05/04/2019 17:00 GMT+7

Chưa rõ cơ sở kỷ luật 3 cán bộ vụ xe biển xanh đón người nhà bộ trưởng

N.AN
N.AN

TTO - Trả lời Tuổi Trẻ Online về cơ sở của việc đề xuất xử lý ba cán bộ trong vụ việc dùng xe biển xanh đón người nhà bộ trưởng, lãnh đạo Bộ Công thương cho biết vẫn đang rà soát nên sẽ thông tin sau về cơ sở đưa ra quyết định xử lý này.


Chưa rõ cơ sở kỷ luật 3 cán bộ vụ xe biển xanh đón người nhà bộ trưởng - Ảnh 1.

Ông Hưng thông tin ba cán bộ bị kỷ luật - Ảnh: NAM TRẦN

Tại buổi họp báo của Bộ Công thương chiều 5-4, ông Đỗ Ngọc Hưng, phó chánh văn phòng Bộ Công thương, thông tin cụ thể về ba cán bộ được đề xuất xử lý kỷ luật liên quan vụ sử dụng xe biển xanh đón người nhà Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh.

Theo đó, căn cứ trên cơ sở kiểm tra rà soát các thông tin cũng như xem xét kỹ vụ việc, quá trình thực tế đóng góp của các cá nhân liên quan khi công tác tại Bộ Công thương, các quy định của Chính phủ liên quan, Bộ Công thương đã kiến nghị hình thức kỷ luật với 2 mức độ.

Cụ thể những cán bộ bị kiểm điểm gồm ông Trần Duy Hưng - chuyên viên lễ tân, ông Đào Tùng Lâm - trưởng phòng lễ tân, và ông Đỗ Hữu Côi - phó chánh văn phòng Bộ Công thương - với hai mức: khiển trách và kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc.

Tuy nhiên, ông Hưng từ chối trả lời về cơ sở nào để Bộ Công thương đưa ra quyết định kỷ luật trên, các thông tin cụ thể về vụ việc để đảm bảo xử lý đúng người, hợp lý mà Tuổi Trẻ Online đặt ra. 

"Chúng tôi sẽ có xem xét xem mức đưa ra có phù hợp thỏa đáng hay chưa để tới đây khi có kết luận thì mới cung cấp thông tin" - ông Hưng nói.

Thông tin thêm về vấn đề này, ông Đỗ Thắng Hải, thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết với trách nhiệm người đứng đầu, Bộ Công thương sẽ làm đúng chức trách, nhiệm vụ và quyền hạn. 

Theo đó, với cán bộ bị kỷ luật thì hội đồng kỷ luật đã có ý kiến, còn với cán bộ cấp cao sẽ đưa ra Ban cán sự, bộ sẽ thực hiện theo đúng thẩm quyền với tinh thần trách nhiệm cao và khách quan.

Hiện có 9/28 đầu mối xăng dầu âm quỹ

Đối với việc điều hành xăng dầu, ông Hải cho biết xăng dầu là mặt hàng điều hành tiến tới theo cơ chế thị trường khi có 28 đầu mối và sắp tới còn tăng lên khi hiện nay xét tiếp đầu mối nữa.

Cách điều hành theo Nghị định 83/2014 cũng đã có công thức tính giá xăng dầu, chỉ có mức bình quân 15 ngày lấy sàn Singapore để tính vào giá thành chính thức, cộng thêm việc sử dụng Quỹ bình ổn giá. Quỹ này được trích 300 đồng/lít vào giá và do doanh nghiệp quản lý, hiện chỉ có 9/28 doanh nghiệp đầu mối âm quỹ.

Xu hướng giá giảm nhưng thực tế từ kỳ điều hành trước đó ngày 18-3 đã giữ ổn định giá, chi 2.500 – 2.800 đồng/lít đều xuất quỹ để giữ giá theo chỉ đạo của Chính phủ, tránh việc chồng chéo tăng giá điện. Đến kỳ điều hành ngày 2-4 thì giá xăng tăng thêm hơn 5%, dầu giảm nhẹ, nếu tiếp tục bù nữa thì "lấy đâu ra mà bù" nên ông Hải cho rằng phải tiếp tục tăng giá cũng như sử dụng quỹ.

Về Quỹ bình ổn xăng dầu, ông Hải cho rằng cần sớm bỏ quỹ đi, nhưng trong thời điểm hiện nay đã đưa vấn đề này ra và thống nhất khi Việt Nam chưa phải là nền kinh tế thị trường thực thụ, thì cần phải có sự can thiệp Quỹ bình ổn. Đây cũng là khó khăn của nhà điều hành để bình ổn giá cả thị trường.

"Điều hành sắp tới, ông Hải cho biết sẽ bám vào giá thế giới, Nghị định 83/2014, báo cáo các cấp có thẩm quyền để có phê duyệt mới điều hành. Từ ngày 24-2 có sự cố Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, chiếm 39 – 40% thị phần, làm thế nào đáp ứng đủ xăng dầu và đối tượng. Nên thiếu 39% thì vai trò thế nào, nên chúng tôi yêu cầu họ nhập khẩu xăng dầu với thuế suất 20% thay vì 10%. Nếu một đất nước thiếu năng lượng thì như thế nào, nên chúng tôi đã báo cáo để có điều hành đủ xăng dầu" – ông Hải băn khoăn.


N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên