17/04/2006 18:41 GMT+7

Có cứu được nhà vườn Huế?

Theo Lao Động
Theo Lao Động

Một niềm hy vọng cho tình trạng "chảy máu", xuống cấp và "biến mất"... nhà vườn Huế từ nhiều năm nay đã được thắp lên khi mới đây, HĐND tỉnh TT-Huế đã thông qua đề án "Chính sách bảo vệ nhà vườn Huế giai đoạn 2006-2010", với tổng kinh phí 20 tỉ đồng.

pKb5cC8s.jpgPhóng to
Nhà vườn Huế sẽ không còn bị "xẻ thịt"?
Một niềm hy vọng cho tình trạng "chảy máu", xuống cấp và "biến mất"... nhà vườn Huế từ nhiều năm nay đã được thắp lên khi mới đây, HĐND tỉnh TT-Huế đã thông qua đề án "Chính sách bảo vệ nhà vườn Huế giai đoạn 2006-2010", với tổng kinh phí 20 tỉ đồng.

Không phải nhà vườn nào cũng được bảo vệ!

Ông Nguyễn Xuân Lý - Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế cho biết: "Đề án "Chính sách bảo vệ nhà vườn Huế giai đoạn 2006-2010" chỉ hỗ trợ bảo tồn, tôn tạo và khai thác có chọn lọc, tập trung các nhà vườn có kiến trúc truyền thống, các nhà vườn cảnh quan và nhà vườn kinh tế sinh thái, có diện tích đất tối thiểu 300m2 trong 4 phường kinh thành và 600m2 ở các vùng ngoại thành.

Đặc biệt, sẽ ưu tiên cho nhà vườn ở các địa bàn, tuyến phố, khu vực có khả năng khai thác hoạt động dịch vụ, du lịch. 5 năm trước mắt, chỉ tập trung hỗ trợ cho khoảng 150 nhà".

Theo đề án, 150 nhà vườn chọn trong đợt này sẽ được những ưu đãi gồm: Cho vay ưu đãi khoảng 70% vốn trùng tu. Đối với những nhà vườn tiêu biểu, nhất thiết phải trùng tu thì có thể hỗ trợ vốn, nhưng không quá 100 triệu đồng/nhà. Các hộ có nhu cầu lập vườn, sẽ hỗ trợ 100% tiền mua cây giống. Các hộ nằm trong danh sách được duyệt nếu có nhu cầu về đất ở hoặc nhà ở sẽ được xem xét giao đất ở, giao nhà ở chung cư hoặc đổi đất phù hợp.

Đối với những nhà tiêu biểu nhưng chủ nhân không có khả năng để giữ, Nhà nước có thể mua lại (toàn bộ hoặc một phần) theo mức giá thị trường. Đối với các nhà vườn hoạt động kinh doanh ẩm thực Huế, ca nhạc truyền thống Huế, dịch vụ lưu trú tại nhà vườn có thời hạn trên 1 năm được hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ để xây mới nhà vệ sinh và trang bị phòng ngủ cho khách lưu trú. Các nhà vườn có nhu cầu vay vốn kinh doanh, có phương án kinh doanh hiệu quả sẽ được xem xét cho vay vốn kinh doanh từ quỹ bảo tồn nhà vườn và không tính lãi suất.

Phải phát huy vai trò quản lý của Nhà nước

Ông Đào Chuẩn - Phó Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh TT-Huế nói: "Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị nhà vườn Huế phải có tính nhất quán. Bởi không giống như những công trình kiến trúc của quần thể di tích Huế, nhà vườn Huế là tài sản riêng của một cá nhân, nhưng về ý nghĩa văn hoá lại có tính chất là tài sản chung của cộng đồng, dân tộc. Vì vậy, chính sách trên của tỉnh TT-Huế phải đảm bảo lợi ích chính đáng của chủ nhân nhà vườn, nhưng đồng thời phải phát huy được vai trò quản lý, chế tài của Nhà nước đối với nhà vườn".

Về diện tích nhà vườn, nhiều ý kiến cho rằng không nên quy định cứng nhắc diện tích tối thiểu phải là 300m2 hay 600m2, vì thực tế ngôi nhà cổ thường có giá trị văn hoá nhiều hơn là vườn. Mặt khác, việc quy định diện tích tối thiểu sẽ dẫn đến những quan niệm không chính xác về nhà vườn Huế cũng như những ứng xử không hợp lý đối với nhà vườn Huế sau này (tạo điều kiện cho các chủ nhà vườn có vườn rộng xé lẻ đất vườn để bán).

Nhiều ý kiến cũng đề nghị UBND tỉnh TT-Huế nên tham khảo kinh nghiệm của Hội An về chính sách bảo vệ nhà cổ, để xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung đối tượng nhà vườn Huế vào diện xét miễn, giảm tiền sử dụng đất như địa phương này đang áp dụng.

Và để thực hiện được thành công đề án nói trên, ông Đào Chuẩn kiến nghị: "Từ tình hình và kết quả thực hiện các hoạt động bảo tồn, tôn tạo nhà vườn Huế của UBND thành phố Huế và các ban ngành trong những năm qua (thất bại nhiều hơn thành công - PV), UBND tỉnh cần hình thành một bộ máy thực hiện đề án với một cơ cấu tổ chức hợp lý, cơ chế hoạt động linh hoạt và có trách nhiệm".

Theo Lao Động
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên