15/09/2013 08:29 GMT+7

Chuyện của Bún và Ba Khía ở Sài Gòn

HOÀNG OANH
HOÀNG OANH

TT - Bún gặp Ba Khía ở Sài Gòn và trở thành đôi bạn thân. Một tối nọ, sau vài chai bia thì cả hai nảy ra ý tưởng phải làm một điều gì đó để "giải phóng" bớt tình yêu Sài Gòn đang lớn dần trong họ. Vậy là Saigoneer.com ra đời.

wSEOCe3y.jpgPhóng to
Nhịp sống thường ngày trên Saigoneer.com - Ảnh: Paul Simon Benoit

Anh chàng Nguyễn Văn Bún tên thật là Brian Letwin, đến từ thành phố New York, Hoa Kỳ; còn anh chàng Ba Khía tên thật là Alberto Prieto thì lớn lên ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha.

Cả hai đều đã sống và làm việc tại Sài Gòn gần ba năm nay, như một duyên nợ.

Và Saigoneer.com "gánh" duyên nợ ấy, là trang thông tin về Sài Gòn dành cho những người nước ngoài đang sống, làm việc tại đây và dần trở thành một website đáng xem với rất nhiều lượt truy cập mỗi ngày.

Sài Gòn vui lắm!

Hơn hai năm trước trong lần đầu tiên đặt chân đến Sài Gòn, Alberto Prieto đã chụp rất nhiều hình ảnh để lưu lại trên Facebook cá nhân và đặt tên "Saigon vui lam".

Vì "vui lắm" nên Alberto quyết định trở lại thành phố này như một cư dân chứ không phải một khách du lịch, nghĩa là mỗi ngày cưỡi xe máy đi làm ở một công ty thiết kế web, hết giờ làm thì đi uống bia gặp gỡ bạn bè, rồi có một nơi gọi là nhà để trở về. Alberto thích hát karaoke và bài tủ của anh chàng là Anh Ba Khía của nhạc sĩ Sơn Hạ.

Lúc nào anh cũng nghêu ngao câu hát lơ lớ: "Anh Ba Khía quê ở miền Tây, độc thân vui tính cô đơn nhưng không buồn", đến nỗi bạn bè đặt luôn cho biệt danh "anh Ba Khía" dù Alberto cũng có một cái tên VN khác là Hùng.

Và vì yêu Sài Gòn một cách "không thể lý giải nổi" nên Ba Khía đã bắt đầu viết blog về Sài Gòn bằng tiếng mẹ đẻ để gia đình và bạn bè ở Tây Ban Nha biết rằng anh đang sống ở một nơi xinh đẹp và thanh bình, không còn dấu tích của chiến tranh như trong các bộ phim về VN được trình chiếu ở châu Âu.

Ba Khía gặp Brian Letwin - tự xưng là Nguyễn Văn Bún - một anh chàng người Mỹ ốm và trắng như một cọng bún. Bún lúc đó đang làm việc cho một tạp chí tiếng Anh có nội dung về nhịp sống Sài Gòn, nhưng vẫn luôn mong muốn tạo dựng một sân chơi chữ nghĩa của riêng mình.

Một ngày nọ cả Bún và Ba Khía đều nhận ra rằng sau một thời gian đủ lâu tưởng đã hòa quyện với Sài Gòn đến từng tế bào trong cơ thể, thì thỉnh thoảng họ vẫn bị mất kết nối với nơi này một cách kỳ lạ. Bởi vì Sài Gòn luôn có một thứ năng lượng vận động không ngừng.

Sài Gòn luôn rộng hơn, sâu hơn, cao hơn và có nhiều điều hơn tất cả những gì người ta tưởng về nó. Rồi cả hai cùng nghĩ tới việc tạo nên một trang web để cùng nhau kể chuyện Sài Gòn, để chuyển hóa những khung cảnh sống động của Sài Gòn thành những cảm nhận rõ ràng nhất trong từng giác quan, để kết nối sâu sắc hơn với Sài Gòn theo cách tự nhiên nhất và chia sẻ những kết nối này với nhiều người khác.

Saigoneer.com

Saigoneer nghĩa là "người Sài Gòn" theo giải thích của Bún và Ba Khía. Trang web bằng tiếng Anh được ra mắt từ tháng 4-2013 với mục tiêu chính là tạo ra một diễn đàn thông tin dành cho người nước ngoài ở Sài Gòn và người Sài Gòn nói tiếng Anh, nơi bất cứ ai trong số họ đều sẽ tìm thấy ít nhất một thông tin bổ ích hay một tiếng nói đồng cảm.

Saigoneer.com có các mục chính gồm: Tin tức, Văn hóa - nghệ thuật, Xã hội, Sài Gòn xưa, Ăn - uống. Người ta có thể tìm thấy những thông tin nóng hổi về Sài Gòn, VN theo kiểu mà người nước ngoài sẽ quan tâm, ví dụ: xe buýt ở Sài Gòn sắp được lắp WiFi miễn phí, VN sắp sản xuất điện thoại thông minh, chuyện những đồi cà phê ở Ðà Lạt, khách nước ngoài không được phép thuê xe máy ở Nha Trang nếu không có bằng lái VN...

Mục Văn hóa - nghệ thuật được xem là "căn phòng yêu thích" của hai anh chàng với những bài viết về các buổi trình diễn âm nhạc, kịch nghệ phù hợp với người nước ngoài, những buổi triển lãm tranh, hình ảnh, những bộ phim sắp ra mắt, những thông tin cần biết về du lịch...

Trong khi đó, ở mục Ăn - uống lại bày ra những góc nhìn đáng yêu và đáng suy ngẫm về ẩm thực VN với những bài viết như: Sài Gòn quang gánh, Thức ăn đường phố Sài Gòn, Sự hấp dẫn "ma thuật" của cao lầu, Pizza đường phố kiểu Việt: bánh tráng nướng trứng, Ăn sáng ở Hà Nội: phở, Ăn sáng ở Sài Gòn: cà phê sữa đá...

Thậm chí còn có cả những video hoạt hình vui nhộn hướng dẫn cách nấu món phở hay cách nhận xét về món cháo như sau: "Khi cảm thấy không khỏe vì thời tiết, người VN hay ăn cháo. Nhưng mà rõ ràng là cháo vẫn ngon dù bạn có bị bệnh hay không!".

Còn những người hay hoài niệm có thể sẽ thấy xúc động khi vào mục Sài Gòn xưa với những hình ảnh tư liệu về chợ Bà Chiểu xưa, gánh tàu hủ, xe nước mía, pano quảng cáo radio tiêu chuẩn năm 1970, Gò Vấp năm 1930, Chợ Lớn những năm 1960...

Ngoài ra, Bún và Ba Khía còn cố gắng, theo cách của hai anh chàng, giải thích ý nghĩa những tên đường phố ở Sài Gòn được đặt theo các vị danh nhân: Trần Hưng Ðạo, Nguyễn Thị Minh Khai, Tôn Ðức Thắng... trong loạt bài Street Signs rồi lại băn khoăn trong một bài viết khác: Làm sao để Sài Gòn giữ được những kiến trúc cổ xưa?

Ba Khía bảo: "Hiện tại có rất nhiều việc để làm. Tôi lo về phần kỹ thuật và yếu tố mỹ thuật trong khi Bún lo việc biên tập nội dung, liên hệ các cộng tác viên, thu thập tin tức và tìm những đề tài hay, bổ ích để đưa lên trang web".

Anh chàng Bún gầy nhom luôn thích thể hiện dấu ấn cá nhân trong cách biên tập bài vở của mình với giọng văn hài hước, cách viết tỉnh như không khi bình luận về một thông tin nào đó, và cả cách trộn các từ tiếng Việt (mà anh biết) vào đoạn văn tiếng Anh, hay cách gọi VN đơn giản là "Phở" với câu rao: What the Phở happened last weekend? 10 stories you may have missed (nghĩa là: Chuyện Phở gì đã diễn ra cuối tuần qua? 10 câu chuyện có thể bạn đã bỏ lỡ) trong loạt thông tin tổng hợp từ các báo của VN như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VietNamNet, Sài Gòn Giải Phóng...

Khi biết được dự án "ngông cuồng nhưng đầy thú vị" của hai chàng trai này, Alfredo de La Casa - một nhà phê bình ẩm thực chuyên cộng tác cho nhiều tạp chí tiếng Anh tại Sài Gòn cũng đã hào hứng tham gia cùng Saigoneer.

Ngoài ra còn có nhiều cây bút chuyên nghiệp và nghiệp dư khác đã nhiệt tình cộng tác. Về lâu dài, mục tiêu của Saigoneer là quảng bá, sáng tạo và tài trợ các sự kiện văn hóa giải trí chứ không chỉ dừng lại ở một trang web điện tử.

Nhưng để đến được lúc đó thì cũng còn "hơi lâu lâu" theo cách nói của Ba Khía, vì hiện tại cả hai anh chàng đều phải tranh thủ đi làm công việc khác để có tiền duy trì và phát triển Saigoneer.com.

Nhưng cả hai khẳng định: "Ðiều dẫn chúng tôi đến nơi này là đam mê và tình yêu chứ không phải tiền. Chúng tôi hi vọng có thể dành toàn bộ thời gian cho trang web này và thức dậy vào mỗi buổi sáng với nụ cười thật tươi!".

SP53ouZO.jpgPhóng to
Bún (Brian Letwin - trái) và Ba Khía (Alberto Prieto) chụp hình với câu hát trong bài Tình ca của nhạc sĩ Phạm Duy

Tại sao các anh lại yêu Sài Gòn đến “không giải thích nổi”?

Chúng tôi yêu quê hương của mình nhưng thú thật là không muốn trở lại sống ở đó. Lý do chính và quan trọng nhất khiến chúng tôi chọn ở đây là vì cái cách mà Sài Gòn làm cho cuộc sống của chúng tôi trở nên hỗn loạn nhưng vô cùng thú vị. Chúng tôi có thể nhìn thấy thế giới qua một con mắt khác khi sống ở đây, nơi mỗi ngày đều là một trải nghiệm và ân huệ mới.

Giấc mơ của chúng tôi là có thể sống mãi ở Sài Gòn mà không cần phải suy nghĩ về những thứ như tiền, chỉ có sự cho đi và nhận lại từ trái tim mình đến từng khoảnh khắc cuộc sống ở thành phố kỳ lạ này.

HOÀNG OANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên