11/07/2023 15:09 GMT+7

Cô gái 28 tuổi tử vong sau 2 ngày điều trị thủy đậu

Ngày 11-7, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai thông tin mới đây tiếp nhận một nữ bệnh nhân được chuyển tới điều trị vì mắc thủy đậu. Do diễn biến quá nặng, người bệnh đã tử vong sau hai ngày điều trị.

Cụ thể, chị T.M. (28 tuổi, trú tại Hà Nội) mắc bệnh viêm cầu thận lupus đã được điều trị cách đây 1 tháng và mới ra viện được 10 ngày.

Đến ngày 2-7, chị M. đau nhiều ở vùng thắt lưng và cột sống nên đã vào Trung tâm Thận tiết niệu, Bệnh viện Bạch Mai điều trị với chẩn đoán đau lưng cấp. Ngày 5-7, các bác sĩ phát hiện chị M. có nốt phỏng nước ở mặt, lan xuống ngực, bụng nên đã chuyển Trung tâm Bệnh nhiệt đới bệnh viện để tiếp tục điều trị.

Theo bác sĩ Đỗ Duy Cường - giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, khi tiếp nhận, chị M. xuất hiện phỏng nước có chảy máu bên trong nốt phỏng ở vùng đầu mặt, nửa thân trên. Trong niêm mạc miệng có các điểm trợt chảy máu, các vị trí lấy máu tiêm truyền có hiện tượng chảy máu khó cầm.

Sau khi làm các xét nghiệm và thăm khám cần thiết, bệnh nhân được chẩn đoán bị thủy đậu, không rõ nguồn lây.

"Đến ngày 6-7, bệnh nhân vẫn tỉnh, đại tiểu tiện ra máu. Sáng 7-7, bệnh nhân bắt đầu có hiện tượng trở nặng như thở gắng sức, vận mạch leo thang, phải đặt ống nội khí quản, các bác sĩ giải thích cho gia đình tiên lượng tử vong là rất cao.

Đến khoảng 9h20 ngày 7-7, sau 3 tiếng đặt ống nội khí quản, bệnh nhân mạch chậm dần, khó bắt, huyết áp không đo được, sau đó tử vong tại viện vào lúc 9h23 cùng ngày", bác sĩ Cường thông tin.

Bác sĩ Cường cũng cho hay thời gian gần đây trung tâm tiếp nhận một số trường hợp mắc thủy đậu biến chứng rất nặng tới điều trị.

Trước đó, vào tháng 4, trung tâm cũng đã có một nam thanh niên mắc thủy đậu tử vong do chủ quan không đi khám sớm để được phát hiện và điều trị kịp thời. Ngoài ra, có một số bệnh nhân khác khi nhập viện khá nặng nhưng may mắn đã được cứu sống.

Theo bác sĩ Cường, hiện đã có thuốc trị đặc hiệu chống vi rút thủy đậu là Acyclorvir. Tuy nhiên, cần phải điều trị sớm trong những ngày đầu mới có hiệu quả. Điều quan trọng là phải theo dõi và phát hiện kịp thời các biến chứng, giữ gìn vệ sinh và tránh tự ý sử dụng các thuốc có thể gây bệnh nặng hơn.

Tiêm vắc xin thủy đậu để phòng bệnh

Bác sĩ Cường thông tin thủy đậu thường xảy ra rải rác quanh năm, đa số bệnh thường diễn biến lành tính tự khỏi sau khoảng 1-2 tuần. Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân có thể xảy ra biến chứng, nhẹ là nhiễm trùng da nơi mụn nước xuất hiện, nặng hơn có thể gây viêm phổi, viêm não...

Đặc biệt, phụ nữ mang thai bị thủy đậu ở 3 tháng đầu của thai kỳ có nguy cơ sẩy thai, hoặc khi sinh ra trẻ có thể mắc một số dị tật bẩm sinh.

Cách phòng ngừa bệnh thủy đậu hiệu quả hiện nay là tiêm phòng vắc xin thủy đậu. Trẻ có thể bắt đầu tiêm phòng từ 12 tháng tuổi hay bất kỳ ở lứa tuổi nào sau đó. Phụ nữ có kế hoạch sinh con nên tiêm phòng thủy đậu trước khi có thai ít nhất là 3 tháng.

"Hiện vắc xin phòng bệnh rất sẵn, trẻ nhỏ, người lớn hoàn toàn có thể tiêm phòng theo hướng dẫn. Tuy nhiên, có thể vì chủ quan hoặc vì giá cả vắc xin đắt đỏ nên nhiều người trì hoãn không tiêm, điều này là rất nguy hiểm", bác sĩ Cường khuyến cáo.

Nam thanh niên 32 tuổi tử vong do mắc thủy đậuNam thanh niên 32 tuổi tử vong do mắc thủy đậu

Một tháng gần đây Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận hàng chục bệnh nhân mắc thủy đậu vào điều trị, trong đó có nam thanh niên 32 tuổi tử vong do biến chứng của thủy đậu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên