21/09/2019 06:45 GMT+7

Chuyện ĐH Y dược TP.HCM: 'Quanh đi quẩn lại chuyện 20 năm trước...'

TRẦN HUỲNH thực hiện
TRẦN HUỲNH thực hiện

TTO - Là một trong những người chấp bút viết đề án chuyển đổi Trường ĐH Y dược TP.HCM sang mô hình ĐH Sức khỏe trước đây, GS.TS Trương Đình Kiệt nói rằng quanh đi quẩn lại chuyện của 20 năm trước, nay lại mới bắt đầu.

Chuyện ĐH Y dược TP.HCM: Quanh đi quẩn lại chuyện 20 năm trước... - Ảnh 1.

Một góc Trường ĐH Y dược TP.HCM hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng trường đã quá nhỏ hẹp so với chức năng, lịch sử - Ảnh: NHƯ HÙNG

Nhà trường cần tập trung sức lực, trí tuệ, tiền của để “mở rộng bờ cõi”. Đúng như Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, các cơ sở của trường hiện nay cực kỳ chật chội, không xứng tầm một trường y dược hàng đầu cả nước.

GS.TS Trương Đình Kiệt (nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM), viện trưởng Viện Di truyền y học, cho rằng nếu không có cơ chế, không được tự chủ thì việc đổi tên hay chuyển đổi mô hình ĐH Y dược TP.HCM vẫn khó phát triển tốt được.

Qua ý kiến của GS.TS Trương Đình Kiệt, Tuổi Trẻ cũng khép lại câu chuyện về hướng phát triển của trường ĐH này, từ lễ khai giảng cùng phát biểu thu hút sự quan tâm của dư luận từ Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong tuần qua.

* Việc bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Trường ĐH Y dược TP.HCM chuyển đổi mô hình "trường ĐH" sang "ĐH", đổi tên thành ĐH Sức khỏe TP.HCM, ông thấy thế nào?

- Mọi bàn tán, tranh luận hiện nay đều là câu chuyện cũ: tên trường, mô hình, trách nhiệm, quyền tự chủ. Hơn nữa, chúng ta rất câu nệ chuyện câu chữ, ngay cả trong luật. Riêng tên trường sức khỏe, trước đây nước ta có trào lưu "y dược hóa các trường đào tạo lĩnh vực khoa học sức khỏe".

Ví dụ: Trường ĐH Y dược TP.HCM, Trường ĐH Y dược Cần Thơ, Trường ĐH Y dược (ĐH Huế)... Tôi cho rằng không nhất thiết phải đặt tên rập khuôn như thế. Các nước đặt tên trường không giống ở mình: ĐH Harvard (Mỹ) đào tạo đa ngành trong đó có trường y; ở Nhật có Trường ĐH Y răng - hàm - mặt vẫn đào tạo y và dược; ĐH sức khỏe nhiều nước cũng có.

* Với riêng trường hợp Trường ĐH Y dược thì sao, thưa ông?

- Theo dõi thông tin trên báo mấy hôm nay về ý kiến tên Trường ĐH Y dược TP.HCM, có người cho rằng "dùng tên ĐH Sức khỏe phù hợp mô hình mới" tôi cho là chưa chuẩn, hay "dùng tên ĐH Sức khỏe là hạ thấp trường y" cũng không ổn.

Theo tôi, nên giữ lại tên ĐH Y dược TP.HCM vì tên này đã trở thành thương hiệu của nhà trường và cả bệnh viện của trường - khi nói tên đó người ta biết ngay nó thế nào, ở đâu, uy tín ra sao...

Trước đây, khi xây dựng đề án, chúng tôi đã bàn rất kỹ việc này và thống nhất là không thay đổi tên. Chủ trương này đã được Bộ Y tế phê duyệt và Thủ tướng cũng đã đồng ý nhưng sau này theo quy định của luật Bộ GD-ĐT vẫn bắt giò, yêu cầu phải thêm chữ "trường".

* Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng một nhiệm vụ quan trọng mà Trường ĐH Y dược TP.HCM vẫn đang nợ cách đây 15 năm, đó là thành lập ĐH Sức khỏe đầu tiên của cả nước. Vì sao đến nay trường vẫn chưa trả được "món nợ" này?

- Từ năm 1999 nhà trường tính đến phương án xây dựng ở huyện Nhà Bè (TP.HCM), rồi đến năm 2003 trường nhắm đến khu đất 149ha ở Nhơn Trạch (Đồng Nai), rồi Củ Chi (TP.HCM), sau đến tỉnh Bình Dương nhưng vì nhiều lý do không thực hiện được. Nay Bộ Y tế lại đề nghị nhà trường trở lại ngay đúng khu đất ở Nhơn Trạch trước đây.

* Như vậy, theo ông, nhà trường nên chọn hướng phát triển sắp tới như thế nào?

- Theo tôi, trường đang làm đúng hướng là cải cách chương trình, nhưng hiện trường mới chỉ cải cách chương trình y khoa là chưa đủ, cần nhanh chóng làm đồng bộ tất cả các ngành khác. Đặc biệt, trường cần lưu ý "đào tạo bác sĩ cho ngày mai, được dạy bởi các thầy hôm nay với nội dung chương trình hôm qua", là kiểu đào tạo rất cũ.

Một việc nữa tôi cho cực kỳ quan trọng là trường phải đẩy mạnh đầu tư phát triển khoa học công nghệ. Hiện số lượng bài báo quốc tế của trường cũng tương đối nhưng so với các nước vẫn còn rất thấp. Những nhiệm vụ khoa học công nghệ của trường thực hiện vẫn chưa xứng tầm. Muốn làm được việc này phải ưu tiên thành lập các viện nghiên cứu, trung tâm khoa học.

Điều đáng nói, từ năm 2000, trong đề án chiến lược phát triển nhà trường đến năm 2015 đã đề nghị thành lập ba viện: Viện Y sinh học, Viện Sinh học miệng, Viện Công nghệ dược nhưng cho đến nay vẫn chưa có viện nào. Từ năm 2012 trường đề nghị thành lập Trung tâm Y sinh phân tử nhưng Bộ Y tế không duyệt.

Mọi chuyện của trường đều phải đợi bộ cho ý kiến từ bổ nhiệm cán bộ, thành lập một đơn vị hay cần vài ba tỉ cũng phải xin. Thậm chí tiền của trường có muốn dùng vào việc gì cũng xin ý kiến của bộ...

Nếu trường được tự chủ thì hiệu trưởng hoàn toàn có quyền làm được chuyện này. Hiện nay, cán bộ có năng lực về khoa học công nghệ của ĐH Y dược TP.HCM không thiếu, cái thiếu là cơ chế để hoạt động.

* Tuy nhiên, nhiều trường đang được thí điểm cơ chế tự chủ vẫn lo chuyện tiền nong để đầu tư phát triển vì không còn được cấp ngân sách, trong khi đào tạo lĩnh vực khoa học sức khỏe rất tốn kém?

- Ở các nước, trường ĐH tự chủ nhưng nhà nước vẫn cấp ngân sách cho trường. Dù là trường công nhưng trường được thu phí đúng - đủ. Hiện nay, ở nước ta nhiều trường tư đào tạo ngành y thu học phí gần cả trăm triệu đồng/năm, ĐH Y dược TP.HCM chỉ cần được thu mức 70-80 triệu đồng/năm sẽ giải quyết được rất nhiều chuyện.

Có người lo người nghèo không có tiền để vào trường y, tôi cho vẫn giải được bài toán này bằng học bổng cho sinh viên giỏi, quỹ tín dụng cho sinh viên khó khăn vay tiền ăn học. Các trường phổ thông quốc tế ở VN cũng có mức học phí hàng trăm triệu đồng, tại sao ĐH Y dược TP.HCM không được làm?

Bên cạnh đó, nhà trường còn có lợi thế rất lớn là có các bệnh viện. Nguồn thu từ bệnh viện của trường không hề nhỏ, có thể sử dụng nguồn tiền này đầu tư lại cho giáo dục. Trường còn rất mạnh trong chuyển giao công nghệ, có thể mở cả công ty dược, trung tâm dịch vụ nha khoa... để có nguồn thu lớn từ đây. Nếu được tự chủ toàn diện, nhà trường có thể giải quyết được bài toán tài chính.

Thêm nữa là việc thu hút đầu tư từ bên ngoài trường. Hiện có rất nhiều nhà đầu tư lớn sẵn sàng bỏ tiền hợp tác đầu tư cho trường. Ví dụ, khu đất tại Nhơn Trạch nếu cho phép trường kêu gọi đầu tư từ doanh nghiệp. Làm được việc này Nhà nước không cần phải bỏ tiền ngân sách đầu tư cho trường nữa. Như vậy, nhà trường cần cơ chế để có thể làm được tất cả những việc trên.

Chuyện ĐH Y dược TP.HCM: Quanh đi quẩn lại chuyện 20 năm trước... - Ảnh 3.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM - tư vấn cho thí sinh trong chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Phải tự chủ để tự cởi trói và phát triển

Điều quan trọng nhất đối với ĐH Y dược TP.HCM là đầu tư xây dựng đề án tự chủ. Tôi được biết nhà trường đã làm xong đề án tự chủ, đang chờ phê duyệt. Tôi cho rằng dù khó đến mấy cũng phải triển khai thực hiện đề án tự chủ. Trong đó, quan trọng hàng đầu là tự chủ tài chính.

Với việc tự chủ sẽ mở ra rất nhiều hướng, cởi trói để nhà trường phát triển. Khi đó, trường muốn thành lập trường, viện, bệnh viện, trung tâm, khoa hay doanh nghiệp… đều có thể làm được. Nhà trường muốn mở rộng quy mô, cơ sở vật chất hay xây dựng cơ sở 2 ở Đồng Nai cũng liên quan đến vấn đề tài chính. Nếu cứ trông chờ vào "túi tiền" từ bộ hoặc Chính phủ thì không biết chờ đến bao giờ.

Bộ trưởng Bộ Y tế: "Tôi phát biểu đúng. Đại học Y dược TP.HCM phải đổi tên" Bộ trưởng Bộ Y tế: 'Tôi phát biểu đúng. Đại học Y dược TP.HCM phải đổi tên'

TTO - Phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cách đây 5 ngày về việc đổi tên ĐH Y dược TP.HCM sang ĐH Khoa học sức khỏe đã gây bão dư luận vì cái tên trường đã gắn bó nhiều thế hệ. Nhưng bà Tiến nói bà phát biểu đúng.

TRẦN HUỲNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên