23/10/2018 11:19 GMT+7

Chuyện gián điệp mới ở Istanbul

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TTO - Cũng đủ tình, tiền, máu đổ... kiểu "Điệp viên SAS ở Istanbul", Istanbul lại là "sàn diễn" của một câu chuyện trinh thám gián điệp mới. Tiếc thay, những nhân vật trong tập 2 lại là những người thật của một việc thật.

Chuyện gián điệp mới ở Istanbul - Ảnh 1.

Việc nhà baáo Jamal Khashoggi bị giết đã dấy lên làn sóng phẫn nộ trên thế giới - Ảnh: REUTERS

Từ lâu, thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ - "ngã tư quốc tế" này đã là đề tài cho ít nhất 29 quyển tiểu thuyết gián điệp viết bằng tiếng Pháp, căn cứ theo Babelio.

Vào nửa sau thập niên 1960, một số người đọc ở Sài Gòn đã từng mê mẩn với quyển Điệp viên SAS ở Istanbul của Gérard de Villiers mà vai chính tên là Malko - một tay "đánh thuê" cho CIA, đã giành phần thắng như mọi khi vào giờ chót, vượt qua bao cạm bẫy ác liệt, để rồi không quên có một cuộc tình nóng bỏng vắt vai...

Mới đây, Istanbul lại là "sàn diễn" của một câu chuyện trinh thám gián điệp mới, cũng đủ tình, tiền, máu đổ... kiểu "Điệp viên SAS ở Istanbul" tập 2.

Tiếc thay, những nhân vật trong cuộc lại là những người thật của một việc thật. Nạn nhân là một nhà báo lớn của làng báo Saudi Arabia, ông Jamal Khashoggi, từ năm 2017 đã qua Thổ Nhĩ Kỳ lưu vong.

Bối cảnh địa chính trị của vụ này không còn là cuộc đối kháng Mỹ - Liên Xô trước đây, mà là giữa hai thế lực mới đang tranh giành vị trí đầu tàu trong thế giới Hồi giáo - Sunni (được xem là cạnh tranh với phái cứng rắn Shiite mà đứng đầu là Iran).

Hai nhà nước này, ngoài sức mạnh quân sự vào hàng trung, cao còn khét tiếng với các cơ quan tình báo MIT, Thổ Nhĩ Kỳ và GIP của Saudi Arabia.

Trong bối cảnh đó, việc ông Jamal Khashoggi đào tẩu, chạy qua "trốn" ở Istanbul không khó hiểu. Khó hiểu chăng là tại sao ông lại vô tư đến nỗi hôm 2-10 vừa qua lại vào tòa lãnh sự Saudi ở Istanbul để làm giấy tờ đăng ký kết hôn và bị "mất tích" trong khuôn viên tòa lãnh sự.

Ông Jamal Khashoggi mới đây đã được Chính phủ Saudi thừa nhận là đã chết tại lãnh sự quán và nghe nói đã bị phanh thây...

Vụ mất tích - sát hại trên gây sững sờ vì xảy ra ngay ở "bao lơn" của khối EU và gây khó khăn cho ông Trump, do lẽ Saudi đang là đồng minh hết sức thân cận của ông này trong khu vực, đối diện với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.

Càng gây bức xúc trên bình diện quốc tế bởi vụ việc xảy ra ở cuối thập niên thứ hai của thế kỷ 21, một thế kỷ mà trên lý thuyết, thế giới này phải đang được quản lý bằng một hệ thống luật pháp và thông lệ quốc tế hết sức rõ ràng, dựa trên những công ước của Liên Hiệp Quốc.

Tức là những giao ước chung giữa các nước với nhau, được chứng thực bởi chữ ký tham gia của đại diện mỗi quốc gia, biểu thị tính văn minh, tính nhân bản và tính hiệp thông làm một của cả nhân loại trong viêc tuân thủ luật pháp ở từng khía cạnh của cuộc sống xã hội.

Trong số các công ước đó, có Công ước chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm, được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 10-12-1984 và có hiệu lực từ ngày 26-6-1987.

Nhiều dấu chỉ cho thấy vụ sát hại nạn nhân Jamal Khashoggi nằm trong vế "đối xử tàn ác, vô nhân đạo" của điều 1, khoản 2 công ước này.

Theo đó, các nhà nước đã thừa nhận rằng "không có bất kỳ hoàn cảnh ngoại lệ nào, cho dù là trong tình trạng chiến tranh hoặc đang bị đe dọa bởi chiến tranh, mất ổn định chính trị trong nước hoặc bất kỳ tình trạng khẩn cấp nào có thể được viện dẫn để biện minh cho việc tra tấn", gây đau đớn hoặc đau khổ nghiêm trọng về thể xác hay tinh thần cho một người...

Chính quyền Saudi Arabia đang phải trả lời cho điều khoản đó và đây không hề là một câu chuyện gián điệp giải trí.

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Istanbul Jamal Khashoggi