13/07/2021 17:19 GMT+7

Chuyên gia quốc tế dự đoán ca nhiễm ở Việt Nam tăng cao, lạc quan về nguồn vắc xin

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Các chuyên gia quốc tế công tác tại Việt Nam có buổi thảo luận trực tuyến vào ngày 13-7 về các giải pháp chống đỡ và đẩy lùi đợt bùng phát COVID-19, trong đó TP.HCM hiện là điểm nóng.

Chuyên gia quốc tế dự đoán ca nhiễm ở Việt Nam tăng cao, lạc quan về nguồn vắc xin - Ảnh 1.

Đường vắng thênh thang trong ngày 9-7, ngày thực hiện chỉ thị 16 ở TP.HCM - Ảnh: AFP

Buổi thảo luận theo hình thức trực tuyến do Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) tổ chức ngày 13-7 còn có sự tham gia của bác sĩ Barnaby Flower, nhà nghiên cứu tại Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford, đại diện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM và bác sĩ Trương Hoàng Phú Phi, giám đốc chuyên môn y tế của International SOS tại Việt Nam.

Bác sĩ Eric Dziuban, giám đốc Trung tâm dự phòng và kiểm soát bệnh tật thuộc Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, cho biết những con số thống kê cho thấy sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 gần đây là đáng kể, số ca nhiễm không rõ nguồn gốc cũng nhiều lên, đang thách thức công tác truy vết của cơ quan chuyên môn.

Theo bác sĩ Dziuban, số ca nhiễm ở miền Bắc đang thấp so với miền Nam nhưng nếu không cẩn thận, ca nhiễm có thể tăng lên ở miền Bắc trong thời gian tới khiến cả nước đều có điểm nóng. 

Trong trường hợp dịch diễn biến xấu, chuyên gia này cho rằng ông không quá lo về số ca cần hỗ trợ ECMO (phương pháp “oxy hóa qua màng ngoài cơ thể”), mà là số ca cần được hỗ trợ thở oxy. Theo bác sĩ Dziuban, tại các nước như Ấn Độ, Indonesia bệnh nhân chết vì bệnh viện hết/thiếu oxy nhiều, nên Việt Nam cần tránh rơi vào hoàn cảnh này.

Các chuyên gia đều dự báo số ca nhiễm COVID-19 ở Việt Nam sẽ còn tăng, nhưng hy vọng vào tiến triển của chương trình tiêm chủng vắc xin của Việt Nam. 

Thách thức hiện tại là làm sao để nhanh chóng có nguồn cung vắc xin cho người cần. Gần đây, lượng vắc xin COVID-19 đang về Việt Nam nhiều hơn, từ nhiều nguồn, trong đó có nguồn tài trợ từ các chính phủ. 

Việt Nam cũng triển khai tiêm chủng với tốc độ tương đương với số liều vắc xin nhận được. Tuy vậy, người dân cần kiên nhẫn, nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng dịch cho đến khi tình hình được cải thiện. 

Các chuyên gia cũng đánh giá tiến độ tiêm vắc xin cho toàn dân mà Việt Nam đề ra đến hết quý 1-2022 là khả thi.

Ông John Paul Pullicino, tổng giám đốc Công ty Pfizer tại Việt Nam, cho biết sau lô vắc xin đầu tiên về Việt Nam trong tháng 7-2021 với 97.110 liều, tới đây Pfizer sẽ cung ứng vắc xin theo tuần với số lượng tăng dần theo thỏa thuận cung cấp 31 triệu liều vắc xin cho Việt Nam trong năm nay.

Vị này thừa nhận để đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn nên việc cung cấp vắc xin cần thời gian.

Giám đốc AmCham, bà Mary Tarnowka - người điều phối thảo luận - kêu gọi các doanh nghiệp có khả năng, như cung ứng oxy, hãy tham gia hỗ trợ. Amcham cũng sẽ tiếp tục vận động tài trợ để hỗ trợ TP.HCM và các điểm nóng về COVID-19 đảm bảo tối ưu về giá, chất lượng và sự minh bạch.

Người mắc COVID-19 có thể phát bệnh nặng hơn vì ô nhiễm không khí Người mắc COVID-19 có thể phát bệnh nặng hơn vì ô nhiễm không khí

TTO - Một số nghiên cứu mới chỉ ra rằng ô nhiễm không khí có thể khiến tình trạng của bệnh nhân COVID-19 nghiêm trọng hơn.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên