19/02/2010 07:00 GMT+7

Chùa Cổ Thạch uy nghi

LÊ VĂN THÀNH(Bà Rịa - Vũng Tàu)
LÊ VĂN THÀNH(Bà Rịa - Vũng Tàu)

AT - Phan Thiết nói riêng và Bình Thuận nói chung đã thành thương hiệu với khách du lịch trong và ngoài nước. Hàng loạt điểm đến như bãi biển La Gi, mũi Kê Gà, Mũi Né, Hòn Rơm... Nhưng nếu bạn một lần theo tour hay "ta balô” tới Bình Thuận mà không ghé chân về chùa Cổ Thạch thì có lẽ bạn sẽ tiếc nuối, bởi rằng...

2PBBbYrB.jpgPhóng to
Cổng Tam quan

Chùa Cổ Thạch - một dáng hình độc đáo uy nghi

Chùa Cổ Thạch có nghĩa là "chùa đá xưa", còn có tên chùa Hang, tọa lạc trên khu đồi núi đá thấp, cao chừng 60m, tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, cách TP Phan Thiết khoảng 100km ra hướng Bắc.

Bắt đầu từ những năm 1835-1836, thiền sư Bảo Tạng tìm đến Bình Thạnh đã khai lập nên chùa Cổ Thạch và trụ trì nơi đây năm năm. Sau đó, vị thiền sư giao chùa cho các đệ tử trông coi, ông tiếp tục độc hành về phía Nam của Tổ quốc và dừng chân ở miền Đông Nam bộ (Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu).

Đầu tiên chùa chỉ là một thảo am nhỏ vách ván, lợp lá, qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo đến thời Thiệu Trị chùa được xây dựng lớn cả về không gian lẫn nghệ thuật và còn giữ hầu như nguyên vẹn đến ngày nay. Toàn bộ ngôi chùa có diện tích 1.200m2, bao gồm: khu chánh điện, khu tam quan ngoại và các công trình phụ cảnh khác ẩn hiện trong cây rừng, lưng tựa vào triền núi, mặt hướng ra biển cả bao la... Đầu năm 1997, chùa xây dựng thêm nhiều tượng Phật Bà Quan Âm rải rác ven biển, tạo phong cảnh đẹp khi đứng trên chùa nhìn xuống.

Ngôi chùa sừng sững, nổi bật trên cao giữa bầu trời xanh lộng gió. Hình thể các công trình kiến trúc từ Tam quan, lầu Chuông, gác Trống, chánh điện nhà thờ Phật Tổ... và các công trình khác của chùa thể hiện nghệ thuật tạo dáng tinh tế nơi cổ tự.

Đường vào cổng Tam quan gồm 36 bậc thang gắn kết bằng phiến thạch. Dưới chân bậc thang là đôi rồng uốn lượn hai bên. Bên phải chiếc cầu nơi cổng là bức tượng hình hổ ngồi và đối xứng qua là tượng voi nằm với kỹ thuật tạc tạo tinh vi. Ba phiến đá tự nhiên xếp thành hàng ngang trước khu chánh điện tạo dáng con cá kình (theo kinh của Phật gọi là con "ma kiệt", một loài thủy quái được xem là hóa thân từ Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát để giúp đỡ ngư dân khi gặp nạn ở biển khơi).

Và khi du khách đi vào từng hang đá trong chính điện, mới cảm hết sự trang nghiêm của phật đường. Mỗi hang động là mỗi vẻ đẹp tự nhiên kết hợp với kiến trúc cổ trở nên huyền bí một cách lạ lùng.

jKUbbXjc.jpgPhóng to

Lầu Chuông nhìn từ gác Trống

Biển ở chùa Cổ Thạch - một vẻ đẹp nguyên sơ lịch lãm

Ngược lại với dáng vẻ uy nghi của ngôi chùa, ngay phía dưới chân chùa là đại dương mênh mông tạo nên một cảnh quan sơn thủy hữu tình. Khách tới, sau khi viếng chùa, không thể không thả mình với biển. Nơi đây là một quần thể cảnh quan sinh thái đủ để du khách bị hút hồn

choáng ngợp, rồi lắng lại với một bờ biển hình vòng cung, dọc theo bờ là bãi đá Cá Sấu với dáng hình kỳ ảo do hàng ngàn lớp đá cuội tạo thành. Cạnh đó là những bãi tắm với bờ cát sạch mịn, độ dốc thoai thoải an toàn, rất lý tưởng với du khách. Xa xa phía mũi La Gàn, các đồi cát nhấp nhô trải dài theo bãi biển rất nên thơ.

Biển nơi đây nước trong xanh và sạch, cứ như nước cõi Phật, còn mang trong mình vẻ nguyên sơ. Thiên nhiên trong lành của biển, cảnh sắc tuyệt vời của đá núi, biển xanh... yên tĩnh, hầu như đêm ngày chỉ có tiếng sóng vỗ bờ hay vỗ vào ghềnh đá, rồi tiếng chim biển thi thoảng liệng ngang trời...

Theo truyền thuyết dân gian, ngày xưa, vào những đêm trăng rằm, tại nơi bãi tắm hoang vu này từng có nhiều tiên nga xuống trần tắm gội, nô đùa. Sau đó, các nàng tiên ấy bay đến cái giếng có hình dấu chân người ở phía dưới chân chùa Cổ Thạch uống nước, ca hát. Đến gần sáng, các nàng tiên lại bay trở về trời. Tên gọi giếng Tiên có tự bao giờ không ai biết đã được kể lại và lưu truyền cho đến hôm nay.

Ngoài ra, chùa Hang còn là điểm bí mật nuôi giấu cán bộ, trong đó có nhiều vị lãnh đạo cấp cao của Chính phủ. "Hang âm phủ” ở phía sau gác Trống (nay đã lấp kín) chính là con đường độc đạo ngầm sâu trong lòng đất có lối ra tận bờ biển đã giúp cho nhiều cán bộ cách mạng thoát khỏi nhiều trận càn quét, bắn phá của giặc trong suốt hai thời kỳ kháng chiến. Vì vậy ngày 21-12-1993, chùa Cổ Thạch đã được Bộ Văn hóa - thông tin công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa quốc gia.

IjmdnkRS.jpgPhóng to

Áo Trắng số 4 (ra ngày 1/2/2010) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

LÊ VĂN THÀNH(Bà Rịa - Vũng Tàu)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên