21/02/2019 12:11 GMT+7

Chùa Quán Sứ vẫn giải hạn với giá niêm yết

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Trong ngày 20-2, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Bộ VH-TT&DL đã ra văn bản với cùng mục đích nhằm chấn chỉnh hoạt động dâng sao giải hạn, không để việc tổ chức dâng sao giải hạn thành biến tướng, bị trục lợi.

Chùa Quán Sứ vẫn giải hạn với giá niêm yết - Ảnh 1.

Hàng nghìn người dân cùng hướng về chùa Phúc Khánh để cầu an dịp rằm tháng giêng - Ảnh: NAM TRẦN

Nhưng ngay trong ngày Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra văn bản yêu cầu tăng ni, nhất là chư vị lãnh đạo giáo hội không được trục lợi với lễ cầu an thì tại ngôi chùa là trụ sở của giáo hội ở Hà Nội vẫn tổ chức lễ giải hạn cho hàng trăm người.

Dưới phòng lễ của chùa, "nhân viên" vẫn ngồi trực tiếp nhận đăng ký làm giải hạn cho những người có nhu cầu với giá "niêm yết" là 500.000 đồng một gia đình.

Giáo hội: không trục lợi lễ cầu an

Sáng 20-2, giữ đúng "lời hứa" mà hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - phó chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam - từng chia sẻ với Tuổi Trẻ , Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức ra văn bản yêu cầu tăng ni, nhất là chư vị lãnh đạo giáo hội, không được trục lợi với lễ cầu an.

Văn bản do hòa thượng Thích Thiện Nhơn ký khẳng định việc các chùa tổ chức nghi lễ cầu quốc thái dân an, mong muốn đem lại bình an cho mọi người là việc làm có ý nghĩa đem lại sự lạc quan trong cuộc sống.

Tuy nhiên, trong mấy năm trở lại đây đã tồn tại một thực tế là có sự sai lệch trong cách tổ chức nghi lễ cầu an ở một số chùa như báo chí đã phản ánh.

Do đó, Ban Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu tăng ni, nhất là các chư vị lãnh đạo giáo hội, cần gương mẫu trong việc tổ chức nghi thức cầu an đầu xuân tại các chùa bằng các pháp hội Dược Sư cầu quốc thái dân an.

Chùa Quán Sứ vẫn giải hạn với giá niêm yết - Ảnh 2.

Dù sáng 20-2 Giáo hội Phật giáo Việt Nam có văn bản chấn chỉnh về dâng sao giải hạn nhưng chiều cùng ngày, thông báo về lịch cúng sao vẫn niêm yết công khai ở chùa Vĩnh Nghiêm (TP.HCM) - Ảnh: TUYẾT KIỀU

Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh việc tổ chức các lễ cầu an này phải "đảm bảo trang nghiêm, tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan, không để xuất hiện yếu tố dịch vụ, trục lợi mà phải đúng chính pháp".

Ban Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố hướng dẫn, chỉ đạo các chùa trong cả nước thực hiện đúng tinh thần của nội dung văn bản chỉ đạo này, "vì sự nghiệp hoằng dương chính pháp, không để xã hội hiểu sai về Phật giáo, giữ gìn hình ảnh trí tuệ của Phật giáo và Giáo hội Phật giáo Việt Nam".

Chiều cùng ngày, Bộ VH-TT&DL đã có văn bản gửi Ban Tôn giáo Chính phủ và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị cùng có biện pháp để chấn chỉnh, "không để việc tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi, ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc".

Văn bản do Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy ký thừa nhận tại một số cơ sở thờ tự Phật giáo, di tích tổ chức dâng sao giải hạn có thu tiền, lợi dụng nhu cầu chính đáng của người dân để trục lợi.

Chùa Quán Sứ vẫn giải hạn với giá niêm yết - Ảnh 3.

Lễ giải hạn cho hàng trăm hộ gia đình với giá 500.000 đồng/hộ vẫn diễn ra chiều 20-2 tại chùa Quán Sứ - trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Trước đó, ngày 18-2, Ban Tôn giáo Chính phủ cũng có văn bản gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương, nhắc lại một số hoạt động tín ngưỡng như dâng sao giải hạn, đốt vàng mã, hầu đồng... đang tạo nên những dư luận xã hội nhiều chiều, làm ảnh hưởng đến hình ảnh Phật giáo Việt Nam.

Ban Tôn giáo yêu cầu UBND các tỉnh, TP có văn bản hướng dẫn, đề nghị trụ trì các cơ sở thờ tự của Phật giáo không tổ chức các hình thức tín ngưỡng không thuộc truyền thống Phật giáo, chấn chỉnh, trang nghiêm cơ sở thờ tự, hạn chế, tiến tới xóa bỏ các hình thức mê tín dị đoan trong cơ sở thờ tự Phật giáo.

Vẫn giải hạn với giá niêm yết

Chính trong ngày mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ra văn bản yêu cầu tăng ni, nhất là chư vị lãnh đạo giáo hội, không được trục lợi với lễ cầu an, chùa Quán Sứ (Hà Nội) - trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam - tổ chức lễ giải hạn cho hàng trăm gia đình với giá từ 500.000 đồng mỗi hộ.

Có mặt tại chùa Quán Sứ chiều 20-2, chúng tôi bắt gặp cảnh tượng hàng trăm người đang được nhà chùa cúng giải hạn trước gian tam bảo của chùa.

Một phụ nữ trẻ tham gia buổi lễ giải hạn cho biết chị gửi nhà chùa 600.000 đồng bởi nhà chị năm nay có tới 2 người "bị sao xấu", dù 500.000 đồng là giá nhà chùa "niêm yết".

Chùa Quán Sứ vẫn giải hạn với giá niêm yết - Ảnh 4.

Người dân đến dâng sao giải hạn tại chùa Phúc Khánh , Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Chị Hương (30 tuổi, quận Hoàn Kiếm) cho biết gia đình đã có truyền thống làm lễ cầu an tại chùa này trong 6-7 năm nay.

Theo chị, việc bỏ ra vài trăm ngàn mua lấy sự yên tâm thì ai cũng muốn làm, bởi cuộc sống bây giờ có quá nhiều bất an.

Trong khi đó, người em họ tên Tú đi cùng chị lại nói rất rành rọt về chuyện giáo lý nhà Phật không hề có chuyện dâng sao giải hạn và mọi người thay vì cúng giải hạn thì nên tu tâm sửa tính, năng hành thiện để nhận quả thiện.

Hỏi Tú tại sao không "giáo hóa" cho chính chị họ của mình, Tú nói cái gì cũng phải có duyên, có lẽ chị họ của bạn chưa tới duyên để thấm được những lời này.

Trước đó, tối 19-2, chùa Phúc Khánh (Hà Nội) vốn do thượng tọa Thích Thanh Quyết - phó chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam - trụ trì vẫn tổ chức lễ giải hạn cho hàng nghìn người.

Cảnh tượng quen thuộc lại diễn ra: cả một biển người ngồi tràn ra đường, chiếm cả đường giao thông vì chùa không đủ chỗ cho lượng người quá lớn đăng ký nộp tiền để được giải hạn ở đây.

Những hiện tượng này hẳn sẽ khiến nhiều người hoài nghi về hiệu quả từ những văn bản yêu cầu chấn chỉnh dâng sao giải hạn, tiến tới loại bỏ chuyện biến tướng mà các cơ quan có trách nhiệm vừa "dồn dập" ban ra. Có lẽ, rất cần phải có những hành động mạnh mẽ hơn nữa thì ước nguyện chấn hưng văn hóa đi chùa của người dân bấy lâu nay mới sớm được thỏa nguyện?!

"Phải từ từ"

Hỏi chuyện tràn lan dâng sao giải hạn với "doanh thu" khủng tại nhiều ngôi chùa ở Hà Nội, một lãnh đạo ngành văn hóa của thành phố giấu tên nói đó là một việc khó, phải "từ từ làm chứ đòi làm ngay một lúc thì không làm được".

Theo vị lãnh đạo này, lễ cầu an là một việc tốt. Mọi người dân có nhu cầu được bình an, yên ổn là tốt. Nhưng cách làm nghi lễ này đang rất quá đà và biến tướng, ở chỗ một số nhà chùa đã lợi dụng nhu cầu này của người dân để trục lợi, kinh doanh kiếm tiền. "Nhiều người lạm dụng để làm tiền, còn người dân thì mê tín. Muốn chấn chỉnh, trước hết người trụ trì chùa cần thay đổi, không thể mỗi ngày thu cả tỉ đồng như thế", vị lãnh đạo này nói.

Về dịch vụ tâm linh đắt đỏ ở chùa Phúc Khánh, ông này cho biết cả chục năm nay đã như thế rồi. Nhưng chấn chỉnh rất khó.

Ở cương vị quản lý văn hóa một địa bàn còn nhiều hiện tượng sai lạc về tín ngưỡng như Hà Nội, giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Tô Văn Động nói: "Tôi rất mong các cơ quan liên quan, các cấp, các ngành đồng bộ vào cuộc tuyên truyền, kiên quyết xử lý sai phạm (nếu có) để chấn chỉnh hoạt động này, đưa việc cầu an dần trở về một nếp văn hóa đẹp, đúng nghĩa của nó. Để loại bỏ các hoạt động biến tướng, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị".

* Thượng tọa THÍCH LỆ TRANG (phó ban trị sự kiêm trưởng ban nghi lễ Phật giáo TP.HCM):

Hiểu đúng để sống đúng, làm đúng sẽ có bình an

anh thay le trang 20-2 3(read-only)

Thượng tọa THÍCH LỆ TRANG

Quan niệm của dân gian - tín ngưỡng Tam giáo (tín ngưỡng đa thần) cho rằng mùng 9 tháng giêng là sinh nhật của Đại Phạm Thiên (tức Ngọc hoàng Thượng đế), nên các tinh tú trên bầu trời đều chầu về để chúc mừng. Nhân ngày đầu xuân, với ý niệm hóa giải tai chướng, người ta thắp đèn để cảm ứng với quỹ đạo của tinh tú trên bầu trời. Khi mọi việc đi đúng quỹ đạo sẽ thành tựu, đi ngoài quỹ đạo sẽ chiêu cảm thất bại. Thắp đèn là để cảm ứng các tinh tú đi vào quỹ đạo của hành tinh đó.

Đạo Phật không bác bỏ tập tục đó mà dung hòa, nhưng thắp đèn của Phật giáo không dừng lại ở đó, với hình ảnh thắp đèn còn dạy cho con người thắp sáng đạo đức, trí tuệ - sống như thế nào để không đi ngược lại quỹ đạo của đạo đức, lối sống đẹp. Qua cái nhìn của lý nhân quả, một khi mình biết sống có nhân - lễ - nghĩa - trí - tín, hay nói theo Phật là luôn giữ gìn nguyên tắc đạo đức (giới luật) cũng giống như đi vào quỹ đạo của một tinh tú (quan niệm của Tam giáo, mỗi người sinh ra đều tương ứng với một tinh tú) thì từ đó hóa giải khổ đau.

Việc thắp đèn trong đàn Dược Sư của lễ cầu an là thắp ngọn đèn tỉnh thức trong tâm mình, không dừng lại ở cầu cúng van xin mà là phải tỉnh thức để sống không còn mê lầm. Nhìn ngọn đèn để mình tỉnh thức để biết chế tác ra năng lượng bình yên, từ suy nghĩ - nói năng - hành động luôn đem lại hạnh phúc có khả năng hóa giải cái khổ đau mình đã gieo tạo trước đó. Rất tiếc quan niệm trên không được triển khai.

Không ai có thể đem lại hạnh phúc cho ta, cũng không ai có thể gieo rắc khổ đau cho ta, mà hạnh phúc hay khổ đau là do ta, đó là chân lý. Trong đạo Phật không có chủ trương cũng không đả phá, đạo Phật đưa vào ngọn gió tỉnh thức để mọi người phải tu tập.

Ban trị sự Phật giáo TP.HCM, đứng đầu là hòa thượng Thích Trí Quảng, chủ trương tổ chức đàn Dược Sư trên tinh thần đối trị, giúp người ta thay đổi nhận thức, thấy đúng, hiểu đúng. Về hình thức đàn Dược Sư cũng thắp đèn, tín ngưỡng dân gian cũng thắp đèn, nhưng trong nội dung - người có học Phật, người hiểu Phật thì thấy đó là đề tài để tu tập; người không hiểu đạo thì thấy đó là buổi lễ để van vái, cầu xin.

Theo tôi, người làm văn hóa, thực hành văn hóa cần nghiên cứu kỹ để làm đúng, sống đúng sẽ có bình an.

TẤN KHÔI ghi

Cần dẹp bỏ việc dâng sao giải hạn Cần dẹp bỏ việc dâng sao giải hạn

TTO - Riêng chuyện dâng sao giải hạn, nhiều chùa đang lợi dụng sự mê tín của người dân, cố tình phớt lờ giáo lý nhà Phật, biến lễ dâng sao giải hạn thành chuyện kinh doanh ồn ào bán mua, kiếm hàng chục tỉ đồng mỗi năm.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên