21/03/2014 04:00 GMT+7

Chợ… tàu

THÁI LỘC - VIỄN SỰ
THÁI LỘC - VIỄN SỰ

TT - Trên cung đường Đồng Hới - Vinh có ngôi chợ nhỏ nối kết những phận nghèo gắn liền với đôi tàu chợ VĐ31, VĐ32. Đó là chợ tàu - tên gọi khác của ga Ngọc Lâm thuộc xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình)...

HyKyz8Ja.jpgPhóng to
Cụ bà Trần Thị Nguyệt, 76 tuổi, đã bám chợ ga hơn 20 năm, bán tất cả những thứ mà gia đình cụ và con cháu làm được - Ảnh: Thái Lộc

Có tàu thì chợ mới đông

Chợ Ga Ngọc Lâm nằm trên khu đất cách ga Ngọc Lâm (xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) chừng 200m. Chợ họp rất muộn, mãi đến hơn 8g mới lác đác có vài người dân địa phương. Giờ đó chỉ có hàng cháo bánh canh và hàng bánh bột rán tập trung vài người ăn sáng.

Mấy hàng tạp hóa, hàng thịt và mắm muối mãi đến 8g30 mới lục tục bày hàng. Khi được hỏi sao lại họp chợ muộn như vậy, một cụ già giải thích: “Tàu đã tới mô mà họp. Có tàu thì chợ mới đông!”...

Hơn 9g khi còi tàu VĐ32 đi từ Đồng Hới vừa hụ ở ga, người dân Đức Ngọc mới cắp rổ, xách giỏ kéo đến chợ. Ở ga, tàu chỉ dừng ba phút nên mọi người đều hối hả xuống tàu. Hàng chục phụ nữ, già có trẻ có, người thì ôm rau, người bưng thúng cùng vẻ tất tả dồn về chợ.

Hỏi ra mới biết họ theo tàu đến từ nhiều nơi, gần thì ga Minh Cầm (cách 4km), Lạc Sơn (cách 9km), Lệ Sơn (cách 18km), xa thì từ ga Thọ Lộc (cách 49km), Ngân Sơn (cách 39km), Minh Lệ (cách 32km)...

Bà Nguyễn Thị Hường vừa đến từ ga Minh Lệ nằm trong số năm sáu người bán cá biển tại chợ tàu này. Mấy tháng trước, bà Hường thường hái rau nhà và mua thêm rau hàng xóm ở xã Quảng Minh (Quảng Trạch) theo tàu đến bán kiếm tiền mua thức ăn mang về.

Hai tháng gần đây rau ráng nhiều và rẻ quá, mỗi cân rau ngò, xà lách không quá 2.000 đồng. Rẻ vậy mà chẳng mấy ai mua, bà chuyển sang buôn cá biển.

Từ sáng sớm sau khi lo cơm nước cho chồng con, bà ra bến đò ngồi chờ. Những đò buôn đem cá từ vùng biển của huyện Quảng Trạch, Quảng Bình ngược sông Gianh, đến rạng sáng đã có mặt. Bà lấy mấy chục cân cá theo tàu đưa đến chợ Ga Ngọc Lâm.

Bà nói: “Tui đi chợ tàu ni hằng ngày hơn 20 năm rồi. Mỗi ngày tốn 20.000 đồng tiền tàu qua đây bán rau cỏ, cá mú kiếm chút đỉnh cũng đủ tiền đi chợ!”.

Tại một góc chợ, cụ Trần Thị Nguyệt, 76 tuổi, ở thôn Đức Ngọc, đang trải tấm nilông bày bán mấy liếp trầu, một nhánh cau tươi, mấy củ nghệ, lon tiêu hạt, mấy quả chanh và ba bó rau dại... Tất cả được cụ hái từ vườn đem đến bán kiếm tiền mua thức ăn.

Cũng như nhiều người cao tuổi ở đây, cụ Nguyệt mua bán tại chợ Ga Ngọc Lâm từ những ngày đầu chợ mới thành lập. Cụ cho biết trước đây người dân trong làng muốn mua thức ăn phải đến tận chợ Gát cách đó hơn 3km.

Hơn 30 năm trước, sau khi tàu chợ Vinh - Đồng Hới nối tuyến và dừng ở ga Ngọc Lâm, chính quyền xã đã dành khu đất trống gần ga, chỗ hiện nay làm nơi họp chợ để bà con buôn bán. Ban đầu chỉ lác đác người dân địa phương đem rau, cá tôm đến chợ mua bán, trao đổi.

Vùng đất ở đây khô cằn, nhiều sỏi và thiếu nước tưới nên khó trồng rau. Nhờ đó, người dân từ các ga lân cận như Ngân Sơn, Minh Lệ, Lạc Sơn đưa rau đến bán nên chợ đông dần.

Kể ra chợ Ga Ngọc Lâm cũng khá thuận tiện nếu tính theo đường bộ vì chỉ cách quốc lộ 12 chừng 100m. Tuy nhiên, ngay từ đầu ngôi chợ hoạt động đã phụ thuộc hoàn toàn vào đôi tàu VĐ.

Nhịp chợ cũng chính là nhịp tàu, hoạt động đúng theo giờ đến của đôi tàu chợ: đông từ 9g khi chuyến tàu VĐ32 từ Đồng Hới vừa đỗ, đưa khách xuống; vãn từ 11g30 khi chuyến tàu VĐ31 từ Vinh đến “ngước” khách đi.

Do đó, dù được đặt tên là chợ Ga Ngọc Lâm nhưng ta thường gọi theo tên khác là chợ tàu. Những ngày tàu VĐ ngừng chạy do lụt lội, đường sắt hỏng hóc cũng là lúc chợ nghỉ họp.

Đến từ ga Hoàn Lão (huyện Bố Trạch, Quảng Bình), bà Nguyễn Thị Lý đoan chắc nếu không có đôi tàu chợ này, thức ăn ở chợ Ga Ngọc Lâm sẽ đắt hơn rất nhiều chứ không thể có giá rẻ như hiện nay.

Bà Lý cho biết có lần đường sắt hỏng, tàu tạm dừng, rau đã mua lỡ, bà đánh liều đón xe từ Hoàn Lão ra Ba Đồn, rồi từ Ba Đồn lên chuyến xe khác theo quốc lộ 12 lên chợ tàu.

“Tiền xe đi về khi nớ ngốn gần hết tiền bán rau. Riêng người đã hết 80.000 đồng. Trong khi đi tàu chợ cả người lẫn hàng chỉ có 20.000 đồng. Mà nhờ tiền tàu ít thì rau mới rẻ như ri, người nghèo như ở chợ ni mới sống nổi chớ!” - bà Lý nói.

9ZLfOSup.jpgPhóng to
Bà Hoàng Thị Liên thồ hàng ở sân ga Ngọc Lâm với tiền công 2.000 đồng/chuyến - Ảnh: Thái Lộc

“Đội thồ hai ngàn”

“Sứ giả” giữa chuyến tàu chợ VĐ32 và khu chợ tàu ở ga Ngọc Lâm là một đội thồ rất đặc biệt của nhóm phụ nữ nghèo tại thôn Đức Ngọc. Họ có mặt sẵn khi tàu VĐ32 chuẩn bị đến ga.

Tàu dừng, rau nhanh chóng được chuyển xuống tàu, những phụ nữ trong đội thồ hối hả chất hàng hóa lên xe đạp. Họ nhanh chóng đẩy xe đầy hàng đi theo con đường mòn đất đỏ để xuống chợ.

Xong chuyến, họ lại tất bật đạp xe lên ga để kịp chở tiếp chuyến khác. Mỗi chuyến thồ hàng thông thường được trả 2.000 đồng nên được gọi là “đội thồ hai ngàn”.

Chỉ khi hàng hóa quá nặng, giỏ xách chất đầy mới được trả mỗi chuyến 3.000 đồng. Thỉnh thoảng mới có chuyến hàng 5.000 đồng được thuê chở từ ga Ngọc Lâm đến chợ Gát cách hơn 3km...

Các chủ hàng cho biết dù giá thuê rẻ mạt nhưng họ không thể nâng lên được chút nào nữa. Hàng hóa hầu hết là rau, cồng kềnh, cần được đưa đến chợ càng sớm càng tốt mới mong bán hết nên chủ hàng mới thuê.

Đúng theo giải thích của một người bán rau đến từ ga Minh Lệ: “Nếu không cho kịp buổi chợ thì tui đã không thuê chở. Rau rẻ mạt, còn phải chịu thêm tiền tàu nữa, nếu tiền thồ tăng thêm vài ba ngàn đồng nữa coi như hết tiền đi chợ, lấy chi mua đồ đem về!”.

Nghèo nhất trong đội thồ này là bà Hoàng Thị Liên, 54 tuổi, nhà ở cách chợ chưa đến 300m, với hoàn cảnh chỉ mới nghe qua đã thấy chạnh lòng. Bảy tám năm trước vợ chồng bà bàn nhau vay tiền xây xong căn nhà ngói. Thực hiện được “ước nguyện đời người” ít lâu, chưa kịp trả xong nợ thì đến năm 2010 người chồng chết vì tai biến.

Làm 2 sào ruộng, một sào vườn và nghề hái củi trong rú không đủ ăn, bà Liên đạp xe lên ga tham gia đội thồ hai ngàn kiếm thêm tiền chợ.

Với bảy người con, ba người con lớn có gia đình nhưng chẳng giúp được bao lăm. Bốn người con còn lại, một đang học lớp 12, một theo học trung cấp và hai người học cao đẳng; ngoài khoản vay sinh viên ít ỏi, bà phải chu cấp hết.

“Sổ ngân hàng dày lắm. Còn nợ vay nóng bên ngoài họ đòi đau óc đau tai. Nhưng cũng phải cho con ăn học, mai mốt hắn ra trường đi làm trả nợ, chứ nỏ (không) biết có cách chi để trả. Cũng may có chuyến tàu chợ để thồ hàng, một ngày kiếm được 10.000 đồng thêm tiền đi chợ, nếu không nỏ biết lấy chi ăn!”...

Chia tay chúng tôi, bà Liên có ước muốn khá khiêm tốn nhưng không thể có thực: “Nếu tàu chợ ni không chở rau mà chở nhiều hàng hóa đắt tiền khác thì tiền công thồ sẽ khá hơn, mấy chú hè!”...

____________________

Kỳ tới:Nỗi buồn ga xép

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Bạc lẻ đi tàu Kỳ 2: Chở cuộc mưu sinh Kỳ 3: Xóm đợi tàu Kỳ 4: Xuôi ngược cơm gà

THÁI LỘC - VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên