11/06/2019 17:53 GMT+7

'Chợ phiên' của một gia đình chênh vênh trên núi cao, rừng sâu

THÁI LỘC - CÔNG TRIỆU
THÁI LỘC - CÔNG TRIỆU

TTO - Chở cả "phiên chợ" trên "ngựa sắt", họ rong ruổi suốt nhiều tuần liền xuyên qua núi cao, rừng sâu. Chiều muộn, đêm buông, họ như dân du mục bạ đâu ngủ đó trong bản làng xa xôi hay co ro lưng đèo, vách núi ngày bão mưa...

Chợ phiên của một gia đình chênh vênh trên núi cao, rừng sâu - Ảnh 1.

Đường chênh vênh bên núi cao, vực sâu - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Mỗi chuyến rong ruổi 2-3 tuần, dù bán ế ẩm cũng đem về vài triệu đồng trở lên. Ở quê, có làm gì đi nữa cũng không kiếm được như vậy

Ông TẨN SUN SƠN

Đời du mục của vợ chồng ông Tẩn Sun Sơn và Tẩn Sun Mẩy cùng con gái Tẩn Thị Mảy (trú xã Tả Phìn, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) đã lang thang suốt nhiều năm khắp núi rừng Tây Bắc.

"Chợ phiên" xuyên núi rừng

Chúng tôi gặp họ "nhờ" chiếc xe máy thủng săm khi từ đường tỉnh 112 vào Làng Sáng - bản xa nhất của xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, Sơn La. Sau mấy cây số dắt bộ xe tìm chỗ sửa, chúng tôi gặp cô gái Tẩn Thị Mảy trên xe máy chờ bố mẹ ở đầu dốc. 

"Chỗ vá xa lắm, dắt không nổi đâu, anh đứng đây chờ bố em đến vá giúp cho" - cô gái nhiệt tình. Dưới nắng đổ lửa, ông Tẩn Sun Sơn miệt mài vá săm giúp, rồi lắc đầu nguầy nguậy khi chúng tôi ngỏ ý bồi dưỡng: "Giúp nhau tí, có gì đâu"...

Con đường dẫn vào bản Làng Sáng chênh vênh men theo triền núi dựng đứng. Có đoạn mặt đường cũng là suối nước tràn chảy xiết. Ông Sơn chắc tay lái chở vợ cùng bao hàng đằng sau, trong khi con gái "tay lái lụa" không kém bố. Những đoạn dốc quá cao, bà Mẩy phải nhảy xuống, lần lượt phụ đẩy xe chồng và con gái...

Sau cả giờ đồng hồ chinh phục đường núi, họ dừng lại bãi đất bản Làng Sáng. Người chồng vừa mở mấy bao hàng vừa í ới đồng bào Mông trong mấy ngôi nhà vắt vẻo phía trên sườn núi xuống xem hàng, trong khi vợ và con gái trải bạt, bày biện hàng hóa. 

Chẳng khác gì chợ phiên, hàng chục thứ được bày ra, từ vải vóc, quần áo, chăn màn, khăn mặt, khăn choàng đến dụng cụ lao động cuốc, xẻng, lưỡi cày, pin, đèn pin, kể cả đồ chơi trẻ em... "Phải sẩm tối các bà trong rẫy về mới có người mua cơ" - ông Sơn vừa nói vừa hướng mặt gọi vọng lên núi. Chưa nhiều khách, cô con gái bày khăn, tranh thủ thêu thùa.

Ánh chiều nhập nhoạng loang dần qua dãy núi, "chợ phiên" du mục bắt đầu đông vui. Cánh đàn ông xúm lấy hàng lưỡi cày, cuốc, xẻng. Đàn bà mải mê với vải vóc, áo quần. Mấy đứa trẻ cũng bi bô đòi đồ chơi. Có người trả tiền liền, có người xin đổi cả... con dê. Ông Sơn chỉ cười. Họ còn rong ruổi xa, làm sao chở con dê được.

Chợ phiên của một gia đình chênh vênh trên núi cao, rừng sâu - Ảnh 3.

Cô gái Tẩn Thị Mảy băng qua suối đá - Ảnh: THÁI LỘC

Nghĩa tình bản làng

Hành trình du mục của nhà ông Sơn bắt đầu từ Sìn Hồ khoảng 10 ngày trước. Họ đã len lỏi, buôn bán qua các bản làng xa xôi huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu), Tuần Giáo (Điện Biên), Mai Sơn, Bắc Yên (Sơn La). 

Để đến được Háng Đồng này, lộ trình lên đến cả nghìn cây số trên các tuyến quốc lộ 12, 6, 37 và hàng loạt đường tỉnh, liên xã, liên thôn bản... Họ ít đi tuyến đường chính, mà thường theo các hẻm núi, nhiều đoạn băng qua khe, đèo để vào bản làng heo hút. Hầu hết đều là đường rất khó đi, nhưng "hễ người bản đi được thì mình có thể đi được".

Tại các bản làng ghé bán hàng, họ thường xin tá túc qua đêm. Đồng bào sơn cước thật thà, hiếu khách, luôn rộng cửa, rộng lòng với khách, mời cơm nước, rượu trà. Ông Sơn kể hiếm khi chủ nhà lấy tiền ăn, dù ông rất muốn trả cho sòng phẳng. "Biết họ rộng lòng, nhưng không thể để người ta thiệt. Nên mình phải tìm quà phù hợp rồi lựa lời sao đó để họ vui nhận" - ông Sơn tâm sự.

Người vợ Tẩn Sun Mẩy kể có lần một chủ nhà người Mông ở xã Cò Nòi (huyện Mai Sơn, Sơn La) vô cùng cảm động sau đêm cho họ trú nhờ. Sáng ra, bà soạn tặng tã lót, sữa tắm trẻ sơ sinh và cả khăn choàng thêu rất đẹp kiểu Mông cho con dâu vừa sinh của gia chủ. 

Chuyện là trước đó mấy tháng, họ từng ở nhờ và chủ nhà nhất quyết không lấy tiền hay tặng vật gì. Vậy là họ chú ý cô con dâu mang thai. Chuyến trở lại, họ mua những món cần cho việc sinh nở vốn rất thiếu thốn ở vùng núi. Món quà ý nghĩa và tình cảm ấy, gia chủ không thể nào chối từ...

Chợ phiên của một gia đình chênh vênh trên núi cao, rừng sâu - Ảnh 4.

Tranh thủ thêu thùa khi “chợ” ế khách - Ảnh: THÁI LỘC

Cả gia đình chở "chợ phiên"

Bước đường mưu sinh trên những cung đường ngoằn ngoèo ven các triền núi hiểm trở Tây Bắc này, gia đình ông Sơn cũng gặp không ít sự cố. Tháng mưa nhiều, tắc đường do sạt lở như cơm bữa. Họ đành dừng chân, chờ thông đường giữa núi cao, vực sâu tơi bời mưa gió. "Gặp bất trắc gì cũng quen rồi, mọi thứ đem theo đủ cả mà, không hề hấn gì đâu" - ông Sơn cười tự tin về "chợ phiên" của mình.

Gia đình ông Sơn thuộc dạng hiếm hoi buôn bán trong cộng đồng người Dao ở Tả Phìn mà hầu hết đều bám nương rẫy. Ông kể một ngày nông nhàn 15 năm trước, ông gặp đôi vợ chồng người Mông chở hàng hóa bằng xe máy lên Tả Phìn bán. Hỏi ra mới biết họ ở tít huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, cách nhà ông hơn 200 cây số. 

Máu rong ruổi nổi lên trong ông kèm theo lo lắng về cái nghèo đeo đuổi và bốn đứa con đang lớn dần... Thế là ông bàn với vợ ra chợ huyện mua sắm hàng hóa buộc vào xe máy lên đường.

Những chuyến đầu, ông rong ruổi đi bán một mình, từ các huyện lân cận của Lai Châu và dần sang Lào Cai, Điện Biên. Khởi sự chưa quen, hàng ông lấy bán cũng không chạy mấy, song lãi dù ít ỏi cũng hơn hẳn làm nương rẫy ở nhà. Dần dần, người vợ cùng ông đem "chợ phiên" đi rong ruổi. Có miệng phụ nữ, mua bán thuận tiện, lãi nhiều hơn.

Thấy cha mẹ làm ăn được, con trai đầu Tẩn U Mày giao nương cho vợ để cùng chở "chợ phiên" lên đường. Mày thạo việc, ra riêng thì người con gái thứ 3 là Tẩn Thị Mảy cũng theo đường buôn bán của bố mẹ... Ông Sơn cho hay chưa từng "hướng nghiệp", chỉ do mấy người con sẵn "máu du mục" như ông. Song, quan trọng hơn, theo ông: "Mỗi chuyến rong ruổi 2-3 tuần, dù bán ế ẩm cũng đem về vài triệu đồng trở lên. Ở quê, có làm gì đi nữa cũng không kiếm được như vậy"…

Chợ phiên của một gia đình chênh vênh trên núi cao, rừng sâu - Ảnh 5.

Đưa “chợ phiên” đến bản Làng Sáng - Ảnh: THÁI LỘC

Vui vẻ cho qua

Vài lần phát hiện người lấy cắp, ông Sơn khéo léo nhắc nhở, không làm xấu mặt người ta và cũng tránh nguy hiểm cho mình.

Ông kể có lần một phụ nữ nghèo đến xem, lén bỏ xấp vải vào gùi. Ông nhìn thẳng vào mắt người ấy với ngỏ ý sẵn lòng cho qua nhưng "đừng lấy thêm". "Mình có thể lấy những khoản lãi khác để bù vào nên nhiều lúc cho qua. Mà họ khó khăn lắm mới làm vậy, chứ họ cũng lương thiện như mình thôi" - ông Tẩn Sun Sơn tâm sự.

'Phiên chợ vùng cao' Điện Biên

'Phiên chợ vùng cao' sẽ diễn ra liên tục suốt quá trình tổ chức Lễ hội hoa ban năm 2019, kết thúc vào ngày 18-3.

THÁI LỘC - CÔNG TRIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên