16/02/2022 11:30 GMT+7

Chuyện chưa kể những tên đường nước Việt - Kỳ 5: Xao xuyến lòng với ngõ Tạm Thương

BẢO LINH
BẢO LINH

TTO - Hà Nội với những tên ngõ, tên phố đã đi vào thơ ca, một trong những con ngõ nổi tiếng của Hà Nội: Ngõ Tạm Thương, mà "thương một đời, đâu phải tạm thương".

Chuyện chưa kể những tên đường nước Việt - Kỳ 5: Xao xuyến lòng với ngõ Tạm Thương - Ảnh 1.

Nay ngõ đã nổi danh với các hàng quán nem chua đặc sản - Ảnh: BẢO LINH

Có những địa danh mà mới nghe tên, người ta đã cảm giác thật gần gũi, thân thiết. Ngõ Tạm Thương là một cái tên như vậy, đến một lần có thể xao xuyến cả đời...

Sương giăng mờ trên ngõ Tạm Thương/ Ngõ rất cụt mà lòng xa thẳm/ Ngõ bảy thước mà lòng muôn dặm/ Thương một đời đâu phải Tạm Thương.

Thơ Chế Lan Viên

Truyền kỳ ngõ Tạm Thương

Khách đến Hà Nội, thường tạt vào những quán nem chua đã thành thương hiệu của ngõ Tạm Thương nằm lọt thỏm giữa phố Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm.

Bà Đinh Thị Hào, 80 tuổi, sống tại con ngõ này cả đời người, thi thoảng vẫn bỏm bẻm nhai trầu, nhẩn nha trả lời câu hỏi của khách vãng lai về sự tích ngõ Tạm Thương.

"Có mấy cậu trai trẻ hay đưa người yêu đến đây ăn quà. Nhiều người đã thuộc làu khổ thơ của ông Chế Lan Viên: Sương giăng mờ trên ngõ Tạm Thương/ Ngõ rất cụt mà lòng xa thẳm/ Ngõ bảy thước mà lòng muôn dặm/ Thương một đời đâu phải là Tạm Thương.

Rồi họ hỏi chúng tôi, tại sao ngõ lại có tên là Tạm Thương? Tại sao không phải là thương cả đời mà chỉ là tạm thương? Hoặc tạm thương có phải chỉ là thương một nửa hay không?

Thế nhưng từ thương ở đây không phải mang ý nghĩa yêu thương, thương tạm thời hay hời hợt như cách chơi chữ của ông Chế Lan Viên" - bà Hào vừa cười vừa giải thích.

Kể thêm về con ngõ này, bà Hào cho biết bà nghe kể rằng cái tên ngõ Tạm Thương đã có từ cách đây mấy thế kỷ (đầu thế kỷ 19, dưới thời nhà Nguyễn). Lúc đầu, ngõ có tên là Trạm Thương. Bởi vì ở đây có dựng một cái kho để chứa tạm thóc thuế do dân nộp trước khi chuyển vào kho chính nên gọi là kho Tạm Thương, sau đổi thành ngõ Tạm Thương.

Nhưng cũng có một số giải thích khác về cái tên ngõ Tạm Thương. Chẳng hạn, có người cho rằng gọi là ngõ Tạm Thương bởi gần đó có nhà thương Phủ Doãn. Bệnh nhân vào nhà thương được sơ cứu ở đây trước, nên gọi là Tạm Thương.

Hoặc thời Pháp thuộc, ngõ Tạm Thương này là nơi tìm đến vui chơi thường xuyên của nhiều lính Pháp. Vì ở đây có những người phụ nữ hành nghề "bán hoa". Kể từ đó, người đời mới có câu gây tranh cãi "gái Tạm Thương" là vậy.

"Trai Ngõ Trạm, gái Tạm Thương"

Tuy nhiên, cách lý giải nào đi chăng nữa, khách đến Hà Nội đều ít nhiều được nghe những vần thơ của nhà thơ Chế Lan Viên, để từ đó tò mò tìm đến con ngõ này. Và để hiểu trọn vẹn còn có câu truyền miệng làm tốn nhiều giấy mực xứ Hà thành rằng "Trai Ngõ Trạm, gái Tạm Thương". Thậm chí, nó có thể được diễn giải theo nghĩa khá nặng nề.

Đó là có người cho rằng vì phố Hà Trung vốn là nơi đặt nhà trạm dịch, trong trạm có đội binh phu gồm toàn đàn ông to lớn, khỏe mạnh chuyên chuyển công văn giấy tờ, hay đưa quan lớn đến các trạm dịch tiếp theo, xong việc quan là họ cờ bạc, hút xách, gây sự với dân quanh vùng nên ai cũng kinh hãi.

Còn "gái Tạm Thương" chỉ đàn bà "ghê gớm" có xuất xứ từ mấy bà chuyên cân thóc ở kho Tạm Thương thường quát tháo nông dân nộp thuế.

Lại có người giải thích "do các lính trạm, phu trạm cư ngụ trong ngõ dẫn vào nhà trạm ỷ thế "hỏa tốc" và hộ tống các quan lớn nên hay sừng sộ, hạch sách dân chúng khiến ai ai nghe tới danh "trai Ngõ Trạm" cũng khiếp sợ.

Còn Tạm Thương là "cái kho tạm chứa thóc thuế các làng nộp trước khi chuyển vào kho chính trong thành. Kho tạm này đặt ở làng Yên Thái, gần đền Yên Thái trong ngõ Tạm Thương ngày nay, từ giữa phố Hàng Bông rẽ vào.

Tại kho có nhiều phụ nữ làm việc cân đong và chuyển vận gạo thóc, những người này hay nạt nộ sách nhiễu dân tới nộp thuế nên gặp những gái Tạm Thương là nhiều người muốn tránh xa.

Cho nên câu truyền miệng "Trai Ngõ Trạm, gái Tạm Thương" là nói về "hai hạng người lợi dụng nghề nghiệp và vị trí mà ăn hiếp dân ở Hà Nội xưa".

"Người xưa truyền miệng rằng trai Ngõ Trạm, gái Tạm Thương để chỉ đặc điểm của người dân trong ngõ này. Bởi dân ở đây ghê gớm, đanh đá, chua ngoa... nhưng nào phải vậy. Tôi được nghe ông cha kể lại ở thời phong kiến xưa, ngõ Tạm Thương có một kho chứa thóc thuế.

Người dân ở đây, con trai được tuyển làm lính gác trông kho, con gái thì làm nghề buôn thóc. Dân làng khác khi đến nộp thóc nghĩ rằng kho thóc đặt ở đây thì dân tại chỗ sẽ được lợi, bớt xén, vậy nên họ ghét rồi có câu ngạn ngữ kia" - ông Lê Văn Thừa, 70 tuổi, sống tại ngõ Tạm Thương lý giải.

Chuyện chưa kể những tên đường nước Việt - Kỳ 5: Xao xuyến lòng với ngõ Tạm Thương - Ảnh 3.

Ngõ nhỏ mang tên gợi tò mò ở Hà Nội - Ảnh: BẢO LINH

Nỗi oan khuất nửa thế kỷ

Cả cuộc đời sống tại ngõ Tạm Thương, bà Hào vẫn không nén nổi cơn giận khi ai đó đọc câu ngạn ngữ "Trai Ngõ Trạm, gái Tạm Thương" với ý giễu nhại.

Theo nhiều người dân nơi đây, câu "Trai Ngõ Trạm, gái Tạm Thương" có ngữ điệu giống câu "Trai nhà trạm, gái tạm kho" mang sắc thái tiêu cực nên nhiều người bị hiểu lầm.

"Người ta hay nói trai Ngõ Trạm, gái Tạm Thương để chỉ những người phụ nữ đanh đá, chua ngoa. Nhưng lịch sử của người dân ngõ này xuất phát từ những gia đình làm nghề thêu di cư từ Thường Tín lên đây. Từ sáng cho tới khi mặt trời chuẩn bị lặn, lúc nào cũng thấy các cô ngồi bên khung thêu.

Nghề thêu đòi hỏi khéo tay và chăm chỉ. Do ngồi trong nhà cả ngày nên da dẻ các cô trắng trẻo. Hàng thêu làm ra được họ mang bán tại phố Hàng Thêu.

Câu "gái Tạm Thương" có ý nghĩa ngợi khen các cô gái làm nghề thêu khéo tay, chăm chỉ. Hiện trong ngõ Tạm Thương vẫn còn ngôi đình thờ Lê Công Hành, ông tổ nghề thêu. Ngôi đền này cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 vẫn còn là nơi bày bán đồ thêu.

Do vậy câu "Trai Ngõ Trạm, gái Tạm Thương" chỉ những đôi trai tài, gái sắc, chịu thương chịu khó" - bà Hào cho biết cách diễn giải lời truyền miệng hoàn toàn khác hẳn với ý không hay ho như một số người lầm tưởng.

Dường như không đành lòng nhìn những cô gái Tạm Thương chịu nỗi oan khuất kéo dài hàng thế kỷ nên cả những người hát xẩm đất Thăng Long cũng góp nhạc, thêm lời nhằm "thanh minh" cho gái Tạm Thương:

"Em là con gái Tạm Thương/ Dù không cày cấy, lương vào cũng có một đôi quây/ Ghét cho miệng thế đặt bày/ Moi gan móc ruột khép lựa điều này tiếng kia".

Thời hiện đại, những cô gái Tạm Thương đã không còn chịu điều tiếng bởi một câu ngạn ngữ không rõ lai lịch, nguồn gốc. Con ngõ nhỏ càng được nhớ đến qua những vần thơ rất tình của nhà thơ Chế Lan Viên.

Ngõ Tạm Thương bây giờ đã trở thành địa chỉ nổi tiếng của người Hà Nội. Cả con ngõ chỉ dài chừng vài trăm mét nhưng có đến hàng chục quán nem chua mở san sát.

Có những quán khách đến quá đông mà quán chỉ rộng không đến 10m2 khiến nhiều người đến ăn phải ngồi ghép đoàn hoặc ngồi ra đường, không thì phải đứng chờ.

Nhộn nhịp buôn bán là thế nhưng khi đi đến Tạm Thương mới biết. Mọi thứ trong ngõ như đọng lại với thời gian bởi người dân Tạm Thương vẫn giữ cho mình sự lịch thiệp, bình dị và chậm rãi của người Hà Nội xưa, khác xa với những xô bồ, ồn ào của phố xá tấp nập ngoài kia.

Mỗi buổi chiều, bà Hào lại ngồi quán trà đầu ngõ, bỏm bẻm nhai trầu nhìn những đôi trẻ yêu đương, tán tỉnh nhau bằng những vần thơ rất tình: "Thương một đời sao gọi là Tạm Thương?".

Còn có giả thuyết khác cho rằng tên ngõ Tạm Thương khởi nguồn từ mối tình đẹp của vua Lý Thánh Tông với cô hái dâu, tức nguyên phi Ỷ Lan. Khi giai nhân này chưa được vào cung, nhà vua đã xây lầu Động Tiên cho nàng ở ngay khu vực ngõ Tạm Thương hiện nay. Và cũng từ đó cái tên yêu thương này được truyền đời. Bao năm qua, ngôi đình Yên Thái thờ nguyên phi Ỷ Lan vẫn nghi ngút khói hương trong con ngõ nhỏ...

Ngày ngày đi qua phố Đội Nhân, mấy người biết con đường mang tên anh hùng vị quốc vong thân. Thủ cấp của ông cũng mấy lần phải chuyển dời vì biến động lịch sử...

Kỳ tới: Chuyện chưa kể ở phố Đội Nhân

Chuyện chưa kể những tên đường nước Việt - Kỳ 4: Đường vua chúa trên kinh đô xưa Chuyện chưa kể những tên đường nước Việt - Kỳ 4: Đường vua chúa trên kinh đô xưa

TTO - Tại Huế, việc đặt tên (và niên hiệu) vua chúa cho các tuyến đường kể từ thời còn vương triều Nguyễn cho đến sau này có nhiều đổi thay và chuyện hậu trường không phải ai cũng biết...

BẢO LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên