02/03/2019 17:04 GMT+7

Chọn gà nào, quán làm gà đó bị... lật tẩy đơn giản

KHÔI NGUYÊN (An Giang)
KHÔI NGUYÊN (An Giang)

TTO - Quán bán các món từ gà thả vườn. Khách chọn con nào, đem cân và chế biến món. Ăn uống xong, nhận hóa đơn, khách cười, yêu cầu gặp chủ quán vì cho rằng tính chưa đúng giá. Chuyện gì xảy ra?.

Chọn gà nào, quán làm gà đó bị... lật tẩy đơn giản - Ảnh 1.

Nhà hàng Hưng Phát (TP Nha Trang) - Ảnh: T.L.

Hàng quán gian lận, "chặt chém" vào bữa ăn của khách, dư luận bất bình, chính quyền xử phạt. Nhưng rồi, phạt chỗ này, dẹp chỗ kia lại mọc ra chỗ nọ..., chẳng lẽ bó tay? Cớ sao người tiêu dùng cứ im lặng trước thói ăn gian này?.

Chuyện tại một quán nhậu đặc sản ở miền Tây Nam Bộ. Quán bán các món từ gà thả vườn. Khách đến chọn con nào, bắt đem cân và đem đi chế biến món... 

Ăn uống xong, nhận tờ hóa đơn, "chủ xị" cười, yêu cầu gặp chủ quán vì cho rằng tính chưa đúng giá. Không ai hiểu chuyện chi xảy ra...

Sao cứ im lặng?

Thì ra anh này phát hiện món ăn đã không được chế biến từ con gà chính tay anh đã chọn. 

Chiêu phát hiện của anh khá đơn giản: món gỏi gà với hai chân gà mang lên đủ bộ móng, trong khi lúc ôm gà lên "nghía" anh đã lén bẻ mấy cái móng nhét trong túi - theo cách chỉ của bạn bè để phòng ngừa chuyện gian dối. 

"Bằng chứng" trưng ra, chủ quán đuối lý giải thích do người phục vụ nhầm lẫn nhưng cũng tính giảm giá phân nửa để khỏi bị làm lớn chuyện.

Gần đây, cộng đồng quan tâm hai vụ "chặt chém" ở TP Nha Trang (Khánh Hòa). UBND TP Nha Trang vừa xử phạt hành chính 27,5 triệu đồng đối với nhà hàng trên địa bàn vì chuyện "chặt chém" đoàn khách Malaysia với hóa đơn hơn 9 triệu đồng, trong đó chỉ riêng 3 phần trứng xào cà chua có giá 1,5 triệu đồng. 

Một quán khác tại địa phương này đã tính giá 2 dĩa khổ qua xào đến 500.000 đồng, mồng tơi xào 250.000 đồng/dĩa, su su 250.000 đồng/dĩa... 

Cục Quản lý thị trường tỉnh Khánh Hòa đã xử phạt quán 750.000 đồng về hành vi không niêm yết giá bán hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định...

Hai sự việc ít nhiều làm xấu lây đến bộ mặt của ngành du lịch địa phương. Một lần nữa cho thấy việc cần làm là ngăn ngừa hiệu quả chuyện "chặt chém" chứ không chỉ chuyện giải quyết, xử phạt khi có thông tin tố giác. Đặc biệt, cần quyết liệt hơn với nạn "chặt chém" ở điểm du lịch lớn, đông khách quốc tế.

Một đoàn khách đi du lịch đến đảo nọ, mua nồi cháo lòng với giá 700.000 đồng tại quán (trọn gói, gồm cả phục vụ). 

Cẩn thận hỏi giá, giao kèo cả việc phục vụ. Lát sau, tính tiền thành 800.000 đồng. 

Tăng thêm 100.000 đồng và lời giải thích lạ đời của quán: phần ăn này đã được nêm nếm đặc biệt cho ngon hơn nên tính thêm chút đỉnh, rồi tiền tô, muỗng khách gọi mang ra thêm, cho rằng lỗi do khách không hỏi kỹ...

Khách từ xa đến, không có hướng dẫn viên, "lạ nước lạ cái" đành trả thêm tiền và mang ấm ức về nhà. Đây cũng là tâm lý chung của những người từng gặp cảnh "chặt chém". 

Thông thường, thực khách lỡ trả giá "cắt cổ" thường chọn cách chấp nhận và im lặng, tự rút kinh nghiệm. 

Trong khi việc lên tiếng không chỉ vì quyền lợi riêng mình mà còn là trách nhiệm xã hội, để giảm nạn nhân tiếp theo. 

Khi nhiều người lên tiếng, kiểu ăn gian vấp phải sự phản ứng của khách, sự tẩy chay của cộng đồng, hành vi xấu sẽ giảm.

Đừng để thói xấu tiếp diễn

Nhiều thông tin tố "chặt chém" xuất hiện trên mạng xã hội sau khi khách đã thanh toán tiền xong. 

Du khách có thể gọi ngay đến đường dây nóng, trình báo cơ quan chức năng giải quyết để việc lấy lại tiền dễ dàng hơn... 

Chính quyền địa phương cần công khai số đường dây nóng để du khách dễ dàng trình báo sự việc sớm nhất cũng như nhanh chóng hỗ trợ du khách khi có sự cố.

Kiểu tính giá trên trời là kiểu tư duy ăn xổi ở thì, gian lận trong kinh doanh. Luật chế tài có, nhưng việc kiểm tra giám sát của cơ quan chức năng xem ra chưa đủ mạnh để ngăn ngừa tình trạng "chặt chém" du khách tại các hàng quán, khu du lịch. 

Nếu các giải pháp quản lý không chặt chẽ, xử phạt thậm chí rút giấy phép kinh doanh quán vi phạm, sau đó sẽ có quán khác, vẫn cung cách phục vụ xấu xí, và thêm nạn nhân mới...

Và mọi giải pháp quản lý đều không quan trọng bằng chính ý thức của người bán, người mua và cả những cán bộ quản lý địa bàn. 

Không im lặng, không dung dưỡng thói xấu, đừng để mọi người đi xa đều lo phải cảnh giác cao độ chuyện (chẳng may) bị tính giá bữa ăn với giá trên trời.

Điểm danh các hàng quán "chặt chém"

Tình trạng "chặt chém" vào bữa ăn của du khách diễn ra phổ biến nhiều nơi.

Dư luận bức xúc, cơ quan có thẩm quyền nhiều nơi xử phạt các vụ việc sai phạm lại thiếu những giải pháp ngăn ngừa hữu hiệu nên tình trạng này vẫn tiếp diễn.

Để hạn chế và ngăn ngừa hành vi "chặt chém" người tiêu dùng của các hàng quán kinh doanh dịch vụ ăn uống, theo tôi, cơ quan có thẩm quyền phải thường xuyên kiểm tra, giám sát và xử phạt nghiêm các hành vi tự thu tiền vượt quá giá niêm yết và các quy định của pháp luật có liên quan như vệ sinh, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự...

Khi người tiêu dùng phát hiện các trường hợp thu tiền vượt quá giá đã được niêm yết cần thông báo ngay với cơ quan có thẩm quyền để kịp thời xử lý.

Cơ quan chức năng và người tiêu dùng cần quyết liệt hơn với việc nêu tên những nơi "ăn gian" như kiểu cảnh báo chung về kiểu làm ăn gian dối này.

ĐỖ VĂN NHÂN (Kon Tum)

KHÔI NGUYÊN (An Giang)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên