18/08/2021 22:26 GMT+7

Chống dịch ở phía Nam chưa đạt như mong muốn, người dân cần tích cực hơn nữa

TTXVN
TTXVN

TTO - Việc phòng, chống dịch vẫn chưa đạt như mong muốn, nhất là tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, một phần do có lúc, có nơi người dân còn chủ quan, lơ là, mất cảnh giác - Thủ tướng lưu ý.

Chống dịch ở phía Nam chưa đạt như mong muốn, người dân cần tích cực hơn nữa - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc chiều 18-8 - Ảnh: TTXVN

Chiều 18-8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì buổi làm việc giữa Thường trực Chính phủ với tập thể lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân trong điều kiện dịch bệnh.

Người dân còn chủ quan, lơ là, mất cảnh giác

Tại buổi làm việc, các thành viên Chính phủ đã báo cáo tình hình dịch COVID-19 và biện pháp, kết quả phòng chống dịch; nhận định tình hình và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tiếp theo; tình hình phát triển kinh tế - xã hội 7 tháng và những nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội những tháng còn lại của năm 2021...

Thủ tướng khẳng định trước tình hình dịch COVID-19, cả hệ thống chính trị bao gồm Ban Dân vận Trung ương, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã vào cuộc, huy động được sự đồng lòng, chung sức của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp vào phòng, chống dịch. 

Trong thời gian qua, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống COVID-19, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đã có nhiều nghị quyết, quyết định, chỉ thị, văn bản chỉ đạo, các biện pháp, giải pháp, chính sách về phòng, chống dịch. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dành sự quan tâm, sát sao trong công tác phòng, chống dịch… 

Ban Dân vận Trung ương, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã tự giác, tích cực vào cuộc hiệu quả và huy động đóng góp của toàn xã hội vào phòng chống dịch, trên tinh thần đoàn kết, tất cả vì sức khỏe của nhân dân. Nhiều cán bộ, chiến sĩ các cấp, nhất là trên tuyến đầu chống dịch đã tâm huyết, ngày đêm dốc sức cho phòng, chống dịch, thậm chí đã có những người hy sinh trong "cuộc chiến" này.

Thủ tướng nhận định, tình hình dịch COVID-19 hiện nay còn rất nghiêm trọng, gây tổn hại và ảnh hưởng lớn tới mọi mặt đời sống xã hội không chỉ ở trong nước mà tại hầu hết các nước trên thế giới. 

Việc phòng, chống dịch vẫn chưa đạt như mong muốn, nhất là tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam một phần do có lúc, có nơi người dân còn chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát có lúc chưa nghiêm; việc thực hiện 4 tại chỗ còn hạn chế do thiếu nguồn lực nên khi dịch bệnh phức tạp trở nên quá tải; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các cấp có lúc, có nơi còn chưa chặt chẽ…

Thủ tướng mong muốn Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, đồng thời bổ sung, hoàn thiện các giải pháp để tham gia phòng, chống dịch hiệu quả hơn.

Thủ tướng khẳng định, người dân vừa là trung tâm vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch; "mỗi người dân là một chiến sĩ; mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố, cơ quan, đơn vị là một pháo đài chống dịch". Do đó cần vận động, kêu gọi, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm túc các quy định, biện pháp về phòng, chống dịch.

Chống dịch ở phía Nam chưa đạt như mong muốn, người dân cần tích cực hơn nữa - Ảnh 2.

Một trường hợp đi đường không có giấy tờ hợp lệ phải quay đầu ở TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Phải đáp ứng đầy đủ các nhu cầu thiết yếu cho người dân

Thủ tướng nhấn mạnh, tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, ưu tiên số 1 hiện nay là phòng, chống dịch, đảm bảo sức khỏe người dân là trên hết, trước hết; trong đó không được để cho người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc; đáp ứng mọi yêu cầu y tế, cho mọi người dân ở mọi lúc, mọi nơi. 

Khi diễn biến dịch phức tạp thì các địa phương thực hiện chỉ thị 16, tức là phải phong tỏa, chống lây lan; thực hiện người cách ly với người, ai ở đâu thì ở đó; tổ chức xét nghiệm thần tốc, rộng rãi để nhanh chóng phát hiện nguồn lây tách ra khỏi cộng đồng.

Khi người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, hướng dẫn thì các cấp, các ngành phải đáp ứng đầy đủ các nhu cầu thiết yếu cho người dân; ngược lại khi chính quyền đã nỗ lực chăm lo các nhu cầu thiết yếu cho người dân thì tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ, thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Với sự đồng lòng của người dân, thực hiện tốt các biện pháp "5K + vắc xin + thuốc + công nghệ" để phòng, chống dịch hiệu quả.

Ông cũng gợi mở một số biện pháp khác nhằm tách F0 ra khỏi cộng đồng, tổ chức điều trị hiệu quả. Ngoài chữa bệnh tại cơ sở y tế, chữa bệnh tại nhà, cần nghiên cứu chữa bệnh đảm bảo các yêu cầu về an toàn dịch bệnh, thuận lợi, đảm bảo môi trường...; kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trong phòng, chống COVID-19.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan tiếp thu các ý kiến, đề nghị của Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền xem xét, phù hợp với quy định. 

Trước mắt yêu cầu các ngành, cơ quan liên quan thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ, toàn diện về tình hình dịch bệnh để người dân biết, hiểu; đồng thời hướng dẫn để người dân phòng, chống dịch hiệu quả; nghiên cứu quy định của Đảng, Nhà nước về chính sách cả về vật chất và tinh thần cho những người trên tuyến đầu chống dịch.

Thủ tướng cũng đề nghị Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tiếp tục lắng nghe, nắm bắt tâm tư, tình cảm của hội viên, đoàn viên và nhân dân; ghi nhận những vấn đề nảy sinh tại cơ sở; tổng hợp và phối hợp với Chính phủ, các cấp chính quyền kịp thời chia sẻ, giải quyết.

Trên tinh thần "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công"; "Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công", Thủ tướng mong muốn Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc các cấp và các thành viên kêu gọi, vận động, hướng dẫn người dân tích cực hơn nữa trong phòng, chống dịch COVID-19, vì sức khỏe của chính mình, vì cộng đồng và vì sự phát triển của đất nước.

Nhiều ổ dịch trong khu công nghiệp, Đồng Nai nâng quy mô các đơn vị hồi sức tích cực Nhiều ổ dịch trong khu công nghiệp, Đồng Nai nâng quy mô các đơn vị hồi sức tích cực

TTO - Đến nay, 115 doanh nghiệp tại 13 trên tổng số 31 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã xuất hiện ổ dịch với trên 1.560 ca mắc. Trong đó có 41 doanh nghiệp “3 tại chỗ” với tổng số hơn 1.240 ca mắc.

TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên