16/10/2020 06:22 GMT+7

Cô gái một mình trong rừng Nghệ An đã học đại học ở TP.HCM như thế nào?

CÔNG TRIỆU
CÔNG TRIỆU

TTO - "Một đêm khuya mưa gió, bỗng có tiếng bước chân loạt xoạt sau vườn, càng lúc càng gần. Mình vùng dậy thủ sẵn khúc gỗ, co mình vào góc giường....".

Cô gái một mình trong rừng Nghệ An đã học đại học ở TP.HCM như thế nào? - Ảnh 1.

Tự học là cách Sương theo đuổi giấc mơ tươi sáng vào tương lai - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Hành trang rời xã Minh Sơn (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) vào nhập học của Trịnh Thị Thu Sương, tân sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, có ba chiếc áo ngả màu cùng vài triệu đồng mà làng xóm gom góp lại.

Trong căn phòng trọ ẩm thấp nằm trên đường Lê Văn Chí (Q.Thủ Đức, TP.HCM), đôi mắt cô gái tuổi 18 lần đầu đi ở trọ là nỗi nhớ ba, nhớ mẹ da diết.

Mọi chuyện rồi sẽ qua

Sương vốn có cha, mẹ và cuộc sống không hẳn quá khó như hiện tại. Sau đó, cha Sương mất do tai biến, mẹ vì vậy mà suy sụp, tinh thần không mấy tỉnh táo. Năm Sương học lớp 8, có ngày mẹ cô đi lượm chai bao rồi lạc đường hai ngày không về, còn bị người khác đi xe đụng phải. Vụ va chạm khá nặng, nhưng may mắn bà tỉnh lại.

Nghiệt ngã chưa thôi đeo bám gia đình khi cuối năm ấy, mẹ Sương bị xe tải tông và qua đời. "Đến nay mình vẫn chẳng dám nhìn lên bàn thờ mẹ. Hôm đó đi học về ngang lộ thì thấy mọi người vây kín mẹ..." - Sương khóc, kể lại.

Mồ côi cả cha lẫn mẹ, Sương về ở với bà ngoại (năm nay 91 tuổi). Đến lớp 9 thì Sương bắt đầu cuộc sống một mình trong căn nhà dột nát nằm nép mình bên một cây cổ thụ xung quanh là rừng cây, bụi rậm.

"Mọi chuyện rồi sẽ qua" là dòng chữ trên tấm ván để ở thành giường do Sương khắc lên, trong một lần cô tự trấn an mình. "Đó là đêm khuya mưa gió, bỗng có tiếng bước chân loạt xoạt sau vườn, càng lúc càng tiến gần. Mình vùng dậy thủ sẵn khúc gỗ, co mình vào góc giường. May nhờ tiếng sủa của chú chó Mai Mai, tiếng bước chân mới thôi" - Sương kể.

Đồng hành cùng Sương

Sương bảo ngoài đi học, ở lứa tuổi 13, việc chăm các chú chó là cách cô quên đi lo lắng. "Có đêm mưa to, gió thổi đập vỡ cánh cửa mục, tạo nên lỗ hổng đủ lớn để một người thanh niên có thể chui vào. Mình chỉ biết ôm Mai Mai mà khóc" - cô tâm sự. Sáng hôm sau, Sương sang nhà hàng xóm mượn búa, đinh và xin ít ván cũ về vá lại cái cửa.

Mỗi tháng Sương nhận được 405.000 đồng tiền trợ cấp mồ côi cha mẹ, chia ra mỗi ngày Sương ăn, tiêu trong 13.000 đồng. Số tiền ít ỏi đó không đủ chi tiền học phí và các khoản nợ. Sương kiếm việc làm thêm và trồng rau quanh nhà. Đói là chuyện thường với Sương. Có lần không còn tiền, cô ra chợ mua nợ 5 gói mì. Sương ăn nửa gói cầm cự, nửa kia cô pha thêm cơm nguội cho các chú chó. Bao nhiêu năm qua số cân nặng của Sương vẫn chỉ là 41kg. "Mua nợ miết cô chủ quen mặt, lúc nào cũng cho thêm, họ còn la sao không mua thịt, cá mà ăn. Nhưng tiền đâu mà mua, thịt đắt quá, cá thì cũng vậy" - Sương tâm sự.

Mùa mưa dầm miền Trung năm ngoái, có đợt Sương nhịn đói ba ngày liền. Những chỗ xin được cô đã xin, nợ được cũng đã nợ, bí đường cùng đã nghĩ đến chuyện bán chó. Thợ bắt chó cũng đã đến, nhưng phút cuối không cầm lòng, Sương phải xin lỗi người ta rồi ôm chầm "người bạn" từng an ủi cô mỗi đêm vào lòng. "Lúc đó mà bán chắc ân hận tới cuối đời mất" - mắt Sương nhòa lệ.

Với tổng ba môn khối D là 21,5 điểm, Sương trở thành tân sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Để lo tiền ăn học ở TP, hiện Sương cũng đã đi làm thêm cho một trung tâm gia sư tiếng Anh tại Q.Thủ Đức. Chú chó Mai Mai, Mốt Mốt cũng được Sương gửi lên nhà dì, nhà bạn chăm hộ.

Thấy hoàn cảnh của Sương, chị Đoàn Thị Hồng (22 tuổi, cùng quê Nghệ An) đã cho Sương ăn ở miễn phí tại nhà trọ của mình gần một tháng nay. "Tôi không thể hình dung nổi câu chuyện, cuộc sống của Sương khi ở quê. Phải nghị lực lắm em ấy mới có thể vượt qua hết mọi thứ. Và đó cũng là lý do tôi muốn đồng hành cùng em một đoạn nào đó" - chị Hồng nói.

Khắc ghi những ân tình

"Tháng 11-2019, chị Thu tạp hóa cho nợ 10 gói mì, cho 5 gói; Tháng 6-2020, dì Lương cho 10kg gạo; Tháng 8-2020, anh Việt cho 1 triệu 7". Không một cuốn sổ ghi chép, thế nhưng Sương vẫn có thể ghi nhớ tất cả những ai đã cho, đã giúp đỡ mình một cách đầy cụ thể, chi tiết.

Trong thâm tâm Sương, cô nói việc ghi nhớ này như cách cô ghi nhật ký. "Ghi để nhớ, để khắc ghi những giúp đỡ của mọi người trong lúc mình khó khăn. Và ghi cũng để lấy đó làm mục tiêu, động lực để học tập, để thành công quay trở lại giúp những ai cần như mình" - Sương quả quyết.

Tân sinh viên khó khăn hãy gọi Tuổi Trẻ

1.000 suất học bổng "Tiếp sức đến trường" thuộc chương trình "Vì ngày mai phát triển" của báo Tuổi Trẻ dành cho tân sinh viên hoàn cảnh khó khăn trúng tuyển đại học, cao đẳng năm học 2020-2021 trị giá 10 triệu đồng/học bổng và suất đặc biệt là 15 triệu đồng.

Báo Tuổi Trẻ rất mong bạn đọc giới thiệu những tân sinh viên học giỏi, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có nguy cơ bỏ học nếu không được tiếp sức kịp thời, qua địa chỉ email: tiepsucdentruong@tuoitre.com.vn hoặc điện thoại: 0283.997.3838.

Bạn đọc có thể đồng hành cùng báo Tuổi Trẻ ủng hộ kinh phí học bổng, chỗ ở, phương tiện học tập... cho tân sinh viên, giúp các bạn vững tin trong học tập.

Kinh phí học bổng chuyển về: Phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc Văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ các khu vực.

Chuyển khoản vào tài khoản báo Tuổi Trẻ số 113000006100, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM hoặc ví điện tử MoMo "Chung tay cùng Tuổi Trẻ". Nội dung chuyển tiền: "Ủng hộ học bổng Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên".

Cô gái một mình trong rừng Nghệ An đã học đại học ở TP.HCM như thế nào? - Ảnh 4.
Ứng trước học bổng Tiếp sức đến trường để tân sinh viên nhập học kịp thời Ứng trước học bổng Tiếp sức đến trường để tân sinh viên nhập học kịp thời

TTO - 3 tân sinh viên tới từ các thôn làng nghèo khó của tỉnh Quảng Nam tự tin bước vào giảng đường đại học, với hành trang tràn đầy nghị lực và sự nâng đỡ bước chân kịp thời từ bạn đọc báo Tuổi Trẻ.

CÔNG TRIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên