14/07/2022 14:53 GMT+7

Chuyển đổi số nhưng chương trình cứng nhắc, giáo viên sẽ mất khả năng sáng tạo

HOÀNG THI
HOÀNG THI

TTO - Giáo viên cần được trao quyền linh hoạt thiết kế chương trình. Bởi nếu chuyển đổi số nhưng chương trình vẫn cứng nhắc, giáo viên sẽ mất khả năng sáng tạo bài học dựa trên nền tảng công nghệ.

Chuyển đổi số nhưng chương trình cứng nhắc, giáo viên sẽ mất khả năng sáng tạo - Ảnh 1.

Thạc sĩ Đỗ Tấn Khoa trao đổi tại hội thảo - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Sáng 14-7, hội thảo "Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP.HCM, thực trạng và giải pháp" đã được Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM tổ chức, với sự tham gia của đại diện các trường, các chuyên gia giáo dục.

Trải nghiệm giờ học thực hành từ xa 

Tại hội thảo, thạc sĩ Đỗ Tấn Khoa - Trung tâm đào tạo Khu công nghệ cao TP.HCM - cho rằng trước nay, những tiết học thực hành ở các trường cao đẳng, trung cấp thường diễn ra trực tiếp với máy móc. Hiện nay, quá trình chuyển đổi số đòi hỏi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thêm những hình thức thực hành khác.

Ông Khoa lấy ví dụ trung tâm đang thử nghiệm áp dụng nền tảng AR (công nghệ thực tế tăng cường) để giúp người học có thể trải nghiệm những giờ học thực hành từ xa, nhưng vẫn nắm được các quy trình vận hành máy móc ngay trên máy tính.

Chẳng hạn, với mô hình thực tế tăng cường trên các thiết bị điện, các bạn sẽ hình dung được cách lắp ráp, nối dây điện an toàn. Thay vì tương tác trên các mô hình truyền thống, học sinh sinh viên có thể tập luyện qua các mô hình ảo tại nhà thông qua điện thoại.

Một số phần mềm có thể mô phỏng các dây chuyền công nghiệp trong nhà máy, sinh viên có thể ôn tập bằng cách nhấn các nút trên giao diện phần mềm. Cách làm này được đánh giá hiệu quả, lại tránh những rủi ro, thiệt hại nếu sinh viên thực hành lỗi trên dây chuyền ngoài đời thật. Chưa kể với một số nhà máy, việc đưa sinh viên đến tham quan hay thực tập không phải dễ dàng bởi còn phải bảo mật sản xuất. 

"Các tiết học thực hành ảo còn có thể tiết kiệm thời gian. Sinh viên sẽ làm quen máy móc, hệ thống trên các phần mềm trước, rồi mới áp dụng trong các tiết thực hành thực tế", ông Khoa nói.

Tiến sĩ Phạm Hữu Lộc - hiệu trưởng Trường cao đẳng Lý Tự Trọng TP.HCM - cho rằng quá trình chuyển đổi số ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ đi đến kết quả cải tiến, chứ không hoàn toàn loại bỏ phương pháp giáo dục truyền thống. 

Máy móc, công nghệ được đưa vào để đa dạng hóa những phương pháp dạy học. Một tiết học trong trường nghề giờ đây có thể diễn ra ở bất cứ đâu, từ xa, tại lớp, ở xưởng hay trong chính doanh nghiệp.

Học được gì chứ không phải học bao nhiêu 

Chuyển đổi số nhưng chương trình cứng nhắc, giáo viên sẽ mất khả năng sáng tạo - Ảnh 2.

Ông Hà Duy Bình - Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM - chia sẻ tại hội thảo - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Ông Hà Duy Bình - Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM - cho rằng chuyển đổi số sẽ làm cho các lớp học thay đổi xu hướng tiếp cận từ số lượng sang chất lượng. Thước đo giờ đây sẽ là sinh viên học được những gì, chứ không phải học được bao nhiêu.

"Từ đó, phương pháp lên lớp cũng phải thay đổi. Giáo viên cần được trao quyền linh hoạt thiết kế chương trình. Bởi nếu chuyển đổi số nhưng chương trình vẫn cứng nhắc, giáo viên sẽ mất khả năng sáng tạo bài học dựa trên nền tảng công nghệ", ông Bình nói.

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thuân - Trường đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM), trong quá trình chuyển đổi số, nhiều trường chú trọng đến năng lực số của các thầy cô.

Tuy nhiên, ông Thuân nhấn mạnh những yêu cầu đối với đội ngũ nhà giáo về năng lực công nghệ thông tin không được áp dụng một cách máy móc, như bắt họ buộc phải học và thi các chứng nhận, chứng chỉ tin học.

Thay vào đó, trong môi trường dạy nghề vốn chú trọng việc thực hành, các trường nên chỉ cần yêu cầu giáo viên làm được việc là được. Ông Thuân cho rằng chuyển đổi số ở các trường đừng nên "lấy những chứng chỉ, bằng cấp làm trung tâm".

Chuẩn đầu ra về năng lực số

TS Trần Thanh Điền - Trường đại học Nguyễn Tất Thành - nêu ý kiến: khi chuyển đổi số, các trường cần đưa nội dung vào chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo hay tiêu chí buộc phải có lúc sinh viên ra trường. Cụ thể, người học sau khi tốt nghiệp sẽ có được những năng lực số như thế nào, chẳng hạn trong bộ môn marketing hay kinh tế, các trường nghề sẽ cung cấp cho học viên kỹ năng số ra sao?

Theo ông Điền, đưa việc trang bị kỹ năng số vào chương trình giảng dạy cho người học mới là "linh hồn" của quá trình chuyển đổi số tại các trường nghề. Nếu chỉ chú trọng nâng cao cơ sở vật chất hay công tác quản lý sẽ không đủ.

"Các trường phải xây dựng kế hoạch và đưa ra được một lộ trình cụ thể theo từng năm. Để thúc đẩy nhanh, các trường cũng sẽ cần những chính sách thúc đẩy và hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước", ông Điền nói.

Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM: Chuyển đổi số trước hết phải từ tư duy Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM: Chuyển đổi số trước hết phải từ tư duy

TTO - 'Chuyển đổi số đừng nói về trí tuệ nhân tạo, big data hay các công nghệ. Trước hết là thay đổi tư duy, về những mô hình, giải pháp tốt hơn so với những cách làm cũ'.

HOÀNG THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên