nhận Giải thưởng Võ Trường Toản, bằng khen của Công đoàn giáo dục Việt Nam, bằng khen của Liên đoàn Lao động TP.HCM, bằng khen của UBND TP.HCM, kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục, kỷ niệm chương Vì sự nghiệp công đoàn, giấy chứng nhận “Giỏi việc trường đảm việc nhà” giai đoạn 2016-2020 do Công đoàn giáo dục Việt Nam trao tặng.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy

Cô Kiều Nguyệt Hồng Liên - trưởng ban nữ công Công đoàn giáo dục TP.HCM, người đã nhiều lần làm việc và tiếp xúc với cô Hồng Điệp trong các phong trào thi đua khen thưởng cấp thành phố - cho biết cô Hồng Điệp là người tích cực, sáng tạo và năng động trong công việc. Đặc biệt, cô Điệp luôn chịu khó học hỏi ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy để giúp các em khiếm thị không bị thua thiệt so với những học sinh khác.

Giúp học sinh khiếm thị Giúp học sinh khiếm thị 'bắt' ánh sáng

TTO - Nhờ bộ thí nghiệm quang học của nhóm nghiên cứu Trường THCS-THPT Tân Phú (TP.HCM), học sinh khiếm thị có thể hình dung đường đi của tia sáng trong một số hiện tượng vật lý như khúc xạ ánh sáng, phản xạ ánh sáng.

HOÀI NHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên