17/02/2020 10:33 GMT+7

Chờ tăng công suất hoặc giảm nhân công để vượt qua COVID-19

NGỌC HIỂN
NGỌC HIỂN

TTO - Chỉ dự trữ nguồn nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất trong vòng 2 tuần nhưng đến nay đã bước sang tuần thứ hai, Công ty TNHH Datalogic Việt Nam tại Khu công nghệ cao TP.HCM (Q.9) đang bị "đứt" nguồn cung từ Trung Quốc do COVID-19.

Chờ tăng công suất hoặc giảm nhân công để vượt qua COVID-19 - Ảnh 1.

Nếu tiếp tục thiếu nguyên liệu, nhiều nhà máy sẽ đối diện nguy cơ tạm ngưng sản xuất - Ảnh: VĂN CHUNG

Nguy cơ đã ngay trước mắt

Thông thường, công ty này phải nhập các nguyên vật liệu hằng tuần, thậm chí hằng ngày từ Trung Quốc, song từ sau tết đến nay các nhà cung cấp không xuất hàng, dẫn đến công ty phải tính toán cắt giảm công suất, thậm chí cho công nhân tạm ngưng công việc nếu thực trạng này vẫn tiếp diễn.

Ông Đặng Văn Chung, giám đốc Công ty TNHH Datalogic Việt Nam, cho biết các nhà máy ở Trung Quốc "đóng băng" cả hoạt động sản xuất, xuất hàng, chỉ một số ít DN quay trở lại sản xuất. Phía Datalogic đã liên hệ và một số nhà cung cấp báo khôi phục sản xuất chưa được 100%, có nơi 30-40%, cao nhất chỉ ở 70-80%. Có đến một nửa các nhà cung cấp chưa có tin tức.

Ông Chung cho biết DN này chỉ trữ nguyên vật liệu đủ sản xuất cho khoảng 2 tuần, nhưng hiện nay Datalogic đã bước sang tuần sản xuất thứ hai, trong trường hợp xấu nhất nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng 50% thì phân nửa trong số 400 công nhân của nhà máy buộc phải tạm ngưng làm, chờ việc.

Ông Chung cho hay việc thay thế chuỗi cung ứng đòi hỏi phải có hệ thống tìm kiếm, đánh giá trên mẫu sản phẩm, nhà cung cấp... với quy trình nghiêm ngặt, đòi hỏi nhiều thời gian. Hiện nay Datalogic có đến vài trăm nhà cung cấp trên toàn cầu, song các DN phụ trợ trong nước chỉ mới đáp ứng tỉ lệ quá khiêm tốn khi chỉ chiếm 6%. Trong khi chỉ cần thiếu một linh kiện sẽ ảnh hưởng đến cả dây chuyền.

Đối với các đơn hàng, ông Chung cho rằng DN sẽ phải thất hứa với khách hàng. Nếu khôi phục nguồn hàng, công ty sẽ tính đến phương án tăng cường 200% công suất, giảm thiểu thiệt hại cho khách hàng. Nhưng chỉ có thể hi vọng nhà cung cấp sẽ bắt đầu chuyển hàng ngay trong tuần này.

Linh hoạt các quy định

Về những khó khăn lâu dài, ông Chung cho rằng DN sẽ đối diện với nguy cơ làm sao duy trì lương bổng cho nhân viên, ví dụ trong trường hợp công nhân nghỉ chờ việc nhưng DN cũng phải trả lương cho nhân viên không thấp hơn mức lương tối thiểu quy định theo vùng.

Theo ông Chung, thường DN tự xoay xở, không đòi hỏi những chính sách từ Nhà nước. Nhưng trong những trường hợp khẩn cấp thế này, nếu có chính sách mang tính nhất thời DN vẫn ủng hộ. Cụ thể, Nhà nước có thể quy định lại về cách trả lương cho nhân viên nghỉ chờ việc trong tình huống thiên tai, dịch bệnh hoặc giãn, giảm các loại thuế thì sẽ chia sẻ bớt khó khăn cho DN.

Bà Lê Bích Loan (phó trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM):

Cảnh báo chính sách

Dây chuyền sản xuất ngưng trệ sẽ ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người lao động. Do đó, cần phải có những giải pháp giúp DN ổn định sản xuất. Bên cạnh đó, tình huống này cũng là sự cảnh báo để chúng ta đẩy mạnh phát triển nền công nghiệp hỗ trợ trong nước. Tuy vậy, Trung Quốc vẫn là nguồn cung ứng cho nền công nghiệp hỗ trợ đứng vị trí dẫn đầu với đủ chủng loại theo giá thành, chất lượng...

Để nền công nghiệp hỗ trợ phát triển cần phải có các chính sách dài hạn để nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm giá thành, khuyến khích DN Việt phát triển.

Ngân hàng chia khó với doanh nghiệp giữa vòng xoáy COVID-19 Ngân hàng chia khó với doanh nghiệp giữa vòng xoáy COVID-19

TTO - Nhiều ngân hàng (NH) thương mại vừa đồng loạt giảm lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ... nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) và người dân bị thiệt hại nặng do virus corona, trong đó lĩnh vực nông nghiệp được nhiều NH hỗ trợ mạnh mẽ nhất.

NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên