01/05/2020 14:28 GMT+7

Chuyển việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho ngành công an: Nên hay không?

DANH TRỌNG
DANH TRỌNG

TTO - Nhiều chuyên gia cho rằng không nhất thiết phải chuyển việc sát hạch, cấp, đổi và thu hồi giấy phép lái xe cho ngành công an phụ trách thay Bộ Giao thông vận tải vì sẽ thiếu khách quan và tạo ra nhiều xáo trộn.

Chuyển việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho ngành công an: Nên hay không? - Ảnh 1.

Sát hạch lái xe tại Trung tâm sát hạch lái xe - Ảnh: LONG HOÀNG

Mới đây, trong dự thảo Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), Bộ Công an đề xuất chuyển việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) cho Bộ Công an phụ trách, thay vì Bộ Giao thông vận tải (GTVT) như hiện nay.

Bộ Công an sẽ đưa ra các giải pháp để thực hiện đề xuất trên như tăng cường xã hội hóa công tác đào tạo lái xe; nâng cao chất lượng chương trình, nội dung đào tạo; giám sát chặt chẽ và ứng dụng công nghệ để hạn chế sự can thiệp của con người vào việc sát hạch.

Trước đề xuất trên, ông Nguyễn Văn Quyền, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng không nhất thiết phải chuyển lĩnh vực trên về Bộ Công an.

"Sẽ thiếu khách quan nếu một đơn vị vừa cấp bằng lái, vừa quản lý, giám sát lại thêm xử phạt", ông Quyền nói.

Ông Quyền lý giải ngành giao thông vận tải quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch và cấp bằng lái; Bộ Y tế ban hành quy định về quản lý sức khỏe tài xế; Bộ Công an kiểm tra, xử phạt vi phạm trên đường.

Ba bộ đã được phân định rõ ràng nhiệm vụ, trách nhiệm, như vậy sẽ không có sự chồng chéo; mọi khâu sẽ minh bạch hơn.

Cùng quan điểm trên, ông Bùi Danh Liên, phó chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, cũng cho rằng không nhất thiết phải chuyển hoạt động sát hạch, cấp GPLX cho ngành công an vì có thể tạo ra nhiều xáo trộn.

"Việc đào tạo, sát hạch lái xe hiện còn nhiều vấn đề. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là làm sao nâng cao chất lượng bằng việc công khai, minh bạch, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, thay vì tranh luận bộ, ngành nào sẽ quản lý", ông Liên chia sẻ.

Trong khi đó, đại diện Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an cho rằng việc này nhằm phân định rõ nhiệm vụ, trong đó công an sẽ chịu trách nhiệm về lĩnh vực đảm bảo an toàn giao thông, quản lý người lái và phương tiện, còn ngành giao thông tập trung về đầu tư, phát triển hạ tầng, xây dựng cầu, đường.

Trước băn khoăn về việc thay đổi cơ quan chịu trách nhiệm sát hạch, cấp GPLX sẽ làm phát sinh chi phí, nhân lực, đại diện Cục Cảnh sát giao thông khẳng định trước đây ngành công an từng phụ trách và hiện nay vẫn đang tổ chức sát hạch GPLX cho lực lượng công an nhân dân nên đã có kinh nghiệm. Cơ sở vật chất là các sân sát hạch của trường công an, của Cục Cảnh sát giao thông sẽ được tận dụng.

Cùng với đó, sát hạch viên sẽ là cán bộ công an, hiện ngành công an đã triển khai lực lượng tới bốn cấp, do vậy về cơ bản không làm tăng biên chế, chỉ cần bồi dưỡng, tập huấn.

Hơn một nửa giáo viên thực hành lái xe không có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học Hơn một nửa giáo viên thực hành lái xe không có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học

TTO - Không có chứng chỉ ngoại ngữ và tin học sẽ không đạt chuẩn giáo viên thực hành lái xe. Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đề nghị bỏ chứng chỉ trên.

DANH TRỌNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên