17/06/2022 09:40 GMT+7

Chuyện những bệnh nhi không có nghỉ hè

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TTO - Không còn cắp sách đến trường, tháng 6 mùa hè của nhiều bệnh nhi ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM chẳng hề hào hứng như bao bạn bè đồng lứa.

Chuyện những bệnh nhi không có nghỉ hè - Ảnh 1.

Minh Trí (17 tuổi) và Thảo Vy (8 tuổi) đã thân thiết như anh em kể từ khi cả hai cùng nhập viện điều trị căn bệnh ung thư quái ác - Ảnh: VŨ THỦY

Hè với các bạn nhỏ ấy cũng như bao ngày khác, vẫn chỉ là những ngày ra vào viện, chiến đấu với cơn đau. Với cậu bạn Hà Hoàng Minh Trí (17 tuổi), ngụ huyện Hóc Môn (TP.HCM), mùa hè đã trôi mất từ cách đây ba năm kể từ khi Trí biết mình mắc căn bệnh u não.

Những niềm vui bé nhỏ

Đợt xạ trị lần này kéo dài đến hơn một tháng, Trí vô năm toa thuốc liên tiếp nên đầu đã trọc lóc. Minh Trí ngồi trên giường bệnh vui vẻ giỡn hớt với Thảo Vy (8 tuổi), một bệnh nhi ung thư khác vừa mới theo mẹ từ quê Khánh Hòa lên tái khám. Mắc căn bệnh ung thư khi còn chưa đi học ngày nào nên Vy chưa biết trường lớp là gì, cũng chưa từng biết nghỉ hè là như thế nào.

"Lần nào gặp lại nhau tụi nhỏ cũng mừng lắm. Đâu có đi học gì đâu nên vào bệnh viện mới có bạn bè. Nhưng mà lịch đi khám mỗi đứa mỗi khác, chỉ khi nào ở lại điều trị lâu mới gặp được. Hai đứa này nhập viện chung đợt nên thân quen tới giờ" - bà Trần Thị Mến (63 tuổi), bà ngoại Minh Trí, kể.

Hai đứa trẻ, một đứa 17 tuổi, một đứa 8 tuổi, cách nhau đến 9 tuổi nhưng dường như chẳng phải vấn đề gì to tát. Đứng bên cạnh dõi theo cháu, giọng bà ngoại Trí có chút nghèn nghẹn: "Cháu nó bị u não nên tính tình như con nít 7-8 tuổi, nhiều khi nhớ nhớ quên quên". Ấy vậy mà đó lại là cái may của cậu bé. Bởi rất nhiều đợt vào viện điều trị, nếu không nói chuyện, chơi đùa được với các em bé nhỏ hơn, cậu bé ở tuổi thiếu niên cũng chẳng có nhiều niềm vui.

Với các bé bệnh nhi, những giây phút mạnh khỏe, không đau đớn để đùa giỡn với các bạn cùng phòng đã là một may mắn. Nằm trên giường, cô bé Trần Thị Khánh Hồng (12 tuổi), quê Bình Thuận, co người lại vì cơn đau bụng quằn quại. Cũng giống như Thảo Vy, Hồng chưa từng đi học nên cũng không biết mùa hè là gì. 5 tuổi, trẻ em trong xóm bắt đầu đi mầm non thì Hồng cũng lần đầu tiên đi bệnh viện điều trị căn bệnh ung thư máu. Lần điều trị đầu tiên kéo dài đến tận bốn năm rồi mới vào giai đoạn duy trì.

"Sức khỏe bé yếu, phải đều đặn từ quê lên viện tái khám. Bé lại lớn hơn các bạn rất nhiều, đầu trọc lóc nên tôi chỉ cho đi học cô ở ngoài chứ không nhập trường", chị Nguyễn Thị Kim Phúc - mẹ bé Hồng - kể. Niềm vui của Hồng những ngày dài trong viện là vẽ tranh. "Ngày nào khỏe là con vẽ. Hồi xưa chưa có dịch thì cô Phấn (cô giáo phụ trách lớp học chữ cho bệnh nhi tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM) hay cho vào lớp vẽ", Hồng kể.

Những giọt nước mắt rơi

Các em nhỏ vẫn hồn nhiên, dường như chẳng nghĩ ngợi nhiều khi nói về bệnh tật của chính mình. Minh Trí thản nhiên bảo với bà là mong bác sĩ báo bữa nay tiểu cầu không thiếu nữa để được về nhà vì lần nhập viện này lâu quá!

Nhưng bà ngoại chỉ cần nghe ai đó hỏi thăm Trí bệnh gì thì nước mắt đã lưng tròng: "Nó ở với tui từ lúc sinh ra đỏ hỏn tới giờ. Mẹ nó sinh nó ra nhưng ba nó mất nên bên nội không nhận, mẹ nó cũng quen người mới rồi đi luôn. Hồi xưa còn có ông ngoại nó thì hai ông bà già làm lụng nuôi cháu. Mà ổng mất bảy năm nay rồi, giờ chỉ có hai bà cháu nuôi nhau".

Để có tiền chữa bệnh cho cháu, những lúc hai bà cháu không phải vào bệnh viện thì bà đi giúp việc nhà. Cứ một tuần ở nhà, một tuần hai bà cháu dắt nhau lên xe buýt vào viện. "Người ta làm tới tháng lãnh tiền, còn tôi thì phải xin chủ nhà lãnh theo tuần. Cứ làm một tuần lấy tiền vào viện rồi lại về làm", bà kể.

Nhưng lâu nay khoản tiền giúp việc cũng không còn nữa, hai bà cháu chỉ còn nương nhờ vào sự giúp đỡ của nhà hảo tâm từ phòng công tác xã hội của bệnh viện và các chương trình thiện nguyện. "Trí trở nặng hơn, bác sĩ bảo bà ở nhà dành thời gian với cháu để lỡ chẳng may có chuyện gì thì còn có người thân ở bên", nước mắt bà tuôn rơi.

Hoàn cảnh của mẹ con bé Khánh Hồng cũng ngặt nghèo không kém. Ba làm ở xưởng gỗ gia đình, còn mẹ bé - chị Kim Phúc - tranh thủ những lúc con được về nhà sẽ nhận hàng về may gia công tại nhà nên lương cũng chỉ dăm ba triệu, đủ trả tiền trọ, tiền ăn. "Con bệnh tám năm nay, may có bà ngoại ở quê bán quầy cà phê nên hai mẹ con còn có chỗ dựa. Nhưng nay bà ngoại phát hiện ung thư, cũng vào viện chung với cháu rồi" - mắt đỏ hoe, chị kể.

"Tiếp sức hoa mặt trời" hỗ trợ bệnh nhi

Chương trình "Tiếp sức hoa mặt trời" là một trong những hoạt động do báo Tuổi Trẻ tổ chức nhân kỷ niệm 15 năm chương trình "Ước mơ của Thúy". Được khởi động từ ngày 28-5 và dự kiến kéo dài đến 30-6, chương trình sẽ hỗ trợ kinh phí điều trị bệnh cho các bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn tại 10 bệnh viện ở TP.HCM, Đà Nẵng, Huế và Hà Nội với tổng kinh phí hơn 3 tỉ đồng. Đồng thời, chương trình cũng lắp đặt tay chân giả và hỗ trợ chuyến xe không mong đợi cho các bệnh nhi sắp mất cùng phụ huynh về quê.

Dự kiến 500 bệnh nhi sẽ được hỗ trợ trong chương trình lần này, mỗi bệnh nhi 3 triệu đồng (tổng kinh phí khoảng 1,5 tỉ đồng), 50 bệnh nhi hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sẽ nhận mức hỗ trợ từ 10 - 50 triệu đồng/bệnh nhi (tổng trị giá 1,5 tỉ đồng). Đối với các phụ huynh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ 5 triệu đồng/gia đình (dự kiến hỗ trợ 30 gia đình, tổng trị giá 150 triệu đồng).

Tiếp nối Tiếp nối 'Ước mơ của Thúy': Bé vui được ngày nào là mừng ngày đó

TTO - Chiều 30-5, gần 80 phần quà "Ngàn quà tặng trao tay" chương trình Ước mơ của Thúy đã được đại diện báo Tuổi Trẻ cùng đại diện Công ty cổ phần Greenoly trao đến cho các em bệnh nhi Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM.

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên