25/08/2014 04:00 GMT+7

Chú ý đối tượng dễ tổn thương

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TT - Đối tượng được cho là dễ bị tổn thương trong xã hội gồm: các bạn trẻ sau cai nghiện, phạm pháp, mãn hạn tù trở về hoàn lương.

Các cán bộ Hội chủ chốt tại TP.HCM đã đóng góp xây dựng dự thảo văn kiện chuẩn bị trình Đại hội Hội Liên hiệp thanh niên VN (LHTN VN) TP.HCM nhiệm kỳ 2014-2019 vào tháng 10 tới.

Trang bị kỹ năng cho cán bộ Hội Liên hiệp thanh niên
Đoàn đẩy mạnh việc tham gia cảm hóa bạn trẻ chậm tiến
Quà tết đến với thanh niên khó khăn, người khuyết tật

Chủ tịch Hội LHTN VN TP.HCM Phạm Hồng Sơn tặng quà cho các bạn thanh niên có hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: Q.L.

Chị Đoàn Thị Ngọc Thương (Q.4) băn khoăn liệu Hội có bỏ rơi đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội như các bạn trẻ sau cai nghiện, phạm pháp, mãn hạn tù trở về hoàn lương.

Hỗ trợ tư vấn pháp luật

Nhiều đề xuất cho công trình thanh niên

Có nhiều đề xuất quanh việc chọn công trình thanh niên của nhiệm kỳ 2014-2019. Chị Ngọc Thương (Q.4) đề nghị chọn công trình liên quan đến việc hỗ trợ thanh niên hoàn lương, có nguy cơ vi phạm pháp luật nắm bắt pháp luật để hạn chế thấp nhất tỉ lệ đối tượng trẻ vi phạm pháp luật. Trong khi chị Nguyễn Nhật Hà (Q.5) mong có công trình trao tặng thẻ bảo hiểm y tế cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn.

Chị Hoàng Thu Nam (Q.4) lại đề nghị làm công trình cà phê sách với đa dạng các loại sách để thanh niên đến đó vừa uống cà phê thư giãn, vừa có thể tìm cho mình cuốn sách quan tâm hoặc mượn về nhà đọc. Riêng anh Vũ Minh Hoàng (Q.8) cho rằng nên thành lập trung tâm nghiên cứu sự phát triển của thanh niên TP về nhiều mặt, từ cơ sở đó mới đề ra những chương trình hành động phù hợp hay kịp thời tháo gỡ những vướng mắc cho các bạn.

“Chúng ta vẫn nghe tình trạng trẻ hóa của các đối tượng vi phạm pháp luật nhưng cảm giác là Hội chưa thật sự đồng hành cùng họ. Làm sao để năm năm tới, những bạn trẻ này phải được quan tâm nhiều hơn trong từng hoạt động, công tác của Hội” - chị Thương phát biểu.

Theo chị Thương, trong những phiên tòa, nhiều bạn trẻ đứng trước vành móng ngựa nhưng chưa thật hiểu hết tội phạm mình đã gây ra. Mà điều này Hội hoàn toàn có thể hỗ trợ bằng các chương trình tư vấn pháp luật, nhất là hướng tới các bạn có nguy cơ phạm pháp, giúp các bạn biết luật cũng là cách hạn chế bớt tình trạng trẻ hóa tội phạm. “Chúng ta phải giúp các bạn hòa nhập khi trở lại xã hội để họ không tái phạm, cũng như các thủ tục xóa án tích để các bạn tự tin hòa nhập cuộc sống” - chị Thương phân tích.

Cùng suy nghĩ, anh Bùi Hoàng Phương (Củ Chi) cho rằng cần có ký kết phối hợp hoạt động với công an để việc tiếp cận thanh niên chậm tiến dễ dàng hơn. Anh Phương đề nghị: “Trang bị cho mỗi phường, xã ít nhất một tủ sách pháp luật để ngoài các buổi tư vấn, thanh niên tự đọc và tiếp cận với kiến thức pháp luật, những định hướng mới của Nhà nước”.

Có nhiều ý kiến cho rằng vai trò làm bạn với thanh niên đã được xác định rõ, song Hội vẫn còn nhiều việc phải làm để có thể trở thành bạn thật sự, đúng nghĩa của thanh niên. Anh Trương Phi Hùng (Bình Chánh) nói: “Thời gian qua chúng ta đã khơi sức, kêu gọi thanh niên cống hiến nhiều hơn là chăm lo cho các bạn. Dù không thiếu hoạt động đồng hành, chăm lo nhưng cảm giác vẫn còn thiếu, chưa phủ hết các đối tượng thanh niên nên chúng ta cần hỗ trợ, chăm lo cho đối tượng của hội nhiều hơn”.

Nhìn từ góc độ ấy, anh Vũ Minh Hoàng (Q.8) đề nghị các khóa đào tạo nghề cả miễn phí lẫn có thu một phần chi phí nên chuyển về quận huyện, đừng chỉ đạo tạo cố định tại Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên vì có những địa bàn cách trung tâm khá xa. Cùng quan điểm đưa việc đào tạo về cơ sở, anh Bùi Hoàng Phương (Củ Chi) còn mong muốn không chỉ đào tạo nghề ngắn hạn hay dài hạn, mà nên có nguồn công việc và cam kết hỗ trợ việc làm cho học viên sau khi có tay nghề, có vậy mới thu hút các bạn theo học.

Nên có giải thưởng của Hội

Cũng có phát biểu đề nghị xem lại việc vận hành của quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Bởi theo một đại diện của Q.11, thời gian thẩm định dự án, phát vay của quỹ còn chậm, chưa kể việc tính lãi vẫn cố định từ đầu kỳ vay chứ không giảm dần khi nợ gốc giảm nên tính ra lãi suất không ưu đãi hơn vay từ các nguồn khác mà có khi còn muốn cao hơn!

Trước dự thảo về việc thành lập mới các chi hội, câu lạc bộ, đội nhóm, nhiều anh chị ưu tư sao không phải là đầu tư cho những câu lạc bộ, đội nhóm có sẵn để nội dung hoạt động phong phú, hình thức sinh hoạt thu hút, nhất là các câu lạc bộ theo sở thích, đặc thù ngành nghề.

Anh Nguyễn Ngọc Quyên (Q.9) đề xuất song song với cơ cấu tổ chức Hội hiện có, Hội nên áp dụng mô hình tổ thanh niên tự quản và các chi hội theo sở thích, đặc thù ngành nghề vì cùng nghề nghiệp, sở thích như nhau các bạn dễ kết thân, dễ hoạt động, qua đó cán bộ Hội cũng nắm bắt được tình hình thanh niên.

Từ thực tế địa bàn có nhiều thanh niên tôn giáo và dân tộc, chị Phan Thị Thanh Vân (Q.Tân Bình) đề nghị trong tính toán hoạt động, Hội phải lưu ý hơn đến đối tượng thanh niên dân tộc, tôn giáo vì tính liên kết, sinh hoạt theo cộng đồng của nhóm các bạn này bền chặt và số lượng cũng không nhỏ trong tổng thể thanh niên TP.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hân (Q.1) đưa ý tưởng hình thành một giải thưởng riêng của Hội LHTN dành cho thanh niên, cán bộ Hội có những cống hiến xuất sắc cho Hội. “Chúng ta có nhiều giải thưởng của Đoàn nhưng thật sự chưa có bất kỳ giải thưởng nào của Hội, giải thưởng ấy sẽ tạo thêm động lực cho những ai tham gia hoạt động Hội” - chị Hân bày tỏ.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên