18/01/2022 09:27 GMT+7

Chùa Cầu được 'giải cứu'

LÊ TRUNG
LÊ TRUNG

TTO - Theo nội dung phê duyệt, đối với chùa Cầu, việc tu bổ bao gồm công tác hạ giải, gia cố các cấu kiện có nguy cơ bị phá hủy. UBND TP Hội An làm chủ đầu tư, thực hiện từ nay đến năm 2023.

Chùa Cầu được giải cứu - Ảnh 1.

Trải qua thời gian hàng trăm năm, chùa Cầu hiện nay xuống cấp nhanh chóng. Trong ảnh: những vết nứt ở thanh gỗ phần mái chùa Cầu - Ảnh: LÊ TRUNG

Đây là điều đáng mừng cho người dân Hội An và ngành du lịch địa phương, sau nhiều năm chùa Cầu xuống cấp nghiêm trọng.

Việc chùa Cầu được rót kinh phí "giải cứu" khiến người dân phố cổ vui mừng quá đỗi. Ông Nguyễn Văn Thắng (55 tuổi, phường Minh An, Hội An) nói rằng lâu nay thấy di tích xuống cấp mà người dân ai nấy cũng xót xa. "Nay chùa Cầu được tu bổ, chúng tôi cảm thấy yên tâm" - ông Thắng nói.

Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn cho rằng việc này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác bảo tồn phát huy các di sản văn hóa, nhất là văn hóa vật thể của Hội An, vì chùa Cầu là biểu tượng của đô thị cổ Hội An cũng như mối quan hệ giao lưu hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản trong suốt mấy trăm năm qua.

"Thời điểm này tổ chức việc trùng tu cũng rất phù hợp vì rất ít khách, tác động đến hoạt động tham quan cũng ít. Hy vọng với sự chuẩn bị kỹ càng chu đáo, cùng với sự tham gia tích cực của các chuyên gia Nhật, chúng ta sẽ triển khai tu bổ công trình đạt hiệu quả" - ông Sơn nói.

Ông Nguyễn Thanh Hồng, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Quảng Nam, cũng cho rằng thời điểm này việc trùng tu là thuận lợi nhất khi tranh thủ lúc dịch COVID-19, chùa Cầu đón ít khách và chuẩn bị đón Năm Du lịch quốc gia 2022.

Theo ông, dự án tu bổ, trùng tu đã được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch thống nhất, đã tham vấn ý kiến Đại sứ quán Nhật Bản và nhiều chuyên gia trong nước. Ông hy vọng dự án hoàn thành cũng là lúc chùa Cầu đón làn sóng khách du lịch quay lại Hội An.

Sau nhiều năm lắng nghe ý kiến tham vấn của các chuyên gia trong và ngoài nước, mới đây tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt dự án tu bổ di tích chùa Cầu với kinh phí hơn 20 tỉ đồng.

Chùa Cầu được cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1990. Di tích này là biểu tượng của phố cổ Hội An, được xây dựng cách đây hơn 400 năm.

Do tác động của thời gian, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, các nhà khoa học nhận định hệ thống chịu lực chính nói chung đã xuống cấp rất rõ, đặc biệt bộ phận chịu lực quan trọng nhất gồm móng, mố, trụ.

Lượng khách đến tham quan, nhất là vào dịp lễ Tết đông đúc, đã phần nào tác động đến di tích này.

Những năm trước, để tạm thời bảo vệ di tích, các ngành chức năng đã triển khai chống đỡ và gia cố tạm thời các vị trí xuống cấp. Bên cạnh đó còn hạn chế mỗi đợt khách lên tham quan chùa Cầu không vượt quá 20 người.

Tỉnh cùng các đơn vị tổ chức hội thảo quốc tế để đánh giá hiện trạng công trình. Nhiều ý kiến đều đòi hỏi phải khẩn cấp bố trí vốn, có phương án "giải cứu" công trình trước khi có nguy cơ đổ sập.

Hơn 20 tỉ dành cho tu bổ Chùa Cầu Hơn 20 tỉ dành cho tu bổ Chùa Cầu

TTO - Ngày 14-1, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt dự án tu bổ di tích Chùa Cầu (Lai Viễn Kiều) và giao UBND TP Hội An làm chủ đầu tư với nguồn vốn hơn 20 tỉ đồng.

LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên