23/02/2021 17:06 GMT+7

Choáng váng khi nghe tin đội bóng chuyền nam Đắk Lắk 'đường ai nấy đi'

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TTO - Gần 1 tháng nay, hàng chục vận động viên, học viên tuyển bóng chuyền nam Đắk Lắk đứng ngồi không yên khi nghe tin sẽ giải thể đội, 'đường ai nấy đi'. Nhưng đến khi có tin chính thức ai nấy vẫn sững sờ.

Dù rất buồn, hằng ngày các vận động viên bóng chuyền nam Đắk Lắk vẫn kiên trì luyện tập - Video: TRUNG TÂN

Chiều 23-2, ông Thái Hồng Hà - giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Đắk Lắk - xác nhận đơn vị đã có chủ trương giải tán đội bóng chuyền nam Đắk Lắk sau hơn chục năm hình thành, phát triển.

Lý do giải thể đội bóng được lãnh đạo sở giải thích do đội bóng chuyền nam nhiều năm không có thành tích, kinh phí duy trì đội bóng lại eo hẹp nên sở mới có chủ trương giải thể...

Thông tin giải thể đột ngột và kèm với giải thích của lãnh đạo sở khiến nhiều vận động viên, học viên tại đội bóng chuyền nam Đắk Lắk không khỏi choáng váng, sững sờ.

Choáng váng khi nghe tin đội bóng chuyền nam Đắk Lắk đường ai nấy đi - Ảnh 2.

Đội bóng chuyền nam Đắk Lắk trong một buổi luyện tập - Ảnh: TRUNG TÂN

Vận động viên Nguyễn Huỳnh Anh Phi (26 tuổi, trú huyện Krông Pắk) cho biết đã tham gia đội tuyển 7-8 năm nay khi đang ở tuổi học sinh. Quá trình huấn luyện, Phi đã nỗ lực rất nhiều, trải qua nhiều khó khăn, thiếu thốn do mức hỗ trợ eo hẹp.

Được tin tưởng, mang băng đội trưởng, Phi đã cùng đồng đội đoạt huy chương đồng Giải bóng chuyền hạng A năm 2019.

Đầu năm 2020, Phi và 6 đồng đội được ký hợp đồng sử dụng vận động viên với mức lương gần 4,7 triệu đồng cùng trợ cấp tiền ăn 140.000 đồng/ngày. Nhưng giờ nghe tin đội bóng sẽ tan rã, buồn không kể xiết.

"Chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều, dành hết thời gian vì đam mê, phục vụ. Thế nhưng khi có những kết quả ban đầu thì nghe tin lãnh đạo sẽ giải thể đội bóng, chúng tôi mỗi người một ngả. Hiện chúng tôi chưa được giải thích tại sao có sự thay đổi đột ngột này, quyền lợi của vận động viên sẽ giải quyết ra sao...", Phi thắc mắc.

"Vì đam mê tôi đã bỏ hết việc học kiến thức, học nghề, chấp nhận cuộc sống thiếu thốn những tưởng sẽ được cống hiến, được thi đấu dài lâu. Việc giải tán đội bóng đột ngột khiến chúng tôi chưa biết sẽ phải đi đâu, làm gì" - vận động viên Đậu Hữu Lý (27 tuổi, trú Đức Cơ, Gia Lai), đã tham gia đội tuyển bóng chuyền Đắk Lắk gần 10 năm nay và là tay đập nổi bật, nói thêm.

Bà Tống Thị Ngọt (mẹ học viên Nguyễn Tấn An, đang học văn hóa lớp 10 tại Trường năng khiếu Thể dục thể thao Đắk Lắk) cho biết con bà được tuyển chọn ở bộ môn bóng chuyền hai năm, nay nghe giải thể gia đình rất hoang mang.

"Trường và sở lại nói sẽ chuyển cháu sang môn khác như bắn súng, bắn cung, chèo thuyền để… đào tạo lại. Vậy vài năm sau lại nói con tôi không phù hợp, có phải dở dang hết mọi thứ. Chúng tôi tin tưởng giao con nhưng trường, sở nuôi dạy kiểu "đem con bỏ chợ" như thế thật không ổn.

Các cháu đang tuổi lớn, giờ quay lại trường cũ sẽ mặc cảm, theo không kịp các bạn, mà theo môn năng khiếu mới thì chẳng biết sẽ ra sao", bà Ngọt lo lắng.

Ông Nguyễn Tấn Tiến - huấn luyện viên trưởng tuyển bóng chuyền nam Đắk Lắk - buồn bã nói để gầy dựng được một đội bóng chuyền nam như hiện nay phải mất cả chục năm, chưa kể đang có những thành tích ban đầu.

"Lãnh đạo chỉ nói đội bóng không có tương lai, tập trung cho những bộ môn thế mạnh… khiến anh em rất hụt hẫng bởi những đóng góp, hi sinh của bản thân trong nhiều năm trở nên vô nghĩa", ông Tiến tâm sự.

Choáng váng khi nghe tin đội bóng chuyền nam Đắk Lắk đường ai nấy đi - Ảnh 3.

Các phụ huynh của các vận động viên nhỏ tuổi bức xúc vì vụ việc - Ảnh: N.GIÀU

Trả lời những vấn đề này, ông Phan Xuân Hùng - trưởng phòng thể thao thành tích cao Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Đắk Lắk - thừa nhận giải tán đội bóng chuyền là việc đáng tiếc nhưng vẫn phải làm.

Theo ông, định hướng của cấp trên là phát triển thể thao thành tích cao, dựa vào những thế mạnh, khả năng của địa phương.

Hiện nay, Đắk Lắk có thế mạnh các môn võ thuật, bắn súng, chèo thuyền, đang đầu tư nâng chất đội bóng đá nam. Riêng bóng chuyền có đội tuyển nữ đang thi đấu ở giải các đội mạnh, có triển vọng nên đang chú ý đầu tư.

Trong khi đó, bóng chuyền nam đang thi đấu ở giải hạng A, khả năng thi đấu ở giải các đội mạnh toàn quốc với lực lượng hiện nay là không thể. Trong khi đầu tư xã hội hóa cho thể thao nói chung và bóng chuyền nam không có, ngân sách kham không nổi.

"Trong điều kiện đó, sở có chủ trương giải thể đội bóng để tập trung phát triển các môn thế mạnh, có thể có thành tích cao. Đối với các vận động viên nhỏ tuổi được chuyển sang đào tạo các môn khác phù hợp, các vận động viên lớn cũng có thể chuyển môn hoặc sở liên hệ các đội để các em tiếp tục thi đấu tại đây.

Đúng là cuộc chia ly nào cũng buồn, nhưng điều kiện hiện tại buộc phải thế", ông Hùng nói.

Tập đoàn Dầu khí giải thể CLB bóng bàn, bóng chuyền Tập đoàn Dầu khí giải thể CLB bóng bàn, bóng chuyền

TT - Ngày 9-11-2012, Tập đoàn Dầu khí (PVN) có thông báo kết luận của tổng giám đốc tập đoàn về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2013 của Tổng công ty Khí VN (PV Gas). Trong đó yêu cầu PV Gas lập phương án giải thể Công ty cổ phần Thể thao văn hóa dầu khí (PSCC) trực thuộc PV Gas. PSCC là công ty chủ quản của CLB bóng bàn Tập Đoàn Dầu Khí và CLB bóng chuyền nam Tập Đoàn Dầu Khí Quốc Gia VN.

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên