01/05/2012 09:12 GMT+7

Cỏ dại và cánh đồng ngày mai

 QUỐC VIỆT
 QUỐC VIỆT

TT - “Nếu được mơ ước gì thì tôi chỉ có một ước mơ làm sao con mình đừng phải khổ giống cha mẹ!”. Lời trải lòng này là của anh công nhân Đỗ Duy Tấc, quê ở ấp 2, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai, đang vật vã mưu sinh trong xóm trọ ẩm thấp kề bên Khu công nghiệp Pou Yuen, TP.HCM.

Vì nội ngoại đều già yếu, cũng phải tất tả chạy vạy để nhóm lửa nồi cơm từng bữa, nên vợ chồng anh Tấc đành cắn răng dẫn con nhỏ đến TP.HCM làm công nhân. Đồng lương thợ thật khó để đủ sống ở thành phố này. Con họ cũng chẳng được công ty lo cho bất cứ chế độ gì. Bữa nào họ tăng ca, đứa bé lủi thủi chơi một mình trong phòng trọ. Tháng nào công ty ít việc, họ tranh thủ kiếm mớ rau bán thêm ở chợ đêm công nhân, thì bé cũng lầm lũi ngồi đợi khách với cha mẹ. Những tối mưa gió, ế ẩm, cháu co ro ngủ gục ngay bên rổ rau... Nhưng ở xóm trọ công nhân nghèo này đâu chỉ con của anh Tấc, mà còn có hàng trăm đứa trẻ đồng cảnh khác. Và bên khu công nghiệp, nhà máy nào không có những xóm trọ, phận người như vậy!

Hình ảnh dễ nhận ra con em công nhân là các bé thường gầy xanh và nhếch nhác vì phải sống trong phòng trọ ẩm thấp, thiếu bàn tay chăm sóc. Đặc biệt là tuổi đi học nhưng nhiều em vẫn như cỏ dại lủi thủi trong xóm trọ do cha mẹ thiếu điều kiện cho con đến trường. Ngay cả những đứa trẻ được gửi lại quê với ông bà cũng chịu nhiều thiệt thòi khi cha mẹ phải xa con để tất tả kiếm miếng ăn phương xa. Rồi lớn lên một chút, bao em đã phải sớm ra đời bán vé số, nhặt rác và làm những việc bấp bênh chẳng biết ngày mai sẽ thế nào...

Trong năm nhiều lễ tết để nghỉ ngơi, vui chơi, nhưng có lẽ ngày 1-5 là ngày ý nghĩa nhất với công nhân. Bởi Ngày quốc tế lao động này không do truyền thống để lại cũng chẳng phải ai định đặt, mà được chính người lao động giành lấy cho mình. Thế kỷ 19 bùng nổ cuộc đấu tranh giữa người lao động và giai cấp tư bản ở nhiều quốc gia. Ngày 1-5-1886, đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ ra nghị quyết từ thời điểm này, công nhân sẽ được làm việc tám giờ mỗi ngày. Tuy nhiên, nhiều nhà tư bản không đồng ý và các cuộc đấu tranh của công nhân đã nổ ra quyết liệt khắp nơi. Từ đó, phong trào Quốc tế cộng sản nhóm họp tại Paris đã quyết định lấy ngày 1-5 là ngày biểu dương lực lượng, đấu tranh của giai cấp vô sản. Đó chính là Ngày quốc tế lao động.

Trở lại ngày này năm 2012 trong cuộc suy thoái kinh tế, người lao động lại càng nặng bao bức xúc, trăn trở. Họ đau đáu mong công việc đừng mất; bó rau, con cá, lít xăng không đắt đỏ thêm; điện, nước, trọ phí đừng tăng giá đến mức đồng lương không thể còn chịu đựng nổi...

Và trong bao trăn trở đó có những nỗi lòng nghe đau thốn tim, cay xè ở mắt. Đó là ước nguyện của anh công nhân Đỗ Duy Tấc mong sao đời con không phải tiếp tục khổ như mình. Đó cũng chính là ước nguyện của hàng vạn công nhân làm cha làm mẹ mà không thể lo nổi tương lai đàng hoàng hơn cho con.

Ngày 1-5, nghĩ về người lao động, xin hãy nghĩ thêm, lo thêm cho con em họ đang chịu quá nhiều thiệt thòi. Xin đừng để các em như cỏ dại mặc cho gió đùa đẩy xô. Cánh đồng nào ngày mai mà chẳng được quyết định bởi chính ngọn mầm từ hôm nay.

 QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên