23/05/2018 08:00 GMT+7

Cho tôi một vé đi chơi khắp đồng bằng

C.QUỐC - NGỌC TÀI - BỬU ĐẤU
C.QUỐC - NGỌC TÀI - BỬU ĐẤU

Du khách mong muốn chỉ cần “một vé” để có thể tận hưởng những đặc sắc của cả miền đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn.

Cho tôi một vé đi chơi khắp đồng bằng - Ảnh 1.

Về với thiên nhiên xanh ngát ở miền Tây - Ảnh: QUỐC HUY

Điều đó đòi hỏi các địa phương phải có sự kết nối tốt hơn nữa, nếu không muốn nói là hoàn hảo.

Cô gái Úc khoái miệt vườn

Mùa khô vừa qua, Derry Rose, một nữ du khách người Úc đã thực hiện ước muốn là đặt chân đến Việt Nam.

Derry nói rằng, cô có nhiều bạn bè là người gốc Việt định cư tại Úc. Những lần nghe bạn kể về quê hương xanh đẹp bên kia đại dương, trong mường tượng của cô, đó là quê hương của những dòng sông, của những vườn trái cây, và những con người vui tinh, gần với thiên nhiên…

Cho nên, khi đặt chân đến Việt Nam, cô đã vội hành trình về với miền Tây: Tiền Giang - Bến Tre - Vĩnh Long - Cần Thơ… Derry nói, khi đến đây, cô "vô cùng sung sướng với đời sống nơi đây". Cảnh đẹp tươi mát, con người vui vẻ, hiếu khách, những vườn trái cây và món ăn ngon…

Và rồi, Derry lại… muốn trở lại Úc. Cô chia sẻ lý do: "Ngày đầu tôi đến Tiền Giang, Bến Tre, mọi thứ quá tuyệt vời. Vườn trái cây, sông nước, món ăn ngon, chơi nhạc (đờn ca tài tử) quá hay. Nhưng đi nhiều nơi khác, tôi cũng gặp những cảnh đó. Thậm chí, ăn uống cũng gần như cùng một thực đơn".

Kết nối các địa phương

Tuổi Trẻ đem câu chuyện trùng lắp tổ chức các sản phẩm du lịch của vùng ĐBSCL để trò chuyện với ông Trần Việt Phường, Chủ tịch Hiệp hội du lịch ĐBSCL, ông Phường chia sẻ: vấn đề quan trọng của du lịch ĐBSCL là sự liên kết. Ông Phường khẳng định, để du lịch ĐBSCL phát triển, thu hút và có cái riêng thì không thể không liên kết.

Hiện toàn vùng ĐBSCL chia thành 2 cụm du lịch là Tây sông Hậu (gồm bảy tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và TP Cần Thơ) và Đông sông Hậu (gồm sáu tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang và Long An). Vấn đề hợp tác đã được đặt ra từ lâu và Hiệp hội du lịch ĐBSCL nhận thấy đã có nhiều kết quả tốt, cần được phát huy.

Việc liên kết hợp tác đã tạo ra sự đồng thuận giữa các Sở VH-TT&DL các địa phương, mà cụ thể là đồng lòng, cởi mở, chân tình chia sẻ với nhau mà trước đây việc gần gũi, chia sẻ như vậy rất ít. Ở góc độ rộng hơn, hai cụm du lịch nêu trên cũng có sự thân thiện, gần gũi, việc hợp tác vì thế cũng thuận lợi hơn nhiều. Đơn cử mới đây có hội chợ du lịch quốc tế tổ chức ở Hà Nội, nếu trước đây mỗi tỉnh tổ chức đoàn đi riêng rất tốn kém về con người và tiền bạc, lại ít được quan tâm thì lần này tổ chức đi chung vừa đỡ tốn tiền, người và hiệu quả thì lại rất tốt. Tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy khi tổ chức đoàn là các tỉnh phía Tây sông Hậu đi các tỉnh miền Trung để xúc tiến, quảng bá du lịch. Việc này do Hiệp hội du lịch ĐBSCL phối hợp với ngành du lịch tỉnh An Giang tổ chức và lần sau nữa thì phối hợp với ngành du lịch TP Cần Thơ.

Kinh nghiệm Đồng Tháp

Câu chuyện liên kết du lịch thật ra không phải xa lạ, mà nhiều nơi đã thực hiện thành công. Đơn cử như Đồng Tháp. Cuối năm 2017 đầu 2018, Tiểu vùng Đồng Tháp Mười đã có bước đột phá liên kết phát triển du lịch với TP.HCM với tên gọi "Một hành trình ba điểm đến".

Tiểu vùng Đồng Tháp Mười là vùng đất ngập nước trải dài trên 3 tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp với diện tích 729.824ha, chiếm 18% vùng ĐBSCL.

Theo đó, tour sẽ khởi hành từ TP.HCM đến Long An. Tại đây tham quan Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập, Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn dược liệu Đồng Tháp Mười.

Khi du khách đến Tiền Giang tham quan Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười gắn với Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, với đặc sắc là hình ảnh vùng cây trái trên đất phèn, ẩm thực gắn liền với trái thơm.

Đến Đồng Tháp tham quan Khu di tích lịch sử văn hóa khảo cổ Quốc gia đặc biệt Gò Tháp và Vườn Quốc gia Tràm Chim mà trong đó hình ảnh thiên nhiên hoang sơ, hoa sen và ẩm thực sen sẽ là dấu ấn chủ đạo.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết TP.HCM rất cần không gian liên kết du lịch. Do đó việc liên kết với tiểu vùng Đồng Tháp Mười là bước đi rất cụ thể vì xu hướng du lịch hiện nay của du khách là thiên về du lịch trải nghiệm, gắn với hành trình.

Việc hình thành một hành trình kết nối giữa TP.HCM và tiểu vùng Đồng Tháp Mười sẽ làm sâu sắc hơn những nội dung mà du khách như thích trải nghiệm, cảm thụ sản phẩm văn hóa, thiên nhiên, con người một cách sâu sắc.

“Chúng tôi muốn đưa du khách trải qua hành trình văn hóa phương Nam với “chất” là sự hiền hòa của thiên nhiên, hồn hậu của con người và nhiều hoạt động để du khách có thể hiểu hơn về vùng đất Nam bộ xưa"

Ông Nguyễn Tấn Lực (Trung Tâm phát triển du lịch Đồng Tháp)

Cần một nhạc trưởng

nguyen khanh phuong - 3anh3 - copy

Du lịch sinh thái ở mũi Cà Mau - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH PHƯƠNG

Cho rằng, du lịch ĐBSCL cần thiết phải có một "nhạc trưởng", ông Nguyễn Văn Lên - Giám đốc Sở VH-TT&DL An Giang chia sẻ: Nghị quyết quy hoạch và phát triển toàn vùng ĐBSCL đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có đề cập đến việc phát triển du lịch đồng bộ theo từng thế mạnh của địa phương. Thế nhưng, việc này đến nay vẫn chưa làm được.

Ông Lên cho rằng, muốn làm việc này thì ĐBSCL phải có một "nhạc trưởng" điều hành, định hướng cho từng tỉnh tập trung phát triển thế mạnh của mình đến "tối đa". "Để tỉnh nào cũng có vườn sinh thái, cũng có trái cây rồi lập vườn làm du lịch và tỉnh nào cũng làm du lịch đường sông mà không có nét riêng thì người ta đi một tỉnh đã biết hết cả đồng bằng rồi. Như vậy là không ổn" - ông Lên nói.

C.QUỐC - NGỌC TÀI - BỬU ĐẤU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên