05/08/2021 09:21 GMT+7

Chuyến xe nghĩa tình của chàng trai Quảng Bình

QUỐC NAM
QUỐC NAM

TTO - Cuối tháng 7, đoàn cán bộ y tế của tỉnh Quảng Bình đã chính thức lên đường vào TP.HCM hỗ trợ chống dịch. Đoàn này đi trên một chiếc xe giường nằm.

Chuyến xe nghĩa tình của chàng trai Quảng Bình - Ảnh 1.

Trí sau một ngày quần quật với những chuyến xe chở ca bệnh COVID-19 trở về - Ảnh: L.T.

Theo sát ngay sau chiếc xe này là một chiếc xe cấp cứu 115 mang biển số Quảng Bình, do chàng trai người Quảng Bình mới 24 tuổi tên Đặng Minh Trí cầm lái cũng đang hướng vào Nam.

Kiếm tiền cũng cần, nhưng vùng dịch cần xe này hơn

Trí không phải là nhân viên y tế của bất cứ cơ sở y tế nào. Trí chỉ là lái xe của một công ty gia đình chuyên về cấp cứu tại TP Đồng Hới. Nhưng khi nghe TP.HCM và các tỉnh phía Nam đang bùng dịch dữ dội, Trí nhất quyết xuống Sở Y tế xin vào Nam hỗ trợ. Và Trí được ghép luôn vào đoàn cán bộ y tế của Quảng Bình vào Nam lần này.

Trí nói mình vào TP.HCM lần này không hẹn ngày về. Trí quyết định đi là xác định luôn ở dài ngày vì biết tình hình dịch ở các tỉnh phía Nam đang rất căng thẳng. 

Chiếc xe cấp cứu 115 là xe của gia đình Trí lâu nay sử dụng để chạy dịch vụ cấp cứu ở Quảng Bình. Nhưng Trí nói với ba rằng thời điểm này việc hỗ trợ chống dịch quan trọng hơn việc chạy dịch vụ kiếm tiền. Ba Trí nghe con nói có lý liền gật đầu cái rụp. Ông còn xung phong đi cùng con chuyến này.

Cả nhà Trí có 4 người. Người chị gái hiện sống ở Đà Nẵng. Nhưng hai cha con Trí vẫn quyết đi vào TP.HCM hỗ trợ chống dịch. Vì việc cha con Trí làm quá ý nghĩa, người mẹ cũng ủng hộ hết lòng dù sẽ ở nhà một mình thời gian dài.

Sáng 29-7 hai cha con Trí đã vào đến TP.HCM. Vừa đến nơi, hai cha con Trí cùng chiếc xe cấp cứu đã lao vào hỗ trợ cơ quan y tế TP.HCM chở vật tư y tế cũng như chở người bị F0, F1 đi chữa trị và cách ly. Trí thấy hạnh phúc vì được hỗ trợ cộng đồng theo khả năng của mình.

"Mùa này như mọi năm xe cấp cứu của gia đình tôi chạy dịch vụ liên tục. Nhưng đây là lúc người dân miền Nam cần chiếc xe này hơn", Trí nói.

Khi nào hết dịch tôi về...

Vào vùng dịch không phải Trí không lo. Nhưng Trí nói mình nhận được rất nhiều lời động viên cổ vũ từ gia đình, người yêu và bạn bè cũng như từ cộng đồng. Những lời cổ vũ động viên đó đã cho Trí thêm sức mạnh. Trí càng thấy việc mình làm có ý nghĩa hơn.

Đây không phải là lần đầu Trí cùng chiếc xe cấp cứu của gia đình lao vào vùng dịch hỗ trợ chống dịch. Giữa tháng 5 vừa qua, Trí đã bắt đầu cho chuỗi ngày "lang bạt" khi chạy xe cấp cứu của mình vượt gần 600km ra vùng dịch Bắc Giang hỗ trợ. Đó là những ngày Bắc Giang đang là tâm dịch của cả nước. Suốt 2 tháng ở vùng dịch Bắc Giang, Trí đã hỗ trợ ngành y tế tỉnh này thực hiện hàng trăm chuyến xe chở các ca nhiễm, nghi nhiễm đến các khu điều trị.

Khi tình hình dịch tại Bắc Giang được kiểm soát, chính quyền tỉnh này chuyển qua trạng thái ổn định sau dịch, Trí mới về lại Quảng Bình. Vừa thực hiện xong 14 ngày cách ly, Trí tiếp tục lên đường vào TP.HCM hỗ trợ chống dịch. 

Trí đã trải qua 5 lần xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Bắc Giang và trước khi về Quảng Bình. Kết quả đều cho âm tính. Về lại Quảng Bình, Trí cũng đã xét nghiệm thêm 2 lần trong thời gian tự cách ly tại nhà và đều cho kết quả âm tính trước khi lên đường vào TP.HCM.

Sau thời gian tham gia chống dịch tại Bắc Giang, Trí đã có chút kinh nghiệm về công tác chống dịch cũng như việc vận chuyển bệnh nhân F0. Nhưng Trí cũng biết "cuộc chiến" chống dịch lần này ở TP.HCM sẽ căng thẳng và kéo dài hơn cuộc chiến ở Bắc Giang rất nhiều. 

"Hiện TP.HCM số ca nhiễm mỗi ngày lên đến hàng ngàn, gấp nhiều lần thời điểm dịch bệnh đạt đỉnh ở Bắc Giang. Địa bàn cũng rộng và phức tạp hơn. Nhưng tôi đã quyết định đi thì chỉ cần biết là hỗ trợ hết sức", Trí nói.

Hỏi Trí dự kiến đi chuyến này trong bao lâu? Trí cười: "Khi nào các tỉnh phía Nam hết dịch tôi sẽ về".

Bằng khen cho tấm lòng nghĩa hiệp

Sau hai tháng hỗ trợ chống dịch tại Bắc Giang, Trí nhận được nhiều lời động viên của cộng đồng, nhất là trên mạng xã hội. Ghi nhận công lao và lòng nhiệt huyết của Trí, ông Lê Ánh Dương - chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - đã trao tặng bằng khen cho Đặng Minh Trí vì "Đã có đóng góp tích cực, ủng hộ công tác phòng chống bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang".

Trí nói phần thưởng lớn nhất của mình là những vùng quê không còn dịch bệnh.

Xung phong vào Xung phong vào 'vùng đỏ' để hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19

TTO - Đó là câu chuyện của gần 30 sinh viên Trường cao đẳng Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) tình nguyện tham gia Đội tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 ở TP.HCM mới đây.

QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên